Nghĩa vụ quân sự “bỏ lọt” sinh viên du học?

Thứ Năm, 13/11/2014, 07:46
Thảo luận về Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) chiều 12/11, các đại biểu đều cho rằng cần có sự thay đổi về thời gian phục vụ, đối tượng tạm hoãn và tuổi để phù hợp với nhu cầu xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nhiều ý kiến kiến nghị nên đưa thời gian phục vụ lên 24 tháng để đáp ứng nhu cầu huấn luyện, nhưng một số đại biểu khác cho rằng cần làm rõ lý do phải tăng thời hạn. Cùng ngày, Quốc hội cũng đã thảo luận về Luật Mặt trận Tổ quốc và Luật Vệ sinh an toàn lao động.

Đại biểu Ngô Ngọc Bình cho rằng trong quá trình thực hiện công tác tuyển quân nhiều năm, quá trình tham gia chiến đấu, nên để 24 tháng huấn luyện nghĩa vụ mới đáp ứng yêu cầu. Sau khi huấn luyện tân binh (3 tháng), quân bổ sung về cho các đơn vị huấn luyện 1 tháng là không đảm bảo cả về vấn đề kỹ thuật, chiến thuật. Đại biểu Bình cho rằng nếu huấn luyện không đến nơi đến chốn, hiệu quả chiến đấu thấp. Vì vậy, thời gian nên để 24 tháng là phù hợp với tình hình đất nước và nhu cầu xây dựng quân đội.

Điều này còn góp phần đảm bảo công bằng bởi hiện nay bộ binh là 18 tháng, nhưng hải quân và các binh chủng khác là 24 tháng. Sau khóa huấn luyện tân binh, kêu gọi anh em đi học lớp tiểu đội trưởng hoặc ngành chuyên môn khác thì anh em không chịu đăng ký, vì người ta 18 tháng về, đi học 24 tháng mới về, gây khó khăn cho đào tạo hạ sỹ quan. Đây cũng là quan điểm được nhiều đại biểu ủng hộ, đặc biệt với những đòi hỏi của tình hình mới. Tuy nhiên, một số đại biểu khác như Võ Thị Dung, Trương Thị Ánh, Huỳnh Thành Đạt… cho rằng cần làm rõ lý do vì sao cần tăng thời hạn trong dự thảo luật, bởi lý do đưa ra hiện nay chưa thuyết phục.

Về tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn nhập ngũ, hiện cũng đang gây băn khoăn rất nhiều. Đại biểu Bình đề nghị là nên mở rộng đối tượng là học sinh, sinh viên đoạt giải trong các kỳ thi quan trọng của quốc gia và quốc tế. Nếu được tạm hoãn để tập trung đào tạo, đây sẽ là nguồn nhân lực không chỉ cho xã hội mà cho cả quân đội nếu cần thiết.

Các đại biểu cũng kiến nghị nên quy định ràng buộc đối tượng con em đi học ở nước ngoài, bởi hiện nay không có quy định nào về thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với các đối tượng này. Về độ tuổi, ý kiến của các đại biểu còn khác nhau xung quanh việc nên quy định từ 18-25 hay 18-27. Đại biểu Nguyễn Văn Hưng bày tỏ sự nhất trí với dự thảo luật về nội dung thu hẹp đối tượng tạm hoãn nghĩa vụ quân sự, bởi người trực tiếp làm tuyển quân mới biết cái bất hợp lý, do đối tượng quá rộng. “Thường lực lượng chính nhập ngũ là con em nông dân, ở nông thôn. Các đối tượng tốt nghiệp cao đẳng, trường nghề ta đưa vào tạm hoãn thì đây cũng là chỗ trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Tỷ lệ có trình độ đại học nhập ngũ hằng năm rất thấp, dưới 5%. TP Hồ Chí Minh làm rất quyết liệt, thì cao đẳng, trung cấp, đại học nhập ngũ tỷ lệ chưa tới 32%; đại học là dưới 10%. Tuy nhiên, đại biểu Hưng lại kiến nghị nên hoãn cho đối tượng thuộc diện xóa đói giảm nghèo, bởi thực tế có những hoàn cảnh rất khó khăn như người trụ cột gia đình, phải nuôi vợ con, gia đình thuộc diện nghèo nhưng lại bị gọi đi nghĩa vụ quân sự.

Đại biểu Huỳnh Minh Thiện ủng hộ quan điểm gọi nhập ngũ đối với cán bộ công chức đang công tác ở các địa phương, cơ quan, đơn vị. Nếu gọi sẽ làm lực lượng nghĩa vụ quân sự chất lượng hơn và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cần quy định đó là thời gian nghỉ không lương, sau khi hoàn thành nghĩa vụ vẫn được nhận nhiệm vụ ở cơ quan cũ hoặc được bố trí công việc phù hợp.

Những báo cáo chưa thực tế, nhận trách nhiệm chung chung sẽ bị “cho điểm” thấp

Theo chương trình, ngày 14/11, Quốc hội sẽ nghe báo cáo một số vấn đề về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh được Quốc hội bầu, phê chuẩn và các đoàn sẽ thảo luận về nội dung này trước khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm vào ngày 15-11. Một số đại biểu Quốc hội đã chia sẻ suy nghĩ về nội dung rất được cử tri cả nước quan tâm này.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng):

Bản tự nhận xét của các vị được lấy phiếu lần này đã chỉ ra những mặt làm được, chưa làm được, càng ngày càng thể hiện sự nhận trách nhiệm về mình rõ ràng hơn. So với lần lấy phiếu trước, những người được lấy phiếu đã có nhiều chuyển biến. Ví dụ, lần trước hai vị thấp nhất là ngân hàng và giáo dục thì lần này, đặc biệt là ngân hàng đã có những tiến bộ.

