Chuyện người quản lý

Quản lý, sử dụng tài sản công chưa đáp ứng được yêu cầu

Thứ Năm, 21/05/2015, 09:17
Mới đây, Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước (TSNN). Theo đó, tổng giá trị tài sản Nhà nước được bổ sung vào cơ sở dữ liệu quốc gia vào khoảng 1 triệu tỷ đồng, phần lớn là đất, nhà, xe công. Công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã được siết lại trong năm qua, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều bất cập, lãng phí.

Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN đã cập nhật thông tin của 104.011 đơn vị. Tổng giá trị TSNN tại cơ sở dữ liệu quốc gia đến ngày 31/12/2014 là gần 1 triệu tỷ đồng, trong đó tài sản là quyền sử dụng đất: 692.372,26 tỷ đồng, tài sản là nhà 240.641,96 tỷ đồng, tài sản là ôtô 20.623,27 tỷ đồng, tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản: 45.911,83 tỷ đồng; tài sản khác có nguyên giá dưới 500 triệu đồng của các dự án sử dụng vốn Nhà nước 142,76 tỷ đồng.

Phân theo cấp quản lý, TSNN thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương quản lý là 263.440,20 tỷ đồng, TSNN thuộc địa phương quản lý là 736.251,88 tỷ đồng. Số TSNN do địa phương quản lý chiếm 73,65% về giá trị và 87,56% về số lượng. Tổng giá trị TSNN (theo nguyên giá) tăng trong năm 2014 là 26.481,18  tỷ đồng, trong đó phần lớn là tăng ở quyền sử dụng đất và nhà.

Báo cáo của Chính phủ cũng nhận định: Sau một thời gian triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng TSNN năm 2008 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý TSNN trong tình hình mới.

Phạm vi điều chỉnh của Luật còn hẹp, chưa bao quát hết các loại tài sản nhà nước, mới chỉ gồm 1 nhóm là TSNN khu vực hành chính sự nghiệp đã hạn chế hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, sử dụng TSNN. Sự phân định giữa chức năng quản lý Nhà nước và dịch vụ công trong quản lý, sử dụng TSNN chưa thực sự rõ ràng, cụ thể nên các bộ, ngành, chính quyền địa phương vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý, vừa thực hiện các nghiệp vụ mang tính chất dịch vụ như tổ chức bán, thanh lý, mua sắm tài sản...

Cơ chế quản lý, sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Việc sử dụng tài sản công ở một số nơi còn lãng phí, không đạt được mục tiêu đầu tư. Tình trạng đầu tư xây dựng quảng trường, trung tâm hội nghị, nhà văn hóa, cảng biển của một số địa phương vượt quá nhu cầu cần thiết, tần suất sử dụng thấp, kinh phí bảo dưỡng, duy trì lớn, trong khi NSNN đang rất khó khăn, chưa phù hợp với thực tiễn, gây lãng phí.

Cơ chế giao vốn cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính và cho phép các đơn vị này được sử dụng TSNN vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh liên kết; đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng TSNN, khai thác có hiệu quả nguồn lực sẵn có từ TSNN gắn với việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển dịch vụ sự nghiệp công lập là một chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, về tổng thể, việc xác định giá trị tài sản để giao vốn cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, kết quả còn khiêm tốn.

H.Vũ
.
.
.