Phát huy mạnh mẽ vai trò của MTTQ tập hợp khối Đại đoàn kết toàn dân tộc

Thứ Ba, 17/11/2015, 15:34
LTS:Trong suốt dòng chảy của lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất, với các hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau nhưng Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam luôn thể hiện vai trò đoàn kết và tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhân kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống của MTTQ Việt Nam (18/11/1930- 18/11/2015), đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo chí về những đóng góp của MTTQ Việt Nam trong 85 năm qua cũng như phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong tình hình mới.

Báo Công an nhân dân trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

PV: Thưa Chủ tịch, 85 năm qua, trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như xây dựng đất nước , MTTQ Việt Nam đã thể hiện vai trò đoàn kết và tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc như thế nào?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Đặc điểm cách mạng nước ta xuất phát từ lý luận chủ nghĩa Mác – Lê nin nhưng trong chủ nghĩa Mác - Lê nin thì không có Mặt trận. Cách mạng nước ta chủ yếu là đấu tranh giai cấp nhưng từ khi có Đảng xác định nhiệm vụ hàng đầu là giải phóng dân tộc, nên khi thành lập Đảng (3/2) thì sau đó hơn 9 tháng thì có Chỉ thị của Thường vụ Đảng cộng sản Đông Dương hình thành Hội phản đế đồng minh. Tức là ngay từ khi thành lập Đảng chúng ta thấy ở một nước thuộc địa khi 90% người dân là không biết chữ và đi đất cuộc sống rất khó khăn muốn có một sức mạnh để thắng được chế độ thực dân, sự áp bức của một đế quốc lớn thì không cách nào khác là tạo lên một sức mạnh của tất cả người dân những ai quan tâm đến giải phóng dân tộc từ công nhân, nông dân, trí thức để làm cách mạng, để giải phóng dân tộc.

Bài toán đặt ra trong suốt thời kỳ là vì một mục tiêu để giải phóng dân tộc huy động mọi lực lượng tham gia và trong từng giai đoạn lịch sử, bối cảnh của quốc tế có thay đổi thì mục tiêu ngắn hạn có được điều chỉnh và từng hình thức, tên gọi của Mặt trận cũng thay đổi. Với mỗi tên gọi khác nhau của Mặt trận thể hiện sự huy động lực lượng vào nhiệm vụ cụ thể ở địa bàn cụ thể. Trong đó, lòng yêu nước là nền tảng chung, đồng thuận phát triển là yếu tố gắn bó nhưng phát huy sáng kiến của hàng triệu người và sáng kiến đó được phối hợp với nhau, tích hợp với nhau tạo nên sức mạnh mới của dân tộc.

Có thể nói rằng, lịch sử Mặt trận từ mục tiêu giải phóng dân tộc, ngày nay với mục tiêu xây dựng đất nước ngày càng phát triển bảo vệ đất nước thì Mặt trận vận động, triển khai 5 hoạt động: Tiếp tục giáo dục truyền thống yêu nước hiểu biết về đường lối phát triển của Đảng, Nhà nước tạo sự đồng thuận xã hội, thông qua các tổ chức thành viên (46 tổ chức) vận động các người của minh góp phần đưa đất nước phát triển. Nhiệm vụ thứ hai bên cạnh mỗi người làm vì mình trên cương vị của mình tại địa bàn dân cư có rất nhiều việc mà chỉ những người quan tâm đến lợi ích của cộng đồng, đất nước mới đồng thuận tập hợp nhau lại đó là phương thức hoạt động ở địa phương. Hoạt động thứ ba ngày càng rõ hơn đó là Mặt trận phát huy ý kiến, vai trò của nhân dân xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh như việc đóng góp vào hoạt động của Đảng chính quyền ở cơ sở, đóng góp kế hoạch, văn kiện phát triển 5 năm của địa phương và cả nước, phát huy dân chủ ở địa phương, giám sát và phản biện xã hội. Hoạt động thứ 4 đó là quan hệ quốc tế, huy động quan hệ quốc tế, tăng cường giao lưu hữu nghị giữa Việt Nam với các nước láng giềng, và các nước trên thế giới. Thứ năm là hoàn thiện cơ chế hoạt động phối hợp giữa Mặt trận các tổ chức thành viên, với Đảng, chính quyền địa phương thực hiện sự lãnh đạo của Đảng để đưa đất nước phát triển. Như vậy, từ một mục tiêu giải phóng dân tộc sau 85 năm trở thành 4 hoạt động của Mặt trận với xây dựng tổ chức mạnh hơn đó là phương thức trí tuệ đóng góp của Mặt trận huy động lòng yêu nước và đại đoàn kết toàn dân tộc.