Cần phải nói rằng, những báo cáo gửi đến đại biểu mà làm khách sáo, cho có hoặc để văn phòng làm rồi không đọc lại là đại biểu biết ngay. Ví dụ, có những câu lẫn lộn nam giới nữ giới là đã có rồi đấy. Thêm nữa, những báo cáo không thực tế, nhận trách nhiệm chung chung sẽ bị đại biểu cho điểm thấp. Tất nhiên chưa thể nói thật, nói thẳng hoàn toàn, nhưng có những việc phải nhận  khuyết điểm  về mình, chứ không thể cứ thành tích thì cá nhân, khuyết điểm lại đổ cho tập thể.

Để đánh giá những người được lấy phiếu, các ĐBQH, trong đó có bản thân tôi, đều phải nghe ý kiến của cử tri. Ngoài ra, tôi còn nghe những người ở gần những đồng chí lãnh  đạo ấy. Thực ra, có những việc không thể giải quyết được trong ngày một ngày hai vì còn do cơ chế chính sách nữa. Vì thế, khi đánh giá phải rất khách quan.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận):

Đến thời gian vừa rồi, nhiều bộ, ngành đã có những giải pháp quyết liệt. Điều này mọi người đều nhận thấy rõ. Và có lẽ nhiều vị lần này sẽ  được  đánh giá rất cao so với lần lấy phiếu trước.

Để đánh giá về một người được lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu phải thông qua nhiều nguồn thông tin. Các báo cáo được gửi đến đại biểu chỉ là một kênh. Dù những người được lấy phiếu báo cáo rất trung thực, nhưng những  việc họ làm được cũng phải nhìn nhận ở nhiều khía cạnh khác nhau. Ví dụ, có những bộ, ngành coi việc báo cáo là để thông báo kết quả, thành tựu, nhưng thành tựu có thực chất không, hay chỉ là việc đối phó, thì rất có  thể  được nhìn nhận ở các góc độ khác. Điều này phụ thuộc vào suy luận và nguồn thông tin, việc thu thập và xử lý thông tin của mỗi đại biểu. Tuy nhiên, thái độ làm báo cáo của những người được lấy phiếu đã nghiêm túc hơn, đúng mức hơn, đầy đủ hơn so với báo cáo lần trước.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời phỏng vấn bên lề về dự án xây dựng cáp treo Sơn Đoòng: Phải xem xét kỹ việc xây dựng cáp treo Sơn Đoòng

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh.

Liên quan đến chủ trương xây dựng cáp treo lên hang Sơn Đoòng (Quảng Bình), bên lề Quốc hội 12/11, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết, quan điểm của Bộ là sẽ tuân theo Luật Di sản và phải gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa và “Làm gì thì cũng phải đúng qui trình, đúng bài bản”.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, nếu chiểu theo Luật Di sản thì những công trình nào không được xây dựng vì nguy cơ phá hỏng di sản?

BT Hoàng Tuấn Anh: Tất nhiên không được can thiệp thô bạo nhưng phải có qui trình tính toán các yếu tố, làm thế nào đáp ứng được việc bảo tồn là trên hết và tìm cách phát huy nó. Trên thế giới có nhiều di sản văn hóa. Ví dụ như ở mình có Yên Tử, đang chuẩn bị lập hồ sơ trình UNESCO thì cũng tương tự như thế. Khi làm mình phải cân nhắc.

PV: Nhưng liên quan đến Sơn Đoòng, nhiều chuyên gia cho rằng nếu xây cáp thì giao cho một công ty quản lý và sẽ có thu phí. Như vậy, người dân sẽ phải trả tiền vé khi vào khu di sản?

BT Hoàng Tuấn Anh: Vấn đề không phải giao cho ai mà là cách thức quản lý, điều hành. Không phải công ty họ quản lý là họ khai thác triệt để, tối đa, bất chấp lợi ích của quốc gia.

Khi tôi còn làm Chủ tịch Đà Nẵng, khu du lịch Bà Nà - Núi Chúa cũng tương tự như thế này. Đó là khu vực rất giàu tiềm năng du lịch, đồng thời đa dạng về sinh học. Lúc bấy giờ cũng phải tính toán và cuối cùng có một công ty vào và xin phép làm, mình đưa ra một quy trình rất nghiêm ngặt và chủ yếu là họ đi tiên phong. Trước đây, Bà Nà – Núi Chúa, có kinh nghiệm là họ làm một con đường đi dọc lên. Tôi là người phát quang con đường đó nhưng gặp hai vấn đề: thứ nhất là phải chặt cây, thứ hai là đường lên trắc trở, ảnh hưởng đến tính mạng con người. Lúc ấy chỉ nghĩ đến phương án làm cáp treo thì họ mới lên đỉnh núi và tham quan các nơi được. Khi làm cáp treo thì yêu cầu đặt ra là phải bảo vệ cảnh quan môi trường. Và thực tế, người dân vẫn tiếp cận được ở đỉnh Bà Nà, vui chơi giải trí, thưởng ngoạn cảnh vật mà không bị ảnh hưởng môi trường. Trường hợp Sơn Đoòng lại khác, cần tính toán kỹ.

PV: Bộ trưởng có được báo cáo về việc nhiều chuyên gia đã cảnh báo về việc xây cáp treo lên hang?

BT Hoàng Tuấn Anh: Tất cả ý kiến chuyên gia đưa ra cảnh báo thì phải tập hợp lại, Bộ cùng với tỉnh Quảng Bình có trách nhiệm phân tích, đánh giá cái gì hại, cái gì lợi và chọn phương án tối ưu để xử lý vấn đề.

PV: Xin cảm ơn ông!

Vũ Hân – Kim Quý
.
.
.