QH cảnh báo nguy cơ tiêu cực khi mức phạt hành chính quá cao

Thứ Năm, 31/05/2012, 10:33
Mức phạt hành chính tối đa lên tới 2 tỷ đồng, gấp 4 lần hiện hành. Trong khi Ban soạn thảo dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính cho rằng, mức xử phạt càng cao càng có sức răn đe thì nhiều ý kiến phản bác, khẳng định mức phạt phải phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội. Phạt tiền cao mà không giám sát chặt sẽ nẩy sinh tiêu cực, nhũng nhiễu càng lớn…

Áp dụng mức phạt cao chưa có  cơ sở khoa học

Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính được nâng lên từ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính hiện hành. “Nổi cộm” trong dự luật này là việc nâng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn tới 4 lần, từ tối đa 500 triệu đồng như hiện hành lên mức 2 tỷ đồng (đối với tổ chức) và 1 tỷ đồng (đối với cá nhân). Trước đó, năm 2008, Pháp lệnh nâng mức xử phạt tối đa từ 70 triệu lên 500 triệu đồng. Như vậy, chỉ sau 4 năm, mức xử phạt hành chính đã tăng gần 30 lần.

Lý giải việc nâng mức xử phạt lên cao kỷ lục, Ban soạn thảo (Bộ Tư pháp chủ trì) cho rằng, mức phạt phải cao mới đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Bộ này cũng viện dẫn, mức xử phạt như hiện hành còn thấp khiến nhiều lĩnh vực vi phạm không giảm, nhiều tổ chức, cá nhân có tâm lý nộp phạt để tiếp tục vi phạm.

Thảo luận tại hội trường chiều 30/5, nhiều ý kiến tỏ ra ủng hộ quan điểm của Ban soạn thảo và Ủy ban Pháp luật thẩm tra dự thảo. Tuy nhiên, luồng ý kiến phân tích có tính khoa học hơn, đã phản bác lại quan điểm này. Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) lập luận, phạt cao không phải là biện pháp hữu hiệu để hạn chế vi phạm mà có nguy cơ gia tăng tiêu cực, do đó chỉ nên quy định vừa phải, phù hợp điều kiện kinh tế xã hội, phù hợp mức sống người dân. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thì lo ngại, cách làm này mang cảm tính, thiếu cơ sở khoa học khi cứ sau vài năm cơ quan quản lý thấy “chưa đủ răn đe” lại tiếp tục nâng cao nhiều lần.

Mức phạt cao tới 2 lần ở đô thị như Hà Nội được cho là không có cơ sở khoa học.

Về vấn đề này, trong các phiên thảo luận trước tại UBTV Quốc hội, nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện đang diễn ra thực trạng một số cán bộ công quyền lợi dụng việc xử phạt cao ở Hà Nội để “làm luật” với người vi phạm, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông trật tự, môi trường đô thị.  

Hà Nội được phạt cao: Các tỉnh “chạnh lòng” vì thua thiệt!

Cũng tương tự như vậy, việc áp dụng mức phạt cao hơn 2 lần so với mặt bằng chung cả nước (đối với vùng đô thị đặc biệt), nhiều ý kiến cho là không có cơ sở khoa học. Đại biểu Ngô Văn Minh lý giải, việc thành phố lớn xử phạt gấp 2 lần cũng cần cân nhắc, vì mọi công dân đều bình đẳng, pháp luật phải được thống nhất trong cả nước.

Trong khi đó, dù là phạt cao nhưng không phải là biện pháp hữu hiệu để các đô thị này giảm được vi phạm hành chính. Trong khi đó, cơ quan soạn thảo vẫn bảo lưu quan điểm, cho rằng với các đô thị như Hà Nội, sức ép dân cư, phương tiện quá lớn đòi hỏi phải có chế tài xử phạt cao hơn hẳn các khu vực khác để đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Hiện, Hà Nội đang được áp dụng thí điểm việc xử lý vi phạm mức này.

Đáng chú ý trong việc xử lý tiền phạt, đại biểu Quốc hội quan tâm số tiền này sẽ được làm gì, trao cho ai? Khoản 2, Điều 85 dự thảo luật quy định, tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước qua tài khoản mở tại kho bạc Nhà nước và được quản lý theo đúng quy định tại luật này và các quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Các ý kiến cho rằng cần phải quy định rõ ràng, tiền xử lý vi phạm hành chính nộp ngân sách nhà nước và sử dụng các mục đích công ích chứ không thể chia chác tỷ lệ phần trăm cho các đơn vị xử phạt. Việc thu tiền phạt của dân để sử dụng các mục đích như bồi dưỡng cán bộ, tăng thù lao, mua sắm phương tiện… là không thoả đáng. Số tiền bồi dưỡng, thù lao nếu có thì trích ngân sách theo quy định.  

Chiến sĩ Công an được phạt đến 1 triệu đồng

Điều 40, dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, chiến sĩ, hạ sĩ quan, sĩ quan CAND đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 1% mức phạt tiền tối đa đối với các lĩnh vực tương ứng nhưng không quá 1 triệu đồng. Mức này cao gấp 5 lần hiện hành (200.000 đồng). Trạm trưởng, đội trưởng Công an có thẩm quyền được phạt tối đa 3 triệu đồng, Trưởng Công an xã phạt tối đa 5 triệu đồng (hiện là 500.000 đồng); trưởng Công an huyện phạt tối đa 50 triệu đồng (hiện là 10  triệu đồng). Cục trưởng các Cục Cảnh sát, An ninh có thẩm quyền, được phạt đến mức tối đa của pháp lệnh (2 tỷ đồng).

Đề nghị cấm hoặc hạn chế quảng cáo sữa bột

Trong phiên thảo luận buổi sáng, Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Quảng cáo. Dự thảo luật quy định cấm sử dụng các thuật ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự (khoản 11, điều 9). Nhiều ý kiến đồng ý với quy định này nhưng đề nghị chỉ ghi “cấm quảng cáo có sử dụng những thuật ngữ có nghĩa thể hiện mức so sánh hơn và khẳng định mà không có căn cứ chứng minh”.

Việc quảng cáo sữa bột và các loại sữa khác mẹ luôn mong muốn mang đến cho con mình những điều tốt đẹp nhất, do đó, đối với các quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ phải hết sức trung thực, chính xác, không phóng đại nhằm đánh lừa lòng tin của các bà mẹ, gây ảnh hưởng đến việc nuôi con bằng sữa mẹ của xã hội. Để đảm bảo được điều này, yêu cầu lớn nhất là Dự thảo Luật cần có quy định cấm hoặc hạn chế quảng cáo sữa bột, các sản phẩm thay thế sữa mẹ – giải trình của ban soạn thảo lý giải.

Gái bán dâm không bị bắt buộc chữa bệnh?

Dự thảo luật bỏ quy định bắt buộc chữa bệnh đối với gái bán dâm. Một số ý kiến ủng hộ quan điểm này, cho rằng gái bán dâm thực ra cũng là nạn nhân, không nên bắt buộc họ chữa bệnh. Tuy nhiên không ít ý kiến phản bác. Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát PCTP cho rằng, người mua dâm, bán dâm đều phải có cơ chế xử lý, bên cạnh người môi giới, chứa mại dâm đã quy định trong BLHS. “Trong thực tiễn, số người bán dâm mắc một số bệnh xã hội cần phải được chữa trị, vì cộng đồng và chính người bán dâm nên tôi băn khoăn khi đưa người bán dâm ra khỏi cơ sở chữa bệnh” – đại biểu giải thích.

Trường Quý
.
.
.