PV: Thưa Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, trong những năm gần đây, Mặt trận có những hoạt động cụ thể gì nhằm thể hiện rõ nét vai trò giám sát và phản biện xã hội, đáp ứng lòng mong mỏi và sự tin cậy của nhân dân?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: 

Mặt trận có vị trí rất quan trọng là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Trong vai trò cầu nối đó bên cạnh thông tin hai chiều thì giám sát và phản biện xã hội là một nội dung mà Mặt trận đã làm và ngày nay làm càng nhiều hơn.

Trước kia Mặt trận làm giám sát đơn giản nhất là giám sát cán bộ đảng viên ở khu dân cư tham gia bỏ phiếu tín nhiệm với những người được Hội đồng nhân dân bầu ra ở cấp xã, bây giờ giám sát cao hơn theo chủ đề có chương trình phối hợp. Và sau giám sát kết quả phải được chính quyền lắng nghe và trả lời theo quy định của pháp luật. Từ đầu năm 2014, thực hiện Hiến pháp 2013 ở cấp Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với các tổ chức thành viên với các bộ ngành Trung ương với sự thống nhất chỉ đạo của Chính phủ đã triển khai 8 chương trình giám sát để rút kinh nghiệm tạo cơ chế để từ năm 2016 trở đi chuyển giao phương thức hoạt động, cơ chế cho các địa phương làm là chính còn ở Trung ương tập trung làm một số việc. Đặc biệt, MTTQ đã triển khai giám sát ở 11 nghìn phường xã cả nước đánh giá việc thực hiện chính sách đối với người có công. Trên cơ sở này sắp tới sẽ kiến nghị sửa một số văn bản, hoàn thiện văn bản liên quan đến giám định nạn nhân da cam, đến xác định cựu Thanh niên xung phong thiếu hồ sơ hợp lý hơn để thúc đẩy quá trình công nhận này. Bài học này sắp tới rất có ý nghĩa để báo cáo Chính phủ chọn trong năm 2016 một vấn đề mà toàn dân rất quan tâm nhưng không thể nào giám sát qua hệ thống chính quyền để Mặt trận tham gia và huy động hàng trăm nghìn người dân tham gia như giám sát với người có công. Năm nay, chúng ta mới làm thí điểm chọn một số đơn vị của 20 tỉnh thành chứ chưa đủ 63 tỉnh thành. Dự kiến, qua sơ kết sẽ kiến nghị với Chính phủ để Mặt trận tham gia đánh giá sự hài lòng của người dân tại tất cả 63 tỉnh thành trong năm tới.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dự Ngày hội Đại đoàn kết tại tỉnh Lào Cai. Ảnh Hoàng Long.

Về công tác phản biện xã hội, vừa qua, Mặt trận tổ chức góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Sau khi góp ý Hiến pháp những năm trước, thì bây giờ MTTQ góp ý cho văn kiện Đại hội đảng các cấp. Hai tháng vừa qua, bên cạnh ý kiến của MTTQ cùng các Hội đồng tư vấn, MTTQ đã huy động các nhà khoa học cũng như những người liên quan đến từng lĩnh vực. MTTQ đã tổ chức ba cuộc góp ý lớn.  Về phát triển kinh tế gắn với khoa học công nghệ, cuộc góp ý này đã nhận được nhiều ý kiến của các nhà khoa học, các doanh nhân ở nhiều lĩnh vực. Chủ đề góp ý thứ hai là Phát huy sức mạnh văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và hun đúc ý chí, hoài bão của thế hệ trẻ để xây dựng và phát triển đất nước. Chúng tôi có niềm tin vào thế hệ trẻ sẽ nắm được vận mệnh đất nước trong tương lai trên nền tảng văn hóa và hội nhập trong thể chế kinh tế thị trường dưới sự lãnh đạo của đảng. Chủ đề thứ 3 là Dân chủ trong thời đại Internet và giám sát phản biện chống tham nhũng. Hiện nay chúng tôi đang tập hợp các ý kiến góp ý này. Chúng tôi nhận thấy sự đồng thuận cao với dự thảo văn kiện đại hội XII và mong muốn đào sâu, làm rõ hơn nữa những vấn đề phát triển. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của MTTQ, các giới, các địa phương, trong tháng 11, Bộ Chính trị sẽ nghe tập hợp các ý kiến nói trên và tháng 12 sẽ trình ra hội nghị Trung ương.

