Nhiều nội dung mới trong dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
* Người có hành vi tham nhũng nhưng chủ động khai báo trước khi bị phát hiện sẽ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
* Người đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát hiện hành vi đưa hối lộ thì được trả lại tài sản đã dùng để hối lộ.
Thanh tra Chính phủ vừa công bố dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) với nhiều điểm mới so với luật hiện hành. Đáng chú ý, dự thảo luật quy định, người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát hiện, tích cực hạn chế thiệt hại do hành vi trái pháp luật của mình gây ra, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng thì có thể được xem xét giảm nhẹ hình thức kỷ luật, giảm nhẹ hình phạt hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Đây là quy định mới nhằm khuyến khích người có hành vi tham nhũng chủ động khai báo, hợp tác với cơ quan chức năng, chủ động nộp tài sản đã chiếm đoạt để khắc phục hậu quả. Đồng thời "người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác vẫn phải bị xử lý về hành vi tham nhũng do mình đã thực hiện". Quy định này nhằm đảm bảo nguyên tắc xử lý tham nhũng triệt để, ngăn chặn hiện tượng tham nhũng rồi tìm cách chuyển công tác, nghỉ hưu… với mục đích "hạ cánh", trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật.
Dự luật cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm như: cấm đe dọa, trả thù, trù dập người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng. Nghiêm cấm việc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu cáo, vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác; trốn tránh việc kê khai một phần hoặc toàn bộ tài sản, thu nhập; cản trở việc xác minh tài sản, thu nhập; sử dụng trái pháp luật bản kê khai tài sản, thu nhập. Để phòng ngừa tham nhũng, thêm quy định mới như: cơ quan, tổ chức, đơn vị thường xuyên cải tiến công tác, tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động của mình, tạo thuận lợi để công dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nhà nước áp dụng các biện pháp quản lý để thực hiện việc thanh toán thông qua tài khoản tại ngân hàng, Kho bạc nhà nước. Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm thực hiện các quy định về thanh toán bằng chuyển khoản...
Dự luật quy định, tài sản tham nhũng phải được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc sung quỹ nhà nước. Người đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát hiện hành vi đưa hối lộ thì được trả lại tài sản đã dùng để hối lộ.
Đặc biệt, tại Điều 88, quy định "Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng", Ban soạn thảo đưa ra 3 phương án. Phương án 1: Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu. Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Phương án 2: Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Phương án 3: Không có quy định về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Như vậy, cả 3 phương án nêu trên đều thay đổi so với quy định hiện hành.
Việc thay đổi mô hình Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng lần này được thực hiện trên cơ sở Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI). Nghị quyết nhấn mạnh, phải kiên trì và đẩy mạnh nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 11 của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), chú trọng cả phòng và chống tham nhũng, lãng phí; tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sớm khắc phục các nguyên nhân vừa nêu trên. Ban chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị; lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức năng một ban Đảng, vừa là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ được Thanh tra Chính phủ trình Chính phủ tại phiên họp tới. Sau đó, Chính phủ sẽ trình ra UBTV Quốc hội và sẽ được Quốc hội thảo luận, thông qua tại kỳ họp thứ 4 diễn ra vào cuối năm nay