Ngân sách eo hẹp, Quốc hội “lặng tờ” chuyện tăng lương

Thứ Năm, 24/10/2013, 13:10
Khác với phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại kỳ họp tầm này năm ngoái, khi Chính phủ đề nghị không tăng lương thì đại biểu Quốc hội vẫn muốn tăng, kết quả Quốc hội đã ra Nghị quyết tăng lương, áp dụng từ tháng 7 vừa rồi. Năm nay, mọi việc đã khác, chuyện tăng lương “lặng tờ” ở nghị trường Quốc hội.
>> Đại biểu QH ủng hộ phương án không thành lập Hội đồng Hiến pháp
>> Lương “khủng”, thưởng “khủng” lại làm nóng nghị trường

Sáng nay, 24/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội năm 2013, kế hoạch, nhiệm vụ năm 2014. Tại các tổ thảo luận, đại biểu đều nhìn nhận nền kinh tế đang trải qua giai đoạn rất khó khăn, ngân sách eo hẹp, thu không đủ chi, do đó không ai đả động chuyện tăng lương như phiên họp tầm này năm ngoái. Trong báo cáo của Chính phủ trình bày tại Quốc hội cũng không nhắc gì việc này. Điều đó có nghĩa, năm 2014 sẽ không có việc tăng lương tối thiểu và vấn đề thất thu ngân sách đang trở thành gánh nặng tài chính hiện nay.

Đại biểu Quốc hội không bàn chuyện tăng lương trong năm tới.

Theo báo cáo về thu, chi ngân sách do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, dự kiến thu ngân sách năm 2013 đạt 790.800 tỷ đồng, giảm 25.200 tỷ đồng so với dự toán. Nếu loại trừ các khoản ghi thu ngân sách (khoảng 38.400 tỷ đồng) thì thu cân đối ngân sách nhà nước hơn 752.300 tỷ đồng, giảm tới 63.600 tỷ đồng (-7,8%) so với dự toán. Việc giảm tới hơn 63.000 tỷ là con số rất đáng lo ngại bởi như việc tăng lương tối thiểu thêm 100.000 đồng từ tháng 7 vừa rồi thì tổng chi tăng lương cho cả năm cũng chỉ hơn 20.000 tỷ.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng chi ngân sách nhà nước năm 2013 ước đạt 986.300 tỷ đồng, tăng 8.300 tỷ đồng, tương đương 0,8% so với dự toán. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 ở mức 5,3% GDP. Chênh lệch thu - chi khoảng 195.000 tỷ đồng. Về kế hoạch năm 2014, theo dự kiến của cơ quan tài chính, thu cân đối ngân sách khoảng 782.700 tỷ đồng, chi khoảng 1.006.700 tỷ đồng, bội chi dự kiến 5,3%.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển lo ngại nói rằng, trong bối cảnh khó khăn như vậy, cần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, thi công kéo dài, gây lãng phí nguồn lực. Vẫn còn nhiều dự án triển khai chậm tiến độ, phân bổ vốn không đúng cơ cấu, chương trình hỗ trợ được giao... Ông Hiển nói, về dự toán thu ngân sách năm 2014, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần rà soát thêm số dự toán thu trên cơ sở dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,8%, các khoản thuế đã được gia hạn trong năm 2013 chuyển sang năm 2014. Thêm nữa, để tăng nguồn thu phải đẩy mạnh các biện pháp chống gian lận thương mại, trốn thuế, chống nợ đọng thuế, quản lý chặt chẽ và khai thác nguồn thu vào ngân sách... Về kế hoạch chi năm 2014, ông Hiển lo lắng: Trong giai đoạn khó khăn khi tốc độ tăng thu giảm, bội chi ngân sách đã cao hơn kế hoạch, dư nợ công tăng nhanh, nhiều khoản nợ của ngân sách chưa được xử lý nhưng dự toán chi theo đề nghị của Chính phủ mà vẫn tăng 2,9% so với dự toán năm 2013 là chưa thể hiện rõ thông điệp phải triệt để tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu hơn nữa