Nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ nhận Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh

Thứ Ba, 25/03/2014, 22:57
Vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang được ban tổ chức Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh vinh danh vì có những đóng góp xuất sắc trong việc truyền bá văn hóa dân gian Nam Bộ.

Tôn vinh những tinh hoa văn hóa Việt Nam thời hiện đại và những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, giáo dục, dịch thuật, nghiên cứu, Việt Nam học, Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 7 đã được trao cho 5 cá nhân là người Việt và người nước ngoài vào tối ngày 24/3 tại TP HCM. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang được ban tổ chức vinh danh vì có những đóng góp xuất sắc trong việc truyền bá văn hóa dân gian Nam Bộ.

 Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ sinh ngày 13/3/1936 tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, nguyên là Ủy viên Ban Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa III, Phó Tổng thư ký Hội âm nhạc TP HCM (1981)... Ông được đông đảo công chúng yêu mến qua rất nhiều ca khúc nổi tiếng: Cô gái Sài gòn đi tải đạn, Bài ca đất Phương Nam...

Nhà thơ Lê Giang, người bạn đời chung thủy của nhạc sĩ cũng rất nổi tiếng với nhiều tác phẩm: Phím đàn xanh, Bông vạn thọ, Sắc trắng, Ơi anh chàng hát rong, Tìm ngọc ở quê mình... Bà là đồng tác giả với nhạc sĩ Lư Nhất Vũ trong một số công trình văn hóa đồ sộ như “300 điệu lý Nam bộ”, “Tìm hiểu dân ca Nam bộ”, “200 bài dân ca viết lời mới”.

Nhiều năm gần đây, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang được ghi nhận là cặp đôi có nhiều công trình nghiên cứu về dân ca Nam Bộ nhất. Với những đóng góp này, ông bà được Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao giải thưởng Vì sự nghiệp văn hóa, giáo dục.

Nguyên Phó Chủ tịch nước, Nguyễn Thị Bình trao giải cho Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, nhà thơ Lê Giang và các cá nhân khác đoạt giải.

Chia sẻ về giải thưởng được trao lần này, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cho biết ông và vợ vô cùng xúc động và bối rối. Xúc động vì Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đánh giá công việc vừa qua của ông bà và tập thể những người đã đồng hành trong lưu giữ kho tàng dân ca Việt Nam đồ sộ vừa qua là có lợi ích cho đất nước, góp phần chấn hưng nền văn hóa, giáo dục nước nhà. Bối rối vì ông bà không biết làm thế nào tiếp tục công việc để xứng đáng với phần thưởng đáng trân trọng này. Tình hình văn hóa, giáo dục nước nhà hiện nay không cho phép ai cũng chỉ tự lo lấy phần mình mà rất cần đội ngũ quyết tâm, thật sự biết quý trọng văn hóa, biết xắn tay áo, vạch kế hoạch bảo tồn văn hóa dân tộc, khẩn trương giữ gìn những gì cha ông để lại bằng một tinh thần mới, một sức trẻ chứa đầy ý tưởng trong sáng, gạn đục khơi trong, biết quý trọng thật sự trí tuệ người xưa để lại...

Cùng được vinh danh trong hạng mục Vì sự nghiệp văn hóa, giáo dục của Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần này là ông Thomas J.Vallely, nhà sáng lập Chương trình Việt Nam tại đại học Harvard, Mỹ. Hạng mục giải thưởng Nghiên cứu cũng đã được trao cho  nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường và lĩnh vực Dịch thuật được trao cho phó giáo sư Ngô Đức Thọ

Hoa Nguyễn
.
.
.