Quán triệt phương châm 'không bỏ lọt tội phạm, không để oan, sai'

Thứ Sáu, 05/06/2015, 19:26
Sáng 5/6, trong phiên thảo luận tại Quốc hội về tình hình oan, sai và bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự, Đại tướng Trần Đại Quang – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có bài phát biểu bổ sung, làm rõ tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay.

Đạt và vượt các chỉ tiêu về phòng chống tội phạm do Quốc hội đề ra

Bày tỏ nhất trí với nội dung cơ bản báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết lực lượng Công an “nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã phát biểu và chân thành cảm ơn sự quan tâm của Quốc hội, của cử tri cả nước về vấn đề này”.

Bộ trưởng Trần Đại Quang phát biểu trước Quốc hội sáng 5/6.

Với phương châm nhất quán, không bỏ lọt tội phạm, không để oan sai, nghiêm cấm bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, Đảng đoàn Bộ Nội vụ và Bộ Nội vụ trước đây, nay là Đảng ủy cơ quan Trung ương và Bộ Công an đã chỉ đạo toàn lực lượng Công an nhân dân quán triệt thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phòng chống tội phạm, phòng chống oan, sai trong điều tra, xử lý các vụ án hình sự. Bộ Công an cũng ban hành nhiều chỉ thị, quy định việc chấp hành pháp luật, chấn chỉnh sai phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm.

Ngay từ Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 7 (ngày 6/1/1952), Bộ Công an (lúc đó còn gọi là Thứ Bộ Công an) đã ra Nghị quyết nêu chủ trương yêu cầu không để lọt tội phạm, không để oan người vô tội, nghiêm cấm bức cung và nhục hình. Từ đó đến nay, Bộ Công an liên tiếp ban hành nhiều chỉ thị có liên quan đến vấn đề này.

Thực hiện các chỉ thị của Bộ Công an, công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm thời gian qua cơ bản đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội pham. Tỷ lệ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, kết luận điều tra chuyển Viện kiểm sát để truy tố, năm sau cao hơn năm trước. Cơ quan điều tra các cấp đã chấp hành nghiêm túc những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự và những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong việc phát hiện, thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ. Tập trung chỉ đạo, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế thiếu sót trong công tác điều tra xử lý tội phạm.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án trọng điểm. Rà soát các vụ án còn tồn đọng để giải quyết dứt điểm. Phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, Tòa án đưa nhiều vụ án lớn đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã truy tố, xét xử, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các chỉ tiêu về phòng chống tội phạm mà Quốc hội đề ra trong Nghị quyết số 37, số 63, Bộ đã kiểm điểm và thấy rằng đạt và vượt. Kết quả đó góp phần quan trọng giữ vững an ninh trật tự, phục vụ thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Phải đánh giá dưới góc độ cơ quan điều tra có làm đúng pháp luật hay không

Trong báo cáo giám sát của UBTV Quốc hội có nêu: “việc bắt, tạm giữ hình sự còn để xảy ra nhiều trường hợp phải chuyển xử lý hành chính” và báo cáo coi đó là thiếu sót, vi phạm. Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định, vấn đề này cần được đánh giá dưới góc độ cơ quan điều tra có áp dụng đúng pháp luật hay không, chứ không phải nhiều hay ít, bởi ít nhưng áp dụng sai pháp luật thì cũng không được. Với tinh thần tấn công không bỏ lọt tội phạm, cơ quan điều tra các cấp đã chủ động áp dụng các biện pháp ngăn chặn, không để đối tượng có cơ hội thực hiện các hành vi phạm tội. Lệnh bắt tạm giữ hình sự, tạm giam đều được Viện kiểm sát cùng cấp xem xét phê chuẩn.

Trong quá trình điều tra, ngoài việc thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm, cơ quan điều tra còn chú trọng thu thập chứng cứ chứng minh sự vô tội hoặc tính chất mức độ hành vi của bị can theo nguyên tắc suy đoán vô tội. Qua đó nhiều vụ án bị can đã được đình chỉ điều tra chuyển xử lý hành chính theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. “Tôi xin nêu một ví dụ: Vừa qua khi xảy ra các vụ gây rối ở Bình Dương, Hà Tĩnh, Đồng Nai, để ổn định tình hình và bảo đảm an ninh trật tự, cơ quan điều tra đã bắt, tạm giữ hình sự hàng trăm đối tượng, nhưng sau khi điều tra, xác minh, phân loại, đánh giá về tính chất mức độ hành vi đã chuyển xử lý hành chính nhiều đối tượng và chỉ đưa ra truy tố, xét xử một số ít đối tượng. Như vậy, tôi cho rằng là cần thiết và vẫn đúng quy định của pháp luật”.  