PV: Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng, đặc biệt là chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, những cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do MTTQ phát động có vai trò như thế nào trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thưa Chủ tịch?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Yêu nước thì phải hành động để góp phần phát triển đất nước. Mỗi thời kỳ, MTTQ có những cuộc vận động khác nhau. Trong khoảng 20 năm gần đây, MTTQ có cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống ở khu dân cư, vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, vận động chăm lo cho người nghèo… Từ thành quả các cuộc vận động này, MTTQ nhận thấy phải phối hợp với các tổ chức thành viên để tổ chức các cuộc vận động khác như cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Từng đoàn thể của MTTQ sẽ nhận những nhiệm vụ cụ thể, coi đây là trọng tâm trong thời gian tới. MTTQ đang có kế hoạch với Đoàn thanh niên và các cơ quan liên quan vận động phát triển đội ngũ doanh nhân đạt 1 triệu doanh nghiệp trong 10-15 năm tới để dẫn dắt đất nước tiến lên.

Lợi thế lớn của Việt Nam hiện nay là con người. Lao động dồi dào trong thời kỳ dân số vàng. Lực lượng lao động hiện nay sẽ đáp ứng được sản xuất trong vòng 20 năm tới. Tôi cho rằng, cũng cần phải có một cuộc vận động xã hội xây dựng gia đình hạnh phúc, mỗi gia đình nên có hai con, vừa vì mình, vừa vì đất nước, khi đó, đất nước mới phát triển ổn định, lâu dài. Ngoài ra, để phát triển đất nước và hội nhập thắng lợi, chúng tôi nghĩ cần phải có cuộc vận động về sáng tạo…Tôi rất mong, bên cạnh những cuộc vận động nông thôn mới, đô thị mới; người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thì phát triển doanh nhân, phát triển nhân lực, phát triển sức sáng tạo để sức khỏe, trí tuệ, tâm hồn của 100 triệu người Việt Nam cùng phát triển trong giai đoạn mới…

PV: Ngày Truyền thống của Mặt trận 18/11 giờ đã trở thành Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở hơn 100 ngàn khu dân cư trên cả nước, cảm xúc của Chủ tịch thế nào khi tham dự Ngày hội đặc biệt này?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Chúng ta đã biết từ năm 1983 có tổ chức Mặt trận ở khu dân cư đó chính là các Ban công tác Mặt trận. Hiện nay cả nước có hơn 100 ngàn khu dân cư, hoạt động định kỳ Ngày hội đại đoàn kết vào ngày 18/11 hàng năm là hoạt động đặc thù. Đây là dịp người dân ở khu dân cư gặp nhau để trao đổi, ôn lại và khẳng định sự quan trọng, tự hào với truyền thống đoàn kết yêu nước của người Việt Nam. Cùng với đó đánh giá công tác Mặt trận ở khu dân cư sau 1 năm để nêu lên những mặt làm được và cần làm tốt hơn; đồng thời biểu dương những cá nhân, tập thể đóng góp vào công tác Mặt trận ở khu dân cư, giao lưu văn hóa địa phương qua văn nghệ, qua bữa cơm chung. Theo tôi những hoạt động đó nên tiếp tục là dịp để khẳng định vị trí của khối đại đoàn kết.

Đặc biệt, từ nhiều năm nay, nhiều lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các địa phương đã đi dự ngày Hội đại đoàn kết ở cơ sở, đi thăm các hộ dân ở các địa phương để biết những người làm ăn tốt nhất họ làm như thế nào, họ sống thế nào, vì sao họ làm ăn được hay những người mới thoát nghèo họ sống như thế nào họ được gì băn khoăn gì và những hộ khó khăn họ đang vướng gì. Theo tôi, trong ngày hội Đại đoàn kết ngoài 4 cấu phần lễ hội thì nên đẩy mạnh hơn cấu phần thứ 5 là các đồng chí lãnh đạo địa phương, Nhà  nước trực tiếp gặp hộ dân, trao đổi, lắng nghe người dân để chia sẻ. Các địa phương cần phát huy sáng kiến hơn nữa để ngày hội đại đoàn kết thu hút sâu sắc trở thành ngày mong đợi của người dân…

PV: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân!

Anh Hiếu (thực hiện)
.
.
.