Người dân tin tưởng, phấn khởi tham gia xây dựng Hiến pháp

Chủ Nhật, 31/03/2013, 21:28
Một khí sắc mới, rất tâm huyết và trí tuệ, đang dâng lên từ cuộc sinh hoạt chính trị lớn – toàn dân tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp, đưa công cuộc đổi mới tới một bước phát triển mới về chất.

Từ từng hộ gia đình, người dân ở những làng quê đến từng cơ quan, tổ chức, người Việt Nam ta đã và đang tin tưởng, phấn khởi tham dự nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 – cuộc kiến tạo lớn để thiết kế một đạo luật gốc cho Nhà nước và xã hội Việt Nam.

Sửa đổi Hiến pháp – một việc hệ trọng của đất nước, thu hút trí tuệ, lay động nhận thức, cổ vũ tinh thần, khích lệ hành động công nhân, nông dân, trí thức và chiến sĩ cả nước thắp lên niềm hy vọng lớn về tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam. Sức mạnh của trí tuệ Việt Nam không chỉ tham gia góp ý kiến đối với Hiến pháp và thi hành Hiến pháp mà còn chủ động phản bác những tiếng nói lạc lõng chống lại Hiến pháp.

Chúng ta biết rằng hoạt động lập hiến không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của một cá nhân, tổ chức nào mà xuất phát từ nhu cầu điều chỉnh bằng pháp luật của các quan hệ xã hội, tuyệt nhiên không được tùy tiện, hết sức tránh những tác động khiến người ta dè dặt, thậm chí muốn né tránh một số chủ đề “nhạy cảm”.

Quy luật cũng như thực tiễn cho thấy quá trình xây dựng Hiến pháp cũng là quá trình các thế lực thù địch, phản động tập trung tấn công vào cách mạng nước ta quyết liệt nhất. Nhìn lại lịch sử lập hiến của nước ta, bản Hiến pháp năm 1946 vẫn mãi là một bản Hiến pháp tiến bộ, nhưng lại phải ra đời trong điều kiện kẻ thù rắp tâm phá hoại, đất nước trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, đồng bào vui sướng được hưởng quyền lợi của người dân độc lập, tự do. Với ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa mới giành được, trong niềm vui háo hức, toàn thể nhân dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn một ngày – ngày lịch sử vĩ đại 6-1-1946, toàn dân đi bỏ phiếu.

Tinh thần đó, đã mang lại kết quả 89% tổng số cử tri trên cả nước đi bỏ phiếu, nhiều địa phương có số cử tri đi bỏ phiếu đạt 95%. Hiến pháp năm 1946 là một bản Hiến pháp mẫu mực trên nhiều phương diện, không kém một bản Hiến pháp nào trên thế giới, là hiện thực sống động về thể chế nhà nước cộng hòa, dân chủ - một loại hình nhà nước pháp quyền cách mạng của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Ngày nay, ý chí và nguyện vọng của nhân dân đang được thể hiện sâu sắc trong quá trình góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đâu đó vẫn còn những kẻ xấu muốn đẩy sự bình yên của Tổ quốc ta vào rối loạn để rồi nhân dân phải chịu mọi hậu quả. Nhân dân là cái cớ để họ tranh giành ảnh hưởng trong cái gọi là “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”.

Qua các thời kỳ kiến quốc, nước ta đã có 4 bản Hiến pháp và hiện nay là dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nguồn sức mạnh lớn nhất vận hành sự nghiệp vĩ đại ấy chính là ý chí và trí tuệ Việt Nam. Sự gắn kết của khối đại đoàn kết dân tộc xung quanh hạt nhân lãnh đạo là Đảng Cộng sản Việt Nam đang thắp lên niềm tin lớn về một bản Hiến pháp sửa đổi hướng đến mục tiêu cao cả là tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Nhân dân là chủ thể sáng tạo ra Hiến pháp, vừa ủy quyền cho Quốc hội lập hiến, vừa tham gia góp ý kiến vào quá trình xây dựng Hiến pháp, đồng thời nhân dân là chủ thể lớn nhất thực hiện Hiến pháp, phát hiện những điểm chưa phù hợp của Hiến pháp khi đưa vào cuộc sống. Khi nhân dân nhận thức rõ âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo thì không một thế lực nào có thể làm quần chúng nhân dân quay lưng lại với Đảng, với chế độ XHCN, với Hiến pháp.

Và ngược lại thì dù Quân đội, Công an có hùng mạnh, tinh nhuệ đến đâu cũng không cứu vãn được tình hình và chệch hướng, sụp đổ là tất yếu. Chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ, đánh giá khách quan những biến động chính trị - xã hội ở Liên Xô, Đông Âu trong những năm 1989-1991.

Vào những ngày này, các thế lực thù địch cũng đang ra sức truyền bá quan điểm “trung lập hóa lực lượng vũ trang”, về thực chất là lôi kéo Quân đội, Công an xa rời lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và CNXH, vì hạnh phúc của nhân dân, tách Quân đội, Công an ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, hòng xóa bỏ những điều cơ bản trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hãy cảnh giác và không bao giờ chấp nhận quan điểm đó, bởi đó là nguyên nhân đưa đất nước lâm vào khủng hoảng chính trị - xã hội

Hoàng Tương
.
.
.