Phối hợp chặt chẽ trong triển khai Luật Giám định tư pháp
Luật Giám định tư pháp đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Đây là đạo luật quan trọng, liên quan đến hoạt động của các cơ quan tố tụng, tổ chức giám định tư pháp, tổ chức khác được trưng cầu, yêu cầu giám định; liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp, đương sự và những người tham gia tố tụng khác trong các vụ án, vụ việc dân sự, vụ án hành chính...
Luật Giám định tư pháp đặt ra những nhiệm vụ mới trong quản lý nhà nước về giám định tư pháp như: Tập trung đầu tư cho một số lĩnh vực giám định tư pháp để đáp ứng yêu cầu thường xuyên của hoạt động tố tụng; sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức pháp y, pháp y tâm thần; thực hiện xã hội hóa đối với các lĩnh vực có nhu cầu giám định không lớn, không thường xuyên như: tài chính, ngân hàng, xây dựng... tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập.
Quy định của Luật mở rộng quyền được yêu cầu giám định tạo điều kiện cho các đương sự trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần thực thi có hiệu quả chủ trương mở rộng dân chủ, tăng cường tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp của Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Để triển khai thực hiện những nhiệm vụ này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành khác nhau.
Bộ Tư pháp chủ trì và phối hợp với cơ quan hữu quan xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành gồm xây dựng Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Giám định tư pháp. Xây dựng các văn bản hướng dẫn, bao gồm: Văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn giám định viên tư pháp ở từng lĩnh vực (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành khoản 3 Điều 8); Văn bản về quy chuẩn giám định tư pháp hoặc hướng dẫn áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp theo yêu cầu và đặc thù của lĩnh vực giám định...