Phạm Văn Đồng - Nhà Cách mạng, nhà ngoại giao tài ba

Thứ Năm, 03/02/2011, 13:51
Ông là một trong số ít những nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tham gia và chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, của dân tộc trong thế kỷ XX. Những người đã từng sống và làm việc bên ông đều có chung nhận xét rằng, trong lòng ông lúc nào cũng bận tâm đến vận mệnh của Tổ quốc. Với ông, sự nghiệp cách mạng của Đảng gắn liền với số phận của mỗi con người và sự trường tồn của nền văn hóa dân tộc. Ông là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người mà đồng chí, đồng bào cả nước ngưỡng mộ.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Hội nghị Giơnevơ.

Ông sinh năm 1906, ở Mộ Đức, Quảng Ngãi, nhưng lớn lên trưởng thành tham gia hoạt động cách mạng lại chủ yếu ở Hà Nội, Nam Bộ và Việt Bắc. Đầu tháng 3/1929, tại căn nhà số 14, đường Lacaze (Chợ Lớn) diễn ra một sự kiện lịch sử của An Nam Cộng sản Đảng. Hội nghị đã đề cử 2 đồng chí Phạm Văn Đồng và Châu Văn Liêm là đại diện của An Nam Cộng sản Đảng tham dự Đại hội Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội tiến hành từ ngày 1 đến ngày 9/5/1929 tại Hương Cảng. Nhưng rất tiếc, ngày 2/7/1929, trên đường từ Hương Cảng trở về Sài Gòn, đồng chí Phạm Văn Đồng bị giặc Pháp bắt và sau đó chúng đày ông ra Côn Đảo.

Sau này, trong hồi ức về Côn Đảo, đồng chí Hoàng Quốc Việt có viết: "Từ năm 1934, trừ khi anh nào ốm quá thì thôi, còn ai cũng tham gia học hết. Anh Nguyễn Văn Cừ, anh Bùi Công Trừng, anh Lê Duẩn giúp anh em học lý luận. Còn các anh Phạm Văn Đồng, anh Hà Huy Giáp, anh Nguyễn Kim Cương dạy anh em học văn hóa". Ngày ấy, địa ngục Côn Đảo trở thành trường đại học đầu tiên của những người Cộng sản Việt Nam kể cả về cuộc sống, kinh nghiệm đấu tranh và kiến thức vận động quần chúng đấu tranh cách mạng trong hai cuộc kháng chiến sau này.

Năm 1936, do thắng lợi của mặt trận bình dân Pháp, đồng chí Phạm Văn Đồng và nhiều nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối khác được giải thoát khỏi nhà tù thực dân. Sau lần ấy, ông được trở về Hà Nội tiếp tục hoạt động. Năm 1940, đồng chí Phạm Văn Đồng được tổ chức sắp xếp bí mật sang Trung Quốc hoạt động cho đến cuối năm 1941. Ít lâu sau, ông trở về nước. Ngày 16/8/1945, Đại hội Đại biểu quốc dân diễn ra ở Tân Trào khai mạc gồm 60 đại biểu của cả ba miền Bắc, Trung, Nam thông qua quyết định tổng khởi nghĩa trên toàn quốc giành chính quyền về tay nhân dân. Đại hội chuẩn y Quốc kỳ và thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam gồm 11 thành viên mà người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Phạm Văn Đồng được bầu vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tháng 8. Thắng lợi của Cách mạng Tháng 8 trên toàn quốc, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2/9/1945. Nhưng với dã tâm thâm độc, thực dân Pháp đã cấu kết với các thế lực phản động trong nước và quốc tế hòng bóp chết Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Để ngăn chặn dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, chúng ta cần phải mở mặt trận ngoại giao đàm phán chính thức ở Paris. Phái đoàn của ta do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn gồm có các ông: Hoàng Minh Giám, Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Văn Bình… Ngày ấy, Bác Hồ cùng đi, nhưng không ở trong phái đoàn. Bác tới nước Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp.