Xử lý nghiêm cán bộ vi phạm theo pháp luật

Vấn đề thứ hai, liên quan đến bức cung, nhục hình và nguyên nhân của oan, sai. “Chúng tôi nghiêm túc nhìn nhận bên cạnh những thành tích, những kết quả đạt được, mặc dù số vụ oan, sai giảm hàng năm nhưng hoạt động điều tra, xử lý tội phạm còn một số hạn chế, thiếu sót. Cá biệt ở nơi này nơi khác còn xảy ra một số vụ oan, sai, thậm chí vẫn còn hiện tượng bức cung, nhục hình, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng, gây bức xúc trong dư luận” – Bộ trưởng thẳng thắn chỉ rõ.

Bộ trưởng khẳng định, đối với những trường hợp cán bộ chiến sĩ công an có hành vi vi phạm trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm, quan điểm nhất quán của Đảng ủy Công an trung ương và Bộ Công an là xử lý nghiêm theo pháp luật. Cơ quan điều tra Công an các cấp đã phối hợp với viện kiểm sát, toà án và các cơ quan chức năng xem xét, xử lý nghiêm minh. Từ ngày 1/1/2011 đến nay, có 40 cán bộ, chiến sĩ công an bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, đồng thời lãnh đạo chỉ huy các đơn vị để cán bộ chiến sĩ có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp đều bị xử lý trách nhiệm liên đới.

Nhiều nguyên nhân khách quan tác động đến quá trình xử lý án

Đề cập thêm về nguyên nhân dẫn đến oan, sai (ngoài những điều nêu trong báo cáo kết quả giám sát), Bộ trưởng Trần Đại Quang nhận thấy có một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, số vụ án bị can khởi tố điều tra hàng năm đều tăng, tính chất tội phạm ngày càng nghiêm trọng, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, trung bình hàng năm cơ quan điều tra các cấp khởi tố gần 80.000 vụ án, trên 120.000 bị can nhưng biên chế lực lượng điều tra còn thiếu, nhiều cơ quan điều tra, mỗi điều tra viên thụ lý từ 30-50 vụ án mỗi năm, thậm chí có điều tra viên thu lý tới 70 vụ án một năm, gây áp lực lớn đối với cán bộ điều tra, ảnh hưởng đến chất lượng điều tra và xử lý tội phạm.

Nguyên nhân thứ hai, một số điều tra viên cơ quan điều tra ở địa phương vẫn còn tư tưởng chủ quan, nóng vội, nhất là trước áp lực công việc và đòi hỏi yêu cầu công việc cần kết thúc sớm vụ án hoặc do áp lực của dư luận, cũng có những trường hợp nóng vội vì tư tưởng thành tích, dẫn đến nóng vội trong thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ, chưa coi trọng đầy đủ việc thu thập chứng cứ gỡ tội hoặc chủ quan thỏa mãn khi thấy bị can nhận tội mà không quan tâm đến các chứng cứ gỡ tội khác. Một số ít chưa chấp hành nghiêm túc quy chế làm việc, quy trình công tác và các quy định của pháp luật dẫn đến hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp.

Nguyên nhân thứ ba, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ ở các đơn vị địa phương để nhằm phát hiện những sơ hở thiếu sót trong hoạt động điều tra, xử lý vụ án hình sự vẫn chưa được sâu sát và thường xuyên.

Vấn đề thứ tư, về mặt pháp luật. Đồng tình với một số ý kiến đại biểu đã phát biểu, Bộ trưởng cho rằng, một số quy định của Bộ luật hình sự còn bất cập, thiếu hướng dẫn các tình tiết định tính. Như hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn, quy mô thương mại, động vật được ưu tiên bảo vệ... Phân biệt giữa tội phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các vi phạm trong giao dịch dân sự, kinh tế. Vấn đề định lượng tài sản trong một số loại tội phạm.

Quy định về giám định cũng chưa hoàn thiện, về quy chuẩn, thời hạn giám định, trách nhiệm của các cơ quan giám định trong các lĩnh vực pháp y, xây dựng, tài chính, ngân hàng, giao thông. Nhiều trường hợp phải giám định nhiều lần và kết quả giám định rất khác nhau. Có trường hợp phải đình chỉ vụ án vì kết luật giám định không xác định được hậu quả thiệt hại. Đó là một số nguyên nhân tác động ảnh hưởng đến quá trình xử lý các vụ án hình sự.

