Phải quy định rõ về những trường hợp cần hòa giải

Thứ Sáu, 31/05/2013, 13:53
Có chuyện vợ chồng mâu thuẫn vì trục trặc “chuyện ấy”, cô vợ tức mình bấm điện thoại gọi khẩn tổ hòa giải. Nhưng đêm hôm các thành viên của tổ đều tắt máy đi ngủ, chỉ còn vị tổ trưởng mắt mờ, chân chậm với trang bị duy nhất là chiếc đèn pin... Nhiều câu chuyện “biết nhưng khó kể” được viện dẫn tại buổi thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hòa giải cơ sở sáng nay, 31/5.

Dự luật Hòa giải cơ sở được trình Quốc hội kỳ trước, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự án tiếp tục được thảo luận để thông qua cuối kỳ này. Điểm đáng quan tâm và gây nhiều tranh luận chính là quy định phạm vi vụ việc được hòa giải. Thay việc giới hạn các vụ việc cần hòa giải, dự luật chuyển hướng quy định những trường hợp không được hòa giải, tức áp dụng phương pháp loại trừ để dễ bề tính toán. Tuy nhiên, ngay việc giới hạn trường hợp nào loại trừ không hòa giải cũng đã gây tranh luận đa chiều.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường.

Trước khi chỉnh lý, dự luật quy định những “vụ việc nhỏ” thì không cần hòa giải, trong khi đó vụ việc vi phạm hành chính cũng bị loại trừ, vì đã xử lý theo quy định pháp luật về vi phạm hành chính. Nhưng xác định thế nào là “vụ việc nhỏ”? Có ý kiến thẳng thắn: Nửa đêm, tổ trưởng hòa giải nhận được điện khẩn của người vợ gia đình láng giềng, tố cáo ông chồng “bù khú” đang có hành vi tra tấn vợ. Trên điện thoại không thể hỏi han nhiều, nhưng đã đi hòa giải phải có tổ. Đêm hôm, gọi ai cũng tắt máy, vị tổ trưởng không biết tính toán sao, bởi nếu mặc kệ đi ngủ thì nhỡ đâu hành vi thiếu trách nhiệm của mình lại gây hậu quả. Thế là một mình đánh bộ bấm đèn pin chạy sang. Vừa gõ cửa xô vào đã gặp ngay ông chồng nổi khùng “việc nhà tôi đêm khuya ông sang đây làm gì, ông có ý gì”? Hóa ra, vụ việc chỉ là mâu thuẫn “chuyện ấy”, ông chồng đi công cán xa cuối tháng về thăm vợ. Cô vợ đang thời kỳ hồi xuân đêm ấy có ý chờ đợi “bù lỗ” thì cụt hứng vì ông xã uống rượu say mèm, chẳng những không “trả nợ” mà còn mắng chửi, đuổi ra phòng ngoài. Mâu thuẫn đến độ chị vợ theo phản xạ bấm điện gọi... tổ hòa giải!

Điều 3, dự án Luật Hòa giải cơ sở quy định các vụ, việc, mâu thuẫn, tranh chấp không được hòa giải. Theo chủ ý của cơ quan soạn thảo, do phạm vi trường hợp cần hòa giải là rất rộng nên áp dụng loại trừ bằng cách chỉ quy định các vụ việc không hòa giải. Theo đó, các vụ việc không được hòa giải gồm:

- Tội phạm hình sự;

- Hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý hành chính;

- Quan hệ hôn nhân trái pháp luật và các giao dịch dân sự xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.

Thảo luận vấn đề này, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng cho rằng dự thảo luật quy định hòa giải ở cơ sở bao gồm cả các hành vi “vi phạm pháp luật nhỏ” là không rõ ràng, dễ bị lợi dụng, khó phân biệt thế nào là nhỏ, thế nào là lớn… Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo luật theo hướng bỏ quy định liên quan đến “vi phạm pháp luật nhỏ”, vì thực tế đối tượng của hòa giải ở cơ sở chủ yếu là các mâu thuẫn, tranh chấp ở cộng đồng dân cư. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng đã bỏ quy định tại Điều 127 trong Hiến pháp về vấn đề này. Ngoài ra, đối với các hành vi vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo quy định của các văn bản pháp luật khác nhau tùy theo từng lĩnh vực cụ thể và việc xử lý này không làm hạn chế việc hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp có liên quan đến vụ việc dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.

Một hội thi sân khấu về hòa giải cơ sở

Tại phiên thảo luận sáng 31/5, nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định rõ ràng về những trường hợp cần hòa giải, theo đó những trường hợp không phải xử lý hình sự, hành chính thì cần tiến hành hòa giải. Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) ghi nhận những điều chỉnh về phạm vi hòa giải, dự thảo lần này đã xác định các trường hợp loại trừ là tiếp thu cần thiết. Tuy nhiên, bà cho rằng, đối với các trường hợp tội phạm, hành vi làm nhục người khác, vô ý làm tổn thương người khác thì không nên quy định cứng, nên linh hoạt để người dân được hòa giải nếu nạn nhân đồng thuận. Bổ sung quan điểm này, có ý kiến cho rằng, trong giải quyết mâu thuẫn ở làng xóm, dân phố, khó phân biệt đâu là mâu thuẫn nhỏ, đâu mâu thuẫn lớn hoặc nếu đợi phân biệt được thì hậu quả đã xảy ra, việc hòa giải vào cuộc cũng đã muộn. “Chồng đánh vợ, tra tấn vợ là vi phạm pháp luật, có thể xử lý hành chính hoặc nghiêm trọng thì hình sự, nhưng không thể biết lúc nào là nghiêm trọng, lúc nào chỉ là “chuyện nhỏ” vì mang tính nội bộ gia đình”! Đại biểu Cao Thị Xuân cũng cho rằng, không nên quy định cứng tội phạm có yếu tố cấu thành hình sự thì không được hòa giải bởi thực tế, các hành vi bạo lực gia đình, tội phạm vị thành niên, người có dấu hiệu tâm thần… nên cho phép hòa giải nếu các bên thỏa thuận được.

Cũng thảo luận vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) thừa nhận nên quy định phạm vi các vụ được hòa giải theo phương pháp loại trừ, vì ở cơ sở số vụ việc rất đa dạng, nên nếu quy định cứng các trường hợp được hòa giải sẽ khó thực hiện. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định) khẳng định, những tranh chấp trong cộng đồng cư dân rất đa dạng, các văn bản pháp luật không thể thống kê hết, do đó quy định phạm vi hòa giải ở cơ sở theo hướng loại trừ là cần thiết.

Chiều nay, Quốc hội thảo luận dự án Luật Tiếp công dân. Đây là dự án lần đầu tiên trình Quốc hội với nhiều điểm mới, được kỳ vọng sẽ tạo thiết chế cần thiết để đưa hoạt động tiếp công dân vào khuôn khổ, nêu cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực này. Thông qua việc tiếp công dân, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức tiếp nhận được các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để có các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời.

Đ.Trường
.
.
.