Quản lý chặt chẽ việc lợi dụng hộ chiếu du lịch để lao động trái phép

Thứ Bảy, 24/05/2014, 09:40
Chiều 23/5, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trước khi thông qua tại kỳ họp này.

Các đại biểu cơ bản biểu thị sự đồng tình cao với dự thảo, đánh giá đây là một dự thảo luật đã được nghiêm túc hoàn thiện, tiếp thu các ý kiến, thể hiện sự cầu thị và tôn trọng ý kiến đại biểu, đồng thời đã được xây dựng khá hoàn chỉnh nhằm mục tiêu đảm bảo tính chặt chẽ nhưng vẫn tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa về thủ tục cho người nước ngoài xuất, nhập cảnh, cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), dự án luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh hiện hành, theo đó các quy định về nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài trong cùng một văn bản luật bảo đảm tính thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài và đáp ứng yêu cầu công tác quản lý về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Dựa trên những diễn biến thực tiễn, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến cần nghiên cứu quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về giá trị của thị thực để tránh việc người nước ngoài thay đổi mục đích sau khi đã nhập cảnh Việt Nam.

Theo đó, UBTVQH đã chỉnh lý, quy định rõ thị thực không được chuyển đổi mục đích; ký hiệu thị thực cũng được chỉnh lý theo hướng nhóm các ký hiệu theo mục đích nhập cảnh tương ứng với các chủ thể mời, bảo lãnh. Liên quan đến các điều kiện được cấp thị thực có giá trị nhiều lần, UBTVQH cho rằng, việc này phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể và mục đích nhập cảnh của họ, do đó, không thể quy định ngay trong luật. Thị thực điện tử cũng chưa được bổ sung trong luật cho phù hợp với thông lệ quốc tế, bởi cho đến nay nhiều nước đang áp dụng hộ chiếu có gắn chíp điện tử tích hợp các thông tin cá nhân, chưa có hình thức thị thực điện tử.

Về thời hạn thị thực và điều kiện cấp thị thực, dự thảo luật quy định thị thực cấp cho người nước ngoài có giấy phép lao động với thời hạn không quá 2 năm; thị thực cấp cho người nước ngoài là nhà đầu tư có giấy phép đầu tư với thời hạn không quá 5 năm. Nhiều đại biểu cho rằng thời gian này hơi ngắn. Tuy nhiên, UBTVQH cho biết đã bổ sung quy định về cấp thị thực mới đối với các trường hợp có nhu cầu tiếp tục ở lại để hoàn thành công việc của mình, nên không nới rộng thời hạn.

Một trong những vấn đề tồn tại trên thực tế đang cần được giải quyết là thời gian qua, một số lượng khá lớn người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam với mục đích du lịch, sau đó tìm cách ở lại Việt Nam để lao động, gây khó khăn cho công tác quản lý trật tự, an toàn xã hội. Để hạn chế tình trạng đó, dự thảo luật đã quy định không cho phép nhập cảnh nếu không có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh. Vấn đề chứng minh tài chính được gắn trách nhiệm bảo lãnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân mời để tránh phiền hà cho người nhập cảnh.

Có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc quy định người nhập cảnh theo diện miễn thị thực, hộ chiếu còn thời hạn sử dụng ít nhất 6 tháng và phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày; UBTVQH cho rằng quy định như vậy là phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), trong đó Việt Nam là thành viên; việc quy định phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày là nhằm hạn chế tình trạng người nước ngoài sử dụng thị thực du lịch nhưng thực chất là làm việc cho các dự án, khi thị thực hết hạn, họ xuất cảnh và lại nhập cảnh ngay sau đó để làm việc gây khó khăn cho công tác quản lý lao động người nước ngoài.

Hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt bám biển, đầu tư cho hậu cần nghề cá và nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp, để người nông dân thực sự sống được với đồng ruộng là những vấn đề được các đại biểu đề cập đến nhiều nhất trong phiên thảo luận tổ sáng 23/5 về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách. Ngay tại những thời điểm phức tạp như hiện nay, ngư dân duyên hải của chúng ta vẫn thể hiện quyết tâm bám biển, không sợ hãi trước sự đe dọa nào ngoài việc... giá cá giảm và nguy cơ lỗ vốn, hết tiền. Nghề cá vốn là nghề rủi ro cực lớn, nếu không được hỗ trợ, ngư dân dù có kiên cường đến thế nào cũng không thể tiếp tục bám biển. Chính vì vậy, nhiều đại biểu kiến nghị đến lúc chi ngân sách đầu tư mạnh hơn cho kinh tế biển, đóng tàu sắt, phát triển hậu cần nghề cá... không đặt bài toán kinh tế hay lợi ích trước mắt lên đầu. Hai nguồn đang được ngắm đến là 35.000 tỷ đồng Bộ trưởng Đinh La Thăng tiết kiệm được qua điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án giao thông và từ tăng bội chi ngân sách 2013 lên mức dự kiến 5,3%.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Phạm Văn Tấn phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN.

Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng: Cần xem lại phân bổ ngân sách đối với những công trình của năm 2014 và những năm tiếp theo, như việc nạo vét sông Hậu có cần thiết không, thay vào đó nên cho ngư dân đóng tàu, cho thuê tàu, mượn tàu để trấn giữ biển Đông. Phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, dành ưu tiên cho những vấn đề cấp bách và đổi mới xuất khẩu, hướng ra thị trường các nước chứ không lệ thuộc vào “ông hàng xóm xấu bụng”.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh): Cần có thông điệp cho người nông dân cảnh giác

Thương lái Trung Quốc về mặt kinh tế họ đã có ý đồ xấu với ta từ lâu rồi. Tại sao tôi nói như thế. Họ dùng kinh tế để tấn công chúng ta từ người dân. Họ mua những hàng hóa rất khác biệt, không thể lý giải lý do, không bao giờ ổn định, chỉ trong một thời gian ngắn thôi lại thay đổi. Nếu như người nông dân Việt Nam mình không nắm được, chính quyền, các bộ, ngành không định hướng, cứ để chạy theo lợi ích trước mắt, chắc chắn là người nông dân sẽ thiệt thòi nhất.

Tôi lấy ví dụ họ tự nhiên mua cổ hũ dừa, chỉ đốn cổ hũ coi như tiêu một cây dừa. Thanh long không mua trái mà mua hoa. Rồi mua đỉa, ốc bươu vàng khiến mọi người mang về nuôi cho nhiều đặng bán. Mà ốc bươu vàng là cái loại tàn phá mùa màng kinh khủng. Họ có những hành vi “tiêu diệt” hàng hóa của ta. Nếu chủ trương của mình không quyết liệt, không đánh thẳng vào gốc vấn đề mà chỉ khuyên, vận động bà con thôi thì chưa giải quyết được. Phải có giải pháp xử lý những đối tượng thu mua chứ. Theo tôi, Chính phủ phải tập trung chỉ đạo quyết liệt ở địa phương, quản lý kiểu nào, phải hướng dẫn địa phương sản xuất gì, ổn định đầu ra cho họ thì họ mới không tin theo kẻ xấu. Không để họ “tấn công” chúng ta cả về kinh tế và chính trị.

Đại biểu Ngô Văn Minh: Chúng ta không thể mãi một mình thiện chí

Chúng ta đối với Trung Quốc là một nước láng giềng có mối quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời. Chúng ta đã có những ứng xử hết sức mềm dẻo với những giải pháp có thể nhất để mong muốn giữ được môi trường hòa bình ổn định. Thái độ của chúng ta cũng hết sức rõ ràng là chúng ta khẳng định Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam. Chúng ta có đầy đủ bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý để khẳng định điều đó. Không phải tự chúng ta nói mà thể hiện trên những nghiên cứu của những nhà khoa học trên thế giới chuyên sâu về biển Đông, thể hiện trên các chiếu chỉ của triều Nguyễn, trên các bản đồ của các nước châu Âu, bản đồ của Việt Nam chúng ta trong thời phong kiến, kể cả bản đồ của chính Trung Quốc xuất bản trong thời nhà Thanh.

Chúng ta đã cư xử thiện chí, nhưng không thể mãi một mình chúng ta có thiện chí được. Nếu Trung Quốc lúc nào cũng lu loa rằng đó là chủ quyền của Trung Quốc – điều mà những người am hiểu chuyên môn sâu, những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới đều biết là vô lý, thì mình cũng có những biện pháp tiếp theo... Tới đây, theo tôi, nhiều người cũng mong muốn trên cơ sở đấu tranh hòa bình, chúng ta sẽ đấu tranh pháp lý. Qua vai trò thường trực ở Geneve, chúng ta có thể gửi tuyên bố lên Liên hợp quốc.

V.H (thực hiện)

Vũ Hân – Kim Quý
.
.
.