Nhiều địa phương coi vốn ODA là “của cho không”, xin được là xài!

Thứ Năm, 30/10/2014, 10:03
Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) viện dẫn rằng, có nhiều lãnh đạo địa phương coi nguồn vốn ODA là “của cho không”, tiêu pha thoải mái, xin được là xơi! Suy nghĩ thiển cận này khiến nguồn vốn thất thoát và không được kiểm soát.

Hôm nay (30/10), Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội năm 2014, phương hướng, nhiệm vụ năm 2015. Liên quan việc bố trí, sử dụng nguồn vốn ODA, đại biểu Lê Thị Nga đã có phát biểu với những phân tích, lập luận đáng chú ý. Theo bà Nga, vốn ODA ở nước ta khá lớn, thu hút bình quân 3 tỷ đô la mỗi năm. Tuy nhiên, thực tế phát sinh nhiều thất thoát, tham nhũng, gây ảnh hưởng đến uy tín các nhà tài trợ, đầu tư với Việt Nam. Nguyên nhân được lý giải do hành lang pháp lý còn hổng, việc đảm bảo công khai, minh bạch theo Nghị định 38 chưa đảm bảo. Điểm yếu rõ nhất là Quốc hội gần như đứng ngoài chương trình ODA, trong khi người dân cũng không giám sát được. “Trách nhiệm giám sát của Quốc hội phải được làm rõ, thực trạng như vậy nhưng chưa một vụ việc nào được Quốc hội giám sát” – đại biểu đề nghị.

Đại biểu Lê Thị  Nga đề nghị giám sát chặt việc sử dụng vốn ODA.

Theo bà, điều này khiến nợ công càng phức tạp hơn. Trong khi nhiều lãnh đạo địa phương còn hiểu đơn giản rằng, ODA là vay không hoàn lại, của cho không, tiêu pha thoải mái, xin được là “xơi”. Rồi tư duy nhiệm kỳ, bệnh thành tích khiến nhiều công trình dùng vốn ODA nhanh chóng hư hỏng, thất thoát vốn cao. Có nhà nghiên cứu nói ODA là bẫy kinh tế, hay sát thủ kinh tế, lạm dụng sẽ rất nguy hiểm. “Tôi đề nghị không vay để theo đuổi những siêu dự án trong khi những dự án cần thiết khác còn thiếu. Phải có ý thức “tốt nghiệp ODA” mới sử dụng hiệu quả nó” – bà Nga chốt. Về phía Quốc hội, đại biểu đề nghị cần đưa vào chương trình giám sát và ban hành Luật về sử dụng vốn ODA.

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cũng nhấn mạnh không nên vay ODA cho chi thường xuyên, các khoản vay phải có ý kiến Quốc hội trước khi sử dụng nếu không nợ công tăng lên khiến con cháu sau này phải nai lưng ra để trả!

Quốc hội làm việc tại hội trường.

Về việc sử dụng các nguồn vốn, đồng tình với giải pháp Chính phủ đưa ra song đại biểu Trương Minh Hoàng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu giải pháp tăng mạnh hơn nữa tổng vốn xã hội, nghiên cứu kỹ phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2015. Ông cho rằng cần phải dồn sức cho công trình lớn còn dở dang mà nếu hoàn thành có tác động tích cực đến sự phát triển, tập trung đầu tư cho ngành nghề, lĩnh vực bám biển bảo vệ chủ quyền, quốc phòng an ninh… Về công tác cán bộ, đại biểu Hoàng chốt: “Người đứng đầu phải dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích của dân, của nước ngẩng cao đầu mà làm, điều chuyển những cán bộ thấy sai không dám nói, thấy việc không dám làm, chưa thực sự vào cuộc”…

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cho rằng, việc điều hành tỷ giá, lãi suất trong thời gian qua là những điểm sáng khả quan. Tuy nhiên, ngân sách bội chi cao, thủ tục hành chính rườm rà vẫn là những điểm nghẽn dù đã nói nhiều. Trong khi đó, tái cơ cấu chậm, nợ công, nợ xây dựng cơ bản, nợ xấu còn thiếu nhiều điều kiện để giải quyết…

Đ.Minh
.
.
.