Nhiều đại biểu Quốc hội không đồng ý nâng “đồng hạng” tuổi hưu

Thứ Tư, 28/05/2014, 10:15
Như đã thông tin, trình Quốc hội tại phiên họp chiều 26/5, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Trong khi đó, một số dự luật đã “gài” tuổi nghỉ hưu cao hơn so quy định Bộ luật Lao động, như dự luật Tổ chức Viện KSND sửa đổi và TAND sửa đổi nâng tuổi nghỉ hưu của thẩm phán TAND Tối cao, kiểm sát viên VKSND Tối cao lên 65 với nam, 60 với nữ. Nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình việc nâng “đồng hạng” tuổi nghỉ hưu.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, qua thảo luận, Ủy ban thấy rằng cần thực hiện Điều 187 của Bộ luật Lao động, nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác. Hiện, Bộ luật Lao động đã cho phép điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm đối tượng, đồng thời, đối với một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, một số địa bàn sẽ được giảm tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn.

Trao đổi vấn đề này, đại biểu Cao Sĩ Kiêm cho rằng, lấy lý do sợ “vỡ” quỹ lương hưu, bảo hiểm để nâng tuổi hưu là không thuyết phục. Việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến cán cân lao động  toàn xã hội. Ông nói, đối với những người lao động trí óc, người làm công chức, nếu để họ làm việc quá lâu mới nghỉ cũng rất khó có cơ hội để cho những cháu sinh viên mới ra trường có điều kiện làm việc. Hơn nữa tầng lớp lao động có trí tuệ được đào tạo có hệ thống thì cũng khó mà vào được vì không còn chỗ. Hiện chúng ta đang tái cấu trúc lại nền kinh tế, số lao động dư thừa rất nhiều, nếu tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 đối với nam và 60 đối với nữ phải nghiên cứu giải quyết xem xét những lao động thừa trong khi tái cấu trúc doanh nghiệp. Điều này tạo nên một số khó khăn cho giải quyết cổ phần hoá, sắp xếp và cơ cấu lại doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc nâng tuổi hưu sẽ gây khó khăn cho trí thức trẻ.

Trong khi đó, nhiều ngành còn muốn nâng tuổi hưu lên tận 65, 70 là rất vô lý. Theo ông, việc để xảy ra vỡ quỹ bảo hiểm xã hội chủ yếu do chúng ta không thu đủ, thu không hết, không hoàn thành trách nhiệm thu nên không thể đổ lỗi cho việc này được. Nếu giải quyết bằng cách nâng tuổi hưu lên cao sẽ tạo tiền lệ rất xấu, trong khi lý do giải quyết vỡ quỹ là phải tăng thu và thực hiện nghiêm kỷ luật thu chi...

Trước đó, tại phiên họp của Ủy ban Các vấn đề xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cũng tỏ ra băn khoăn với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) chỉ rõ, ông từng nghe nói đến năm 2030 Quỹ BHXH sẽ vỡ quỹ, rất nguy hiểm nếu không tăng tuổi nghỉ hưu. “Nhưng liệu tăng tuổi nghỉ hưu có phù hợp với Bộ luật Lao động hiện hành hay không, trong khi lao động các ngành nghề dệt may, thủy sản… về hưu trở thành mơ ước của họ” - ông Tùng lo ngại. Đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên) phân tích, theo dự thảo từ năm 2016, người lao động đóng bảo hiểm 20 năm sẽ được hưởng tương ứng 45% mức bình quân lương tháng. Đối với công chức có thể 60-62 tuổi là được rồi, nhưng nhóm các đối tượng khác, từ 2020 trở đi sẽ tăng thêm 4 tháng. “Tôi rất băn khoăn nếu đối tượng lao động, nhất là ở khu vực độc hại, nếu làm không đủ năm, tiền lương sẽ bị trừ tương ứng 2%/năm thì cuộc sống của họ sẽ như thế nào” - bà đặt vấn đề.

