Người lao động sẽ thiệt nếu lấy BHXH một lần
>> Nhiều ý kiến tán đồng để người lao động được hưởng BHXH 1 lần
- Báo cáo kiểm toán quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) vừa rồi khiến người ta băn khoăn. Phải chăng có những khoản cho vay không thu lại được?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Không có chuyện đó. Quỹ này chủ yếu cho Chính phủ vay, chỉ có trước đây có một điểm khó thu hồi là cho Công ty tài chính 2 của Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vay thì người ta đã khoanh nợ lại và đang thu hồi rồi. Việc trốn nợ bảo hiểm thì bây giờ cũng đang tích cực thu hồi, 11.000 tỷ bây giờ còn hơn 5000 tỷ, đó là trách nhiệm của chủ sử dụng lao động phải trả nợ, vẫn đang còn đó, chưa thu được thì phải thu tiếp. Chỉ còn một số trường hợp bất khả kháng, doanh nghiệp khó khăn thì Nhà nước cũng phải xem xét.
- Việc sửa đổi Điều 60 cho phép người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần có ảnh hưởng tới quỹ không?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Không ảnh hưởng gì. Lấy như vậy thì nhà nước có lãi nếu người lao động làm đủ thời gian không phải là dưới 1 năm. Còn dưới 1 năm thì là có lạm dụng vì tối đa anh vẫn được hưởng 2 tháng, nhưng từ 2 năm trở lên thì người lao động được hưởng 2 tháng/1 năm đóng BHXH, trong khi anh đóng 22% (người lao động 8%, người sử dụng lao động 14%) trong 12 tháng, tương đương là 2,64 tháng; tức là người lao động thiệt chứ không phải Nhà nước thiệt. Người lao động đang khó khăn nên mong muốn như thế thì mình phải sửa theo mong muốn của người lao động.
Luật pháp là làm cho người lao động chứ không phải làm cho người làm luật. Người lao động chưa hoàn toàn thỏa mãn, thấy chưa được thì cần có thời gian để họ suy nghĩ cái nào có lợi nhất. Bây giờ, theo ý chí của người lao động thì trước mắt chúng ta nên xử lý linh hoạt, cho người lao động lựa chọn.
Những trường hợp thực sự khó khăn thì phải giải quyết cho họ. Còn người khác thấy muốn bảo lưu thì người ta tiếp tục đóng, khó khăn thì Nhà nước hỗ trợ để làm sao quan trọng nhất khi về già người ta có tiền lương hưu để đảm bảo cuộc sống, người ta thấy tự hào không phải phụ thuộc vào con cái, không phải là gánh nặng của Nhà nước.
Một điều rất quan trọng là chúng ta vẫn phải tuyên truyền cho người lao động thấy Điều 60 hoàn toàn là xuất phát từ lợi ích an sinh của chính họ.
Ông Bùi Sỹ Lợi trao đổi với PV bên lề Quốc hội ngày 21/5. |
- Vậy ông có nhắn nhủ gì với người lao động đang muốn nhận BHXH một lần?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Đến lúc này, Chính phủ mong muốn Quốc hội sửa Điều 60, mà Uỷ ban các vấn đề xã hội cơ bản đồng tình với kiến nghị của Chính phủ. Nhưng điều nhắn nhủ của tôi với người lao động là phải nghiên cứu, cân nhắc kỹ. Quả thực là nếu vấn đề trước mắt không có biện pháp nào xử lý được thì hãy lấy một lần, còn lại cố gắng tích luỹ để tránh rủi ro tuổi già.
- Hiện có tình trạng “cai đầu dài” thu gom sổ BHXH của người lao động, gây thiệt hại cho họ. Quốc hội có ý kiến gì để hạn chế tình trạng này?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Việc “cai đầu dài” thu gom sổ bảo hiểm và hiện nay đã phổ biến trên thị trường lao động là người ta làm hộ chính sách BHXH chọn người lao động, nhưng ở đây nó như hình thức bán lúa non. Người lao động cho “cai đầu dài” thu sổ BHXH để thanh toán 1 lần, nhưng người lao động chỉ được 70% thôi, còn “cai” lấy 30%. Việc này phải tuyên truyền cho người lao động, nên đến cơ quan BHXH để làm thủ tục để khỏi mất tiền.
Cơ quan Nhà nước cũng tăng cường kiểm tra quản lý sổ chặt chẽ, khi thanh toán thì đúng người đúng việc. Chúng tôi đã kiến nghị là hết sức chặt chẽ quản lý cái này, tránh việc người lao động đã khó khăn rồi, đi thanh toán bảo hiểm còn mất tiền.
- Một trong những lý do người lao động đưa ra khi mong muốn nhận BHXH một lần là họ thiếu niềm tin vào việc quản lý quỹ BHXH. Ông có cho rằng việc nghi ngại này là có cơ sở?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Người lao động chưa có niềm tin vì cơ quan chức năng giải thích chưa rõ. Quỹ BHXH như là khoản để dành, không ai có quyền vi phạm, kể cả cơ quan quản lý quỹ bảo hiểm. Quỹ này do Bộ Tài chính quản lý tập trung ở Trung ương, không phải do BHXH “ôm”. Quỹ phải được bảo toàn, phải được đầu tư tăng trưởng khi nhàn rỗi.
Khi cho Chính phủ vay để đầu tư, tốc độ tăng trưởng của quỹ phải cao hơn lạm phát. Nguyên tắc là như vậy. Việc nhiều người nói rằng nếu không nhận BHXH một lần, không may chết là mất trắng là không đúng. Bằng giá nào người lao động cũng được trả hết, trả mai táng phí bằng 10 tháng lương, thân nhân được hưởng tiền tuất...
- Vậy theo ông, việc sửa Điều 60 này nên là vĩnh viễn hay có lộ trình trong vài năm để người lao động thích nghi?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Quan điểm của tôi là giải quyết vấn đề tình thế trước mắt, cho người lao động chọn lựa, rồi hạn chế dần tới khi người lao động hiểu được và luật đi vào cuộc sống. Vì tới 1/1/2016 Luật mới mới có hiệu lực, nên nếu kịp thì sửa trong kỳ họp này, còn không thì sửa trong kỳ sau cũng không ảnh hưởng gì đến giải quyết chế độ cho người lao động.
- Xin cảm ơn ông!