Nhiều đại biểu QH chưa nhất trí bỏ tử hình ở một số tội
Sáng hôm qua 25/5, Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS). Dự án luật với nhiều nội dung quan trọng này dự kiến sẽ được Quốc hội "bấm nút" thông qua vào cuối kỳ họp sau phiên thảo luận này.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phát biểu tại phiên họp sáng 25/5. |
Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của việc sửa đổi, bổ sung BLHS lần này là việc bỏ hình phạt tử hình ở nhiều tội danh. Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS trình ra phiên họp sáng qua 25/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã "gút" 8 điều luật dự kiến bỏ hình phạt tử hình, gồm: Tội hiếp dâm (Điều 111); tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139); tội buôn lậu (Điều 153); tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điều 180); tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 197); tội chiếm đoạt máy bay, tàu thủy (Điều 221); tội đưa hối lộ (Điều 289); tội hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 334).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba, tiếp thu các ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí vẫn duy trì hình phạt tử hình ở nhiều tội danh, trong đó có tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ để đảm bảo hiệu quả và khẳng định quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc phòng, chống các loại tội phạm về tham nhũng.
Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu có ý kiến khác nhau xung quanh việc bỏ hình phạt tử hình ở "Tội hiếp dâm" (Điều 111 BLHS). Theo bà Lê Thị Thu Ba, xét về mức độ nguy hiểm của hành vi, thực tiễn xét xử trong thời gian qua, với chủ trương giảm bớt hình phạt tử hình trong BLHS thì không nhất thiết phải giữ lại hình phạt tử hình đối với tội danh này. Mặc dù đây là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nhưng quy định hình phạt tù chung thân đối với tội này là đủ nghiêm khắc và vẫn bảo đảm để trừng trị, răn đe, phòng ngừa chung.
Bày tỏ sự chưa đồng tình với việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội hiếp dâm, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, khung hình phạt tử hình của tội danh này được áp dụng trong các trường hợp là nạn nhân bị ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và có thể tội phạm bị mắc bệnh HIV, nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi hiếp dâm; sau khi hiếp dâm có thể làm cho nạn nhân chết hoặc từ việc hiếp dâm làm cho nạn nhân bị ảnh hưởng về tâm thần, tinh thần và có thể dẫn đến tự sát, có thể người hiếp dâm còn dùng thủ đoạn hiếp dâm loạn luân hoặc tổ chức hiếp dâm.
Liên quan đến vấn đề này, giữa tháng 4 vừa qua, Bộ Công an cũng đã có Văn bản 721/BCA gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bỏ hình phạt tử hình đối với "Tội hiếp dâm", với lý do: tình hình tội phạm hiếp dâm đang có diễn biến phức tạp, xâm phạm nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người. Nếu bỏ hình phạt tử hình sẽ không đủ sức răn đe, phục vụ yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tại phiên họp sáng 25/5, các đại biểu Quốc hội cũng quan tâm thảo luận nhiều về việc có nên bỏ "Tội sử dụng trái phép chất ma túy" trong BLHS hay không. Một số ý kiến cho rằng nên bỏ để phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, Chống ma túy.
Một số ý kiến khác đề nghị giữ lại tội danh này trong BLHS, vì cho rằng hiện nay tình hình sử dụng trái phép chất ma túy vẫn đang gia tăng, gây tác hại xấu về nhiều mặt của đời sống xã hội và là nguyên nhân, điều kiện phát sinh nhiều loại tội phạm khác như trộm cắp tài sản, cướp tài sản, giết người...; nếu bỏ tội danh này có thể dẫn tới việc sử dụng ma túy tràn lan và không bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.
Đại biểu Trần Bá Thiều (Giám đốc Công an TP Hải Phòng) bày tỏ sự lo ngại nếu bỏ điều luật này. Theo đại biểu, dù thực tế ít khi xử lý hình sự người sử dụng trái phép chất ma tuý, nhưng giá trị ngăn chặn, phòng ngừa của điều luật lại phát huy rất tốt trong thực tiễn. Nếu bỏ điều luật này đi, đại biểu lo ngại lượng người nghiện và tệ nạn xã hội sẽ tăng lên.
Nhiều vấn đề khác trong việc sửa đổi, bổ sung BLHS cũng được các đại biểu thảo luận sôi nổi tại phiên họp. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, các ý kiến đại biểu QH sẽ được tiếp thu, giải trình báo cáo đầy đủ, làm căn cứ để Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS vào cuối kỳ họp này.
Nâng gấp 4 lần mức giá trị thiệt hại để truy cứu trách nhiệm hình sự Tại phiên họp hôm qua, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc cần thiết phải nâng mức định lượng tối thiểu về trị giá tiền, tài sản hoặc trị giá mức thiệt hại được tính bằng tiền làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS được trình Quốc hội thì mức định lượng tối thiểu về trị giá tiền, tài sản hoặc trị giá mức thiệt hại được tính bằng tiền làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự được nâng lên 4 lần tại 12/23 điều và 2 lần tại 1/23 điều luật. Việc xem xét điều chỉnh tất cả các loại định lượng liên quan đến trị giá tiền, tài sản, thiệt hại về tài sản được quy định tại 10/23 điều luật còn lại sẽ tiếp tục được nghiên cứu. |