Ôm nợ do trao thân nhầm... kẻ ác

Thứ Ba, 09/04/2013, 23:08
Tay lấm chân bùn miệt biển Bạc Liêu, họ khát khao chân chất được đổi đời bằng con đường xuất khẩu lao động. Cùng với sự nhẹ dạ, cả tin vào một người quen cùng xóm, họ trở thành “món hàng” ngay khi đặt chân đến Liên bang Nga xa xôi. Và đó cũng là lúc họ bắt đầu chuỗi ngày đầy tủi nhục, vất vả, thậm chí bị Cảnh sát sở tại gom đưa vào trại giam.

Sau khi bị trục xuất về nước, họ đang đối mặt với đống nợ nần không biết bao giờ mới trả nổi. Có người vì không có tiền mà hiện vẫn đang bị kẹt lại Nga…

Trong tay tôi là danh sách 7 nạn nhân (4 nữ, 3 nam), nhà ở các xã Long Điền, Phong Thạnh Tây, Phong Tân, thuộc huyện Giá Rai và Đông Hải (Bạc Liêu). Tất cả đều là nông dân, kể cả lao động trẻ nhất trong số này là em Ngô Minh Hải.

Ông Ba Chanh - ba anh Nguyễn Văn Thuận (ở ấp Đầu Lá, xã Long Điền), kể, cập vách nhà ông là ông Nguyễn Ngọc Ẩn. “Một lần, ông Ẩn qua nhà kêu đưa vợ chồng con trai tui (tức anh Thuận, chị Xuân) đi xuất khẩu lao động tận bên Nga, tui cũng lo lắm. Nhưng cũng có nghe dân xứ này, lụn bại vì tôm chết, nhiều người kéo tới nhà ông Ẩn học may chuẩn bị đi xuất khẩu lao động thì tui cũng thấy tin”.

Theo lời ông Chanh, thấy ông có vẻ chưa thật tin nên ông Ẩn đưa điện thoại cho ông nói chuyện với một người đang ở… Nga. Lúc này, vợ chồng anh Thuận cũng hí hửng vì nghe nói, qua bên Nga, công việc nhẹ nhàng nhưng lương cao nên khi nghe chuyện, cả hai trông ngày, trông đêm cho tới ngày 25/9/2012, được đặt chân lên máy bay. Còn ông Chanh, chạy đôn đáo vay được 70 triệu đồng giao  ông Ẩn chạy giúp thủ tục “xuất khẩu” cho vợ chồng con trai mình.

Anh Thuận kể: “Bay qua tới Nga, có người đón chúng tôi rồi chở về nhà một ông tên Quang. Trời ơi, tất cả được bố trí vô căn phòng chưa đến 5m2, không có giường gì cả mà phải tự đóng lấy. Nam, nữ đều ở chung”.

Vợ chồng anh Thuận kể lại những ngày đi lao động chui tại Nga.

Điều mà vợ chồng anh Thuận cũng như những người đi cùng chuyến đó không tin vào tai mình là ông Quang tuyên bố: “Tao tốn từ 1.700 USD đến 2.100 USD để tìm 1 lao động từ Việt Nam qua đây. Do vậy, tụi mày phải làm trả tiền cho tao tại xưởng may của nhà tao”. Chị Xuân kể, mỗi ngày, “ông chủ” bắt phải lao động hơn 14 tiếng. Tiền lương chỉ 3,2 triệu đồng/tháng. Cơm tự lo. Nhớ lại lời ông Ẩn nói về mức thu nhập 1.800 USD…, tất cả đều biết mình bị lừa nhưng giữa xứ lạ quê người, lại chẳng biết tiếng nước ngoài, tất cả giấy tờ đều bị người khác giữ nên họ đành cam chịu.

Điều may mắn đã đến với họ. Đó là vào ngày 29/11/2012, trong chiến dịch truy lùng lao động chui, Cảnh sát Nga đã ập vào nhà ông Quang, gom cả 7 người vào trại tạm giam. Sau đó, em Hải do lúc đó mới 16 tuổi nên được trả lại…

Nhờ sự can thiệp của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, sau 3 tháng bị tạm giam, ra tòa, chúng tôi được trục xuất về Việt Nam – anh Thuận kể.

Không tốn khoản tiền nào kể cả tiền vé máy bay nhưng khi bước chân xuống Sân bay quốc tế Nội Bài vào cuối tháng 2 vừa qua, cả 6 người không còn một đồng xu dính túi. Anh Đỗ Văn Bước (nhà ở Phong Thạnh Tây, Giá Rai) nghẹn ngào nhớ lại: “Biết chúng tôi bị trục xuất chẳng có đồng xu dính túi, một người khách tốt bụng trên máy bay cho 5 USD. Cầm 5 USD mà tôi vừa mừng vừa tủi bởi hồi nào tới giờ, dù có nghèo nhưng đâu khi nào than van để xin tiền ai đâu!”.

Về đến nhà, tinh thần tất cả 6 người như đều bị bấn loạn.  Điểm chung mà tất cả gia đình họ hiện đang gặp phải là khoản nợ vay mượn trước chuyến đi.

Người khổ nhất trong số gia đình của các nạn nhân là bà Sơn Thị Hạnh – mẹ của Ngô Minh Hải. Theo trình bày của những lao động may mắn được trục xuất về nước, nghe đâu Hải bị Cảnh sát giao lại cho một trại mồ côi. Ông Quang đã lần ra được địa chỉ này nên bắt Hải về nhà tiếp tục lao động cho ông ấy. Khi biết 6 lao động sang cùng đợt với Hải đã “thoát” về nước, ông Quang đề nghị bà Hạnh muốn cho Hải về phải giao đủ 40 triệu đồng. Cho tôi xem miếng giấy có ghi tên một phụ nữ ở Hải Phòng, kèm theo số tài khoản, bà Hạnh sụt sùi: “Một cục đất chọi chim cũng không có, lại đang mang nợ, giờ tìm đâu ra được 40 triệu đồng để gửi cho cô này để chuyển qua cho ông Quang. Mà chắc gì chuyển tiền cho cô này thì con tôi được trả về…”.

Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bạc Liêu Đặng Tiến Út, cho biết, từ trước đến nay Bạc Liêu chưa từng liên kết với bất cứ tổ chức nào đưa lao động là người địa phương mình sang Nga làm việc. Cá nhân hay tổ chức nào tự tổ chức đi lao động tại Nga không thông qua chính quyền đều bất hợp pháp.

Binh Huyền
.
.
.