Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an:

Phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của CAND

Thứ Tư, 11/01/2012, 08:33
Ngày 10/1, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học (HTKH) “Việc thi hành các quy định của Hiến pháp năm 1992 về vấn đề an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống tội phạm”. Thượng tướng, GS,TS Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an TW, Bộ trưởng Bộ Công an và Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì HTKH.

Tới dự HTKH có Trung tướng, PGS,TS Tô Lâm, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng, PGS,TS Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội; đại diện Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TW và các Bộ, ngành chức năng…

Phát biểu khai mạc HTKH, Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ nêu rõ sau gần 20 năm triển khai thi hành, Hiến pháp năm 1992 đã thể hiện rõ vai trò định hướng, chỉ đạo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Kết quả thi hành Hiến pháp góp phần quan trọng để nhân dân ta giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong thành quả to lớn ấy, có sự đóng góp quan trọng của lực lượng Công an nhân dân (CAND).

Sau khi nêu rõ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Hiến pháp trong hệ thống pháp luật, xuất phát từ thực tiễn thi hành Hiến pháp của lực lượng CAND, Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ nêu rõ HTKH tập trung vào một số vấn đề lớn là: Đánh giá những quy định của Hiến pháp năm 1992, cũng như thực trạng thi hành các quy định này, quy định của pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG), giữ gìn trật tự, an toàn xã hội (TTATXH) trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, xác định những quy định của Hiến pháp năm 1992 về bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH còn phù hợp cũng như những hạn chế, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với đường lối, quan điểm của Đảng; đồng thời chủ động, khẩn trương triển khai các biện pháp công tác, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch nhằm can thiệp, tác động với ý đồ xấu đến quá trình sửa đổi, bổ sung đạo luật quan trọng này…

Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và các đại biểu dự Hội thảo.

Sau khi nghe Thiếu tướng, GS,TS Nguyễn Ngọc Anh báo cáo Đề dẫn HTKH, các đại biểu đã trình bày tham luận. Kết luận HTKH, Bộ trưởng Trần Đại Quang nêu rõ: Việc nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định của Hiến pháp năm 1992 có liên quan đến tổ chức và hoạt động của CAND cần quán triệt các nguyên tắc, quan điểm chỉ đạo là: Phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của CAND. Giữ vững, kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992 đã chứng minh sự đúng đắn và hiệu quả. Việc sửa đổi, bổ sung phải xác định trọng tâm, trọng điểm, bám sát Nghị quyết Đại hội XI của Đảng...

Đồng chí Bộ trưởng chỉ rõ cần thận trọng tiếp thu kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của bộ máy cơ quan nhà nước về bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH và phòng, chống tội phạm (PCTP), bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, chống âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch thực hiện “diễn biến hòa bình”, cổ vũ việc xây dựng “xã hội dân sự” theo kiểu phương Tây, phi chính trị hóa lực lượng vũ trang; chỉ sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến ANTT và PCTP thực sự không còn phù hợp qua tổng kết thực tiễn; bảo đảm phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam.

Từ kết quả này, Bộ trưởng Trần Đại Quang yêu cầu thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương quán triệt cán bộ, chiến sĩ thống nhất nhận thức về chủ trương của Đảng, Nhà nước về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Cần nhận thức đầy đủ những kết quả của việc tổng kết Hiến pháp trong thời gian qua và Hội thảo này là rất quan trọng, tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm cơ sở sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 với tinh thần khách quan, khoa học…

Công Gôn
.
.
.