Không để lọt tội phạm, không để oan, sai

Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định, với tinh thần thượng tôn pháp luật, để khắc phục những sơ hở thiếu sót cũng như chấn chỉnh các sai phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, Đảng ủy cơ quan Trung ương và Bộ Công an đã, đang và tiếp tục chỉ đạo cơ quan điều tra cơ quan các cấp và các cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống tội phạm, phòng, chống oan sai, nhất là Nghị quyết của Quốc hội kỳ này về phòng ngừa oan, sai.

Quán triệt các chỉ thị, quy định của Bộ Công an về công tác bắt, giam, giữ, điều tra, xử lý tội phạm, nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nâng cao tỷ lệ xử lý tin báo tố giác tội phạm, đồng thời không để lọt tội phạm, không để oan, sai và nghiêm cấm bức cung, nhục hình hoặc có hành vi xâm hại đến danh dự, nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người dân dưới mọi hình thức.

“Chúng tôi nhận thức rằng biện pháp quan trọng, cơ bản, chủ yếu hàng đầu trong phòng chống oan, sai, đó là đề cao tinh thần trách nhiệm, đó là đạo đức nghề nghiệp, đó là ý thức chấp hành pháp luật đi liền với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, việc chấp hành các quy trình làm việc và quy chế cộng tác. Công tác thanh tra nhất là thanh tra trong khởi tố, bắt giam giữ phải được tiến hành thường xuyên, chú trọng phát hiện sớm sai phạm để tập trung phối hợp xác minh các dấu hiệu oan, sai để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời không để kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Vấn đề thứ hai, thường xuyên coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật, nhất là đội ngũ điều tra viên. Chú trọng giáo dục, bồi dưỡng cán bộ chiến sĩ về tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn ngăn ngừa hiện tượng bức cung, mớm cung, nhục hình trong công tác bắt, giam, giữ, điều tra, xử lý tội phạm. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án của Bộ Công an về nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho điều tra viên của các cơ quan điều tra các cấp nhằm làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ cũng như điều tra viên nhận thức sâu sắc trách nhiệm trong khi tiến hành hoạt động tố tụng, phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng.

Vấn đề thứ ba, đề cao trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp và Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra. Thủ trưởng cơ quan điều tra công an các cấp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo đôn đốc kiểm tra, hướng dẫn đối với Phó thủ trưởng cơ quan điều tra và điều tra viên, nhằm phát hiện kịp thời, chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác bắt, giam, giữ, điều tra, xử lý tội phạm, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, kiên quyết điều chuyển khỏi cơ quan điều tra những cá nhân vi phạm trong công tác điều tra các vụ án hình sự.

Xử lý trách nhiệm liên đới của Thủ trưởng cơ quan điều tra nếu để xảy ra oan sai, bức cung, nhục hình, các vụ án có cán bộ chiến sĩ công an bị khởi tố, bị kỷ luật do để ra oan sai, bức cung, nhục hình. Bộ trưởng cho biết đã chỉ đạo tổ chức, đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm, thông báo cho các đơn vị và Công an trong toàn quốc, thông báo cho các cơ quan điều tra trong toàn quốc để rút kinh nghiệm, đồng thời đưa vào các Học viện nhà trường để giáo dục, để rút kinh nghiệm.

Vấn đề thứ tư, Bộ Công an đã và đang có kế hoạch tiếp tục tăng cường lực lượng điều tra viên cho cơ quan điều tra ở các địa phương trọng điểm. Để khắc tình trạng quá tải đối với một số địa phương, các vụ án hình sự quá nhiều nhưng lực lượng điều tra viên còn thiếu, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, trình độ pháp luật cho đội ngũ điều tra viên. “Mặc dù thiếu nhưng chúng tôi vẫn đề ra chủ trương là kiên quyết không bố trí số cán bộ chưa đảm bảo những tiêu chuẩn, điều kiện của một điều tra viên làm công tác điều tra, xử lý tội phạm và xử lý các vi phạm pháp luật” – Bộ trưởng khẳng định.

Điểm nữa, đó là việc tăng cường trang bị phương tiện chuyên dùng để phục vụ cho việc ghi nhận chứng cứ, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật của cán bộ, chiến sỹ, Công an trong thực hành nhiệm vụ có liên quan để phòng ngừa oan sai.

V. Hân
.
.
.