Cuộc đàm phán chính thức giữa hai phái đoàn Việt Nam và Pháp bắt đầu vào ngày 6/7/1946 tại lâu đài Fontainebleau cách Paris 60km. Phái đoàn Pháp do Mác-ăng-đờ-rê làm Trưởng đoàn, đọc diễn văn khai mạc. Trong lời đáp, đồng chí Phạm Văn Đồng nêu rõ: "Chính từ sự phiền lòng sâu sắc mà chúng tôi phải nói với các ngài rằng, một số điều khoản đình chiến của Hiệp định đã không được thực hiện là do các nhà chức trách Pháp ở Việt Nam không thi hành…".

Lời phát biểu của Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng nói lên sự thật về tình hình Việt Nam lúc ấy đã gây chấn động lớn ở Paris và trên toàn nước Pháp. Đối với chúng ta, vấn đề bức thiết phải đình chiến ở Nam Bộ, tổ chức trưng cầu dân ý. Từ nguyên tắc bất di bất dịch ấy, các thành viên đoàn đại biểu ta đã làm việc không biết mệt mỏi, khôn khéo kiên trì đấu tranh, tranh thủ đồng tình của dư luận nhân dân tiến bộ Pháp, bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự hợp pháp của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Song rất tiếc, suốt cả tháng 8, mọi cố gắng của đoàn ta tại Hội nghị Fontainebleau vẫn không đem lại kết quả. Trong nước, tình hình chiến sự ngày một gia tăng.

Nhận biết được thực trạng này, Hồ Chủ tịch đã ký Tạm ước 14-9, một sự thỏa thuận tạm thời giữa hai bên đang có tranh chấp nhằm hoãn chiến tranh chậm nổ ra ngày nào càng tốt ngày đó. Một điều quan trọng mà Bác Hồ và phái đoàn ta đấu tranh kiên quyết đòi ghi vào văn bản: "Pháp phải cam kết thi hành quyền tự do dân chủ ở Nam Bộ, đình chỉ mọi hoạt động bằng vũ lực".

Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp đoàn nhà báo Canada.

Những ngày ở Paris năm 1946 mãi mãi là những kỷ niệm đáng nhớ của đồng chí Phạm Văn Đồng và các thành viên của đoàn đàm phán Chính phủ ta, nó là mốc son đánh dấu cho sự nghiệp lịch sử ngoại giao nước nhà mà nhà ngoại giao trẻ tuổi Phạm Văn Đồng có công đặt những viên gạch đầu tiên. Sau này khi trở thành Thủ tướng Chính phủ, mỗi khi có dịp qua Pháp, ông được Nhà nước Pháp đón tiếp long trọng, những câu chuyện về ngoại giao của ông trên đất Pháp còn để lại mãi trong lòng những đồng chí Cộng sản Pháp và nhân dân tiến bộ Pháp.

Thắng lợi dồn dập trên các mặt trận chiến trường Đông Dương trong những năm 1952-1953, theo nghị quyết của Hội nghị Berlin (2/1954), sau khi bàn về vấn đề Triều Tiên, ngày 8-5-1954, Hội nghị Geneve bắt đầu thảo luận vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đồng chí Phạm Văn Đồng lại được cử làm Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị Geneve. Phái đoàn ta bước vào hội nghị với tư thế của một dân tộc chiến thắng, những đóng góp của đoàn ta, đứng đầu là đồng chí Phạm Văn Đồng là vô cùng quan trọng, tạo ra những đột phá đưa hội nghị tới thành công.

Trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp rất căng thẳng và phức tạp, với tinh thần chủ động và cố gắng của phái đoàn Việt Nam, ngày 20/7/1954, bản Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Campuchia và Lào đã được ký kết thừa nhận tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, Lào và Campuchia.

Sau chiến thắng 30/4/1975, thực hiện Di chúc của Bác Hồ, đồng chí Phạm Văn Đồng được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành TW Đảng giao trọng trách dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ ta đi cảm ơn nhân dân các nước anh em và bạn bè trên toàn thế giới, phong cách ngoại giao của ông đã gây được ấn tượng đối với các bạn bè khắp nơi mà đoàn đã tới thăm. Đã có những nhà ngoại giao quốc tế đánh giá cao tài ngoại giao của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như nhà ngoại giao xuất sắc của thời đại Hồ Chí Minh. Giờ đây, hình ảnh nhà ngoại giao Phạm Văn Đồng vẫn còn in mãi trong lòng bạn bè trên khắp thế giới và trong mỗi chúng ta

Đỗ Khánh Toàn - CAND Xuân 2011
.
.
.