Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn:

Phải hỗ trợ ngư dân trên mọi “mặt trận”

Thứ Ba, 27/05/2014, 12:59
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhận định việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam là một hành động “dằn mặt”. Theo ông Huỳnh Ngọc Sơn, Nhà nước cần hỗ trợ ngư dân về nhiều mặt. Tuy nhiên, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc không chỉ trên mặt biển…

Trước những hành động ngày càng ngang ngược của Trung Quốc, đâm chìm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, đại biểu Quốc hội tỉnh Đà Nẵng tại phiên họp của Quốc hội sáng 27/5, xung quanh việc hỗ trợ ngư dân trên biển.

PV: Thưa Phó Chủ tịch, chiều hôm qua (26/5), một tàu cá của ngư dân Đà Nẵng đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm, đe dọa tính mạng của 10 ngư dân. Trước tình hình căng thẳng này, chúng ta cần kíp phải có những biện pháp để hỗ trợ ngư dân, bảo vệ họ khỏi nguy hiểm không?

Ông Huỳnh Ngọc Sơn: Tôi ủng hộ việc hỗ trợ ngư dân. Không chỉ là tàu vỏ sắt đâu, mà cả dầu, phương tiện đánh bắt, hậu cần hỗ trợ… kể cả hệ thống thông tin để bảo đảm tính mạng cho họ, hướng dẫn ngư dân đi theo đoàn, hỗ trợ cho nhau, chứ cùng lúc chưa có thể đáp ứng được ngay việc có tàu sắt. Kể cả có tàu sắt mà mình không tổ chức tốt thì họ cũng đâm. Mình phải làm sao tổ chức chặt chẽ, có lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển có kế hoạch bảo vệ cho dân mình.

PV: Thưa Phó Chủ tịch, ông có cho rằng việc đâm chìm tàu cá của ta là một hành động leo thang?

Ông Huỳnh Ngọc Sơn: Cái đó rõ ràng là họ muốn “dằn mặt” chúng ta. Họ mở rộng khu vực bảo vệ giàn khoan, vì thấy chúng ta ngày càng tăng cường, ép sát. Trước đây sự tham gia của tàu cá chúng ta ít, nhưng giờ ngư dân tham gia nhiều hơn, vẫn kiên cường đánh bắt trên biển. Họ muốn làm căng thẳng. Đầu tiên họ va chạm mức độ, sau đó tăng cường để làm cho dân mình sợ. Nhưng nhân dân các tỉnh miền Trung không sợ đâu. Những phản ứng đó người dân lường trước rồi. 10 ngư dân Đà Nẵng rơi xuống biển chúng ta đều cứu được.

PV: Theo nhận định của ông, tình hình sẽ còn căng thẳng hơn nữa, đây chắc chắn không phải là tàu cá cuối cùng bị đâm. Trước mắt, chúng ta có cách nào để ngư dân giảm bớt rủi ro trên biển?

Ông Huỳnh Ngọc Sơn: Chắc chắn sau khi vụ việc này xảy ra, chúng ta sẽ có đấu tranh ngoại giao, có tiếng nói đối với Trung Quốc. Đó là việc làm sai trái, tàu cá của dân mà đâm chìm, chúng ta kiên quyết phản đối. Chúng ta sẽ hạn chế thấp nhất việc xảy ra nữa chứ không phải họ muốn đâm là đâm suốt. Mình cũng phải có đối sách của mình. Trước hết về ngoại giao, chúng ta lên án việc làm đó. Không thể chấp nhận việc anh dùng tàu lớn, chưa biết là tàu cá hay không phải tàu cá, đi bảo vệ cái giàn khoan, mà đâm vào chìm tàu người ta đi đánh cá được. Ở hình thức thấp nhất, có thể nói đây là hành động khủng bố.

PV: Phía ta có yêu cầu bồi thương không?

Ông Huỳnh Ngọc Sơn: Từ trước tới nay chúng ta vẫn yêu cầu bồi thường. Rõ ràng anh làm sai thì anh phải bồi thường. Nhưng với bản chất của Trung Quốc hiện nay, có bồi thường hay không thì mình phải tiếp tục đấu tranh. Anh đâm vào tàu người ta trong vùng đặc quyền kinh tế của người ta, anh phải có trách nhiệm bồi thường

PV: Chúng ta có thể đưa ra một cơ quan trọng tài quốc tế không?

Ông Huỳnh Ngọc Sơn: Hiện chưa có cơ quan trọng tài nào phân xử những vụ việc thế này.

PV: Thưa Phó Chủ tịch Quốc hội, hiện nay nhiều đại biểu kiến nghị nên dùng ngân sách để hỗ trợ đóng tàu cho ngư dân, như khoản 35.000 tỷ do Bộ GTVT tiết kiệm được hay khoản dư 39.000 tỷ từ điều chỉnh tăng bội chi ngân sách, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Ông Huỳnh Ngọc Sơn: Hiện dự toán ngân sách 2014, Chính phủ chưa đề xuất khoản nào dành cho đóng tàu cả. Nhiều đại biểu cũng đang đề xuất một số khoản. Tôi ủng hộ việc hỗ trợ ngư dân. Nhưng nếu mình đã có chủ trương thì phải có một khoản lớn hơn. Đóng mà đóng tàu nhỏ thì không giải quyết được việc gì…

Phó Chủ tịch Quốc hội kết: Chắc chắn Quốc hội cũng sẽ có tiếng nói, vì Quốc hội là đại diện cho dân mà. Nhưng bảo vệ Tổ quốc thì đừng có nghĩ là chỉ có ở trên biển đâu. Trên biển cũng chỉ là một hướng thôi, bảo vệ Tổ quốc còn nhiều hướng nữa

Vũ Hân
.
.
.