Nhập nhờ, tách hộ tăng nhanh trước khi siết đăng ký hộ khẩu

Chủ Nhật, 18/04/2010, 14:10
Theo quy định thì việc tách hộ quá dễ dàng nên thời gian qua nhiều trường hợp cũng đến làm thủ tục tách hộ để hưởng các ưu đãi về điện, nước. Có nhiều trường hợp cũng tranh thủ tách hộ trước để "đón" các dự án giải tỏa đền bù…
>> Đủ diện tích ở tối thiểu mới được nhập khẩu vào các TP lớn

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2007/NĐ-CP vừa được Bộ Công an trình Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp khá cụ thể nhằm đảm bảo kiểm soát tốt việc nhập cư. Đối với chỗ ở do thuê, mượn hoặc ở nhờ tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh phải bảo đảm diện tích tối thiểu là 5m2 sàn/người mới được nhập khẩu. Liên quan tới quy định về giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp, Dự thảo Nghị định cũng quy định đối với nhà ở tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - những nơi có mật độ dân cư đông phải ghi rõ diện tích cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ…

Có mặt tại quận Thanh Xuân, địa bàn hiện có hơn 51.000 hộ với hơn 214.000 nhân khẩu, chúng tôi được Đội Cảnh sát QLHC về TTXH - Công an quận Thanh Xuân cho biết: Kể từ thời điểm Luật Cư trú mới có hiệu lực, từ ngày 1/8/2008 đến 1/8/2009, đơn vị này đã tiếp nhận và giải quyết hơn 14.600 trường hợp với gần 30.000 nhân khẩu. Chỉ tính riêng quý I-2010, đơn vị đã giải quyết cho hơn 2.600 trường hợp đăng ký hộ khẩu.

Trung tá Trương Thị Hậu - Đội phó Đội Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết: Những năm 2007, 2008, 2009, số lượng tăng nhiều, có thời điểm gấp đôi những năm trước đó. Có một thực tế là trong số những trường hợp đăng ký hộ khẩu thì số lượng các trường hợp nhập nhờ khá lớn. Hiện tại, mỗi ngày đơn vị này giải quyết khoảng trên dưới 20 trường hợp đến làm thủ tục đăng ký hộ khẩu. Theo quy định thì trong vòng 15 ngày phải trả kết quả, thời gian dành cho công tác xác minh cũng chỉ vỏn vẹn 3 ngày. Chính vì vậy, nhiều trường hợp không thể kéo dài thời gian xác minh nhưng vẫn phải làm thủ tục.

Công an quận Thanh Xuân làm thủ tục đăng ký hộ khẩu cho người dân.

Đơn vị này cũng cho biết, theo quy định thì việc tách hộ quá dễ dàng nên thời gian qua nhiều trường hợp cũng đến làm thủ tục tách hộ để hưởng các ưu đãi về điện, nước. Có nhiều trường hợp cũng tranh thủ tách hộ trước để "đón" các dự án giải tỏa đền bù… Quận Thanh Xuân riêng năm 2009 đã trả kết quả sớm cho 4.125 trường hợp từ 1 ngày đến 3 ngày (trường hợp bố mẹ, vợ, chồng, con về với nhau, trẻ mới sinh…). Công an quận thực hiện 3 giảm: Giảm bớt thủ tục không cần thiết, giảm thời gian trả kết quả và số lần đi lại cho nhân dân.

Tại quận Cầu Giấy, Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an quận cho biết: Tính từ thời điểm 31/8/2008 đến 31/8/2009, Công an quận này đã tiếp nhận và giải quyết hơn 7.500 trường hợp đăng ký hộ khẩu với hơn 16.800 nhân khẩu. Trong đó số lượng đăng ký thường trú từ tỉnh ngoài là hơn 3.000 trường hợp. Riêng 3 tháng đầu năm 2010, số lượng trường hợp đăng ký thường trú đang có chiều hướng gia tăng với hơn 700 trường hợp và hơn 2.400 nhân khẩu.