Nhiều đại biểu ngạc nhiên khi một số ngành nghề đề xuất nâng tuổi hưu lên tận 65, 70, điển hình như kiểm sát viên VKSND Tối cao, thẩm phán TAND Tối cao. Theo đại biểu, Bộ luật Lao động chỉ cho phép một số trường hợp đặc thù được nâng thêm tuổi như đội ngũ trí thức, nhà khoa học, còn kiểm sát viên, thẩm phán thì chẳng rơi vào nhóm nào để được nâng tuổi.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị, việc nâng tuổi nghỉ hưu chỉ giới hạn trong phạm vi cụ thể, không nên đánh đồng tất cả mọi đối tượng. Theo bà, hiện có thực trạng là độ chênh lệch giữa tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ lớn (5 tuổi) trong khi nữ có tuổi thọ trung bình cao hơn nam (theo một số tài liệu tôi nghiên cứu được là khoảng 5 năm). Như vậy, chúng  ta cũng nên nỗ lực rút ngắn khoảng cách độ tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, nó cũng thể hiện sự bình đẳng giới. Thêm nữa, với đối tượng là những nhà khoa học, nhà quản lý, những nhà trí thức có thời gian đào tạo rất lâu thì nên tăng độ tuổi nghỉ hưu ở những đối tượng này chứ không phải đánh đồng nhiều đối tượng.

“Tôi đã gặp những bác sỹ rất giỏi, học bác sỹ chuyên khoa, rồi đi bảo vệ tiến sỹ, về đã 52 tuổi rồi, chỉ còn cống hiến được thêm có 3 năm đã nghỉ hưu. Như vậy rất lãng phí tài năng và trí tuệ của họ” - bà Hải nói. Về vấn đề này, nhiệm vụ của các nhà hoạch định chính sách là xây dựng bảng danh mục cụ thể: đối tượng nào, ngành nghề nào ta nên có độ tuổi nghỉ hưu hợp lý với những cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn rõ ràng, có phân tích của các nhà chuyên môn thì xã hội sẽ chấp nhận. Họ sẽ không nghe những lý luận chung chung. 

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải kể: “Bản thân tôi có đọc được ý kiến của những chị giáo viên hơn 50 tuổi nói rằng tôi dạy mấy chục năm đã mệt mỏi lắm rồi, tôi muốn nghỉ. Nhưng cũng có những chị khác lại thấy rằng mình vẫn còn sức lực và sự yêu thích để tiếp tục đi dạy. Điều đó còn tùy thuộc vào tâm lý và hoàn cảnh của từng người. Tôi làm việc trong lĩnh vực thanh niên rất nhiều, trao đổi với nhiều bạn trẻ, thấy rằng có một băn khoăn khác cần tính đến là nếu tăng tuổi nghỉ hưu, số lượng việc làm mới tạo ra sẽ giảm, nghĩa là cơ hội việc làm cho các bạn trẻ sẽ bớt đi”.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp: Kéo dài tuổi lao động cần có lộ trình

Nếu kéo dài tuổi lao động sẽ liên quan đến việc làm. Trong điều kiện chúng ta chưa tạo được nhiều công ăn việc làm cho xã hội, thanh niên mới tốt nghiệp ra trường sẽ không tìm được việc làm, cũng rất gay go. Nên việc kéo dài tuổi lao động phải có lộ trình. Theo tôi, trước mắt nên thực hiện ở những đối tượng đặc thù trước như là những người giảng dạy đại học, có học hàm, học vị Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ đã được ở lại công tác thêm 5 đến 10 năm. Tới đây trong một số luật như Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân người ta cũng dự kiến tăng tuổi đối với thẩm phán Tòa án Tối cao, kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao? Ngược lại, có những người do vấn đề điều kiện lao động nặng nhọc, sức khỏe hạn chế có thể cho người ta nghỉ sớm, nhưng phải thực hiện đúng quy định của Bộ luật Lao động. Tức là có thể kéo dài, có thể rút ngắn nhưng không vượt quá 5 năm.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Chưa tán thành thông qua một luật trái với Bộ luật Lao động

Luật Lao động Quốc hội vừa mới thông qua xong, quy định tuổi nghỉ hưu của nam là 60, nữ là 55. Tôi cũng là người vừa biểu quyết thông qua, tôi chưa tán thành vào thời điểm này Quốc hội lại giơ tay một lần nữa thông qua một luật trái với Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, tôi cũng đã phát biểu ủng hộ, tăng tuổi phục vụ của những người trí thức, cán bộ khoa học, những người làm nhiệm vụ nghiên cứu… đã qua tuổi 60, nhưng cũng không quá 5 năm. Thứ hai, người đó theo tôi là nên thôi quản lý, có thể giảng dạy, nghiên cứu khoa học, làm những việc chuyên môn. Đối với cán bộ quản lý, thế hệ đi trước phải giúp và dìu dắt thế hệ sau, người sau phải kế tục sự nghiệp của người trước. Nếu chúng ta cứ giữ cương vị quản lý, nam đến 65 tuổi, nữ đến 60 tuổi thì sự phát triển của thế hệ trẻ sẽ bị hạn chế.

Đăng Hân
.
.
.