Quy định mới trong việc tiếp công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh:

Người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm tiếp công dân và trả lời giải quyết vụ việc

Thứ Tư, 18/12/2013, 10:10
Tiếp công dân là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta. Trong những năm qua, công tác tiếp công dân thu được những kết quả nhất định khi các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đã nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhưng bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tiếp công dân của các cấp còn những hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Để đáp ứng yêu cầu của công tác tiếp công dân trong giai đoạn hiện nay, Luật Tiếp công dân vừa được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố Luật (có hiệu lực từ ngày 1/ 7/2014) được coi là đạo luật điều chỉnh đầy đủ nhất về tổ chức và hoạt động tiếp công dân.

Nhằm làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo CAND đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (đại diện lãnh đạo cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Tiếp công dân):

- Xin đồng chí cho biết, luật quy định công dân có quyền và nghĩa vụ gì trong việc khiếu nại, tố cáo?

- Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Nguyễn Văn Thanh: Luật Tiếp công dân quy định  quyền của công dân đến cơ quan khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh như: trình bày về nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; được hướng dẫn, giải thích về những nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của mình; khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của người tiếp công dân; nhận thông báo về việc tiếp nhận, kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Ngoài ra, công dân còn có các quyền khác theo quy định của pháp luật về khiếu nại và tố cáo. Tương ứng với quyền, Luật cũng quy định về nghĩa vụ của người đến cơ quan khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phải: xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có), có thái độ đúng mực, tôn trọng đối với người tiếp công dân, trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; ký hoặc điểm chỉ xác nhận những nội dung trình bày đã được người tiếp công dân ghi chép lại; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại, tố cáo của mình…

Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh.

- Trách nhiệm của người tiếp công dân được quy định cụ thể như thế nào trong luật?

- Phó Tổng TTCP Nguyễn Văn Thanh: Luật quy định trách nhiệm của người tiếp công dân là: đảm bảo trang phục chỉnh tề, đeo Thẻ công chức, viên chức hoặc phù hiệu theo quy định; có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và giải thích cho nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; chuyển đơn, trình người có thẩm quyền xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và thông báo kết quả xử lý đơn thư đối với nhân dân… Các quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong hoạt động tiếp công dân và ngăn chặn trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối trật tự công cộng.

- Vai trò của người đứng đầu cơ quan tiếp công dân được quy định thế nào, thưa đồng chí?

- Phó Tổng TTCP Nguyễn Văn Thanh: Người đứng đầu các cơ quan có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân của cơ quan mình, đồng thời trực tiếp tiếp công dân ít nhất một ngày trong tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình. Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm tiếp công dân đột xuất trong những trường hợp nhất định. Luật cũng quy định khi tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan phải có ý kiến trả lời về việc giải quyết vụ việc cho công dân. Trường hợp chưa trả lời ngay được thì chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình kịp thời xem xét, giải quyết và thông báo thời gian trả lời cho công dân. Quy định này nhằm làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác tiếp công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Hưng
.
.
.