Thời gian qua xuất hiện khá nhiều trường hợp nhập nhờ và tách hộ. Trên thực tế ở quận Cầu Giấy có những hộ cho 4-5 trường hợp khác nhập nhờ. Sau khi nhập xong thì làm thủ tục tách hộ luôn. Trong số những trường hợp nhập nhờ vào các gia đình trên địa bàn thì phần nhiều là các lao động ngoại tỉnh. Bên cạnh đó, thời gian qua tình trạng người dân tìm đến làm thủ tục tách hộ cũng rất lớn. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2010 đã có gần 400 trường hợp đến làm thủ tục tách hộ. Con số đó của năm 2009 là 1.500 trường hợp.

Theo quy định của Luật là người có đủ 18 tuổi trở lên thì được quyền tách hộ. Vận dụng vào quy định này, nhiều gia đình khi có con, em đủ 18 tuổi mặc dù vẫn sống chung với bố mẹ nhưng vẫn làm thủ tục tách hộ khẩu để được hưởng các mức ưu đãi về điện, nước.

Bộ Công an đánh giá sau hai năm thực hiện Nghị định 107/2007/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Cư trú đã bộc lộ một số khó khăn vướng mắc, sơ hở, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về cư trú. Trong nghị định này có quy định nơi cư trú của công dân (nơi thường trú hoặc tạm trú) là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống; chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân, cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ.

Quy định này chưa cụ thể về tiêu chí để được coi là thường xuyên sinh sống và không hạn chế số người được đăng ký thường trú vào một nhà nên đã xuất hiện tình trạng nhiều người cùng đăng ký vào một chỗ… Đây là những vấn đề sẽ được sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới nhằm quản lý chặt hơn việc đăng ký hộ khẩu vào các thành phố lớn. 

Bên cạnh đó có một thực tế là trên địa bàn TP Hà Nội hiện có nhiều trường hợp mà người lao động, sinh viên đã có nhà đất hợp pháp ở Hà Nội nhưng vẫn chưa được đăng ký hộ khẩu. Theo kiến nghị của các đơn vị Công an cơ sở thì những trường hợp này đề nghị cần xem xét cho đăng ký hộ khẩu, đồng thời cần phải có quy định chặt chẽ về việc tách hộ. Đưa ra quy định này nhằm hạn chế tình trạng tách hộ tràn lan, không cần thiết để tránh sự tốn kém, lãng phí cho nhà nước trong việc giải quyết.

Cần giải quyết đăng ký hộ khẩu cho những trường hợp nằm trong khu vực quy hoạch thu hồi đất

Trên địa bàn quận Thanh Xuân hiện có khá nhiều hộ dân nhà ở nằm trong khu vực quy hoạch đã có quyết định thu hồi đất từ năm 1982 đến nay vẫn chưa thực hiện quy hoạch (dự án treo), người dân đã ở ổn định nhưng không đăng ký thường trú được. Con số này trên địa bàn quận Thanh Xuân hiện có khoảng gần 1.000 trường hợp. Trong số đó nhiều nhất là phường Thanh Xuân Nam… Vấn đề này Công an quận Thanh Xuân cũng đã có kiến nghị gửi thành phố đề nghị những khu vực quy hoạch có quyết định thu hồi đất nhưng chưa thực hiện ngay hoặc không thực hiện nữa thì đề nghị cho đăng ký thường trú…

Theo thống kê sơ bộ của Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH - Công an TP Hà Nội, hiện toàn TP Hà Nội có hơn 6,5 triệu nhân khẩu sinh sống (chưa kể số người tạm trú, định cư không cố định). Đáng chú ý, chỉ tính riêng năm 2009, đơn vị này đã  giải quyết cho hơn 143.000 hộ với hơn 361.000 nhân khẩu đăng ký thường trú. Con số này chưa kể tới hơn 196.000 nhân khẩu lẻ (đăng ký thường trú một mình). Theo Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH so với năm 2008, trong năm 2009, số trường hợp đăng ký thường trú tăng thêm hơn 36.000 hộ với hơn 116.000 nhân khẩu.

Xuân Luận - Trần Huy
.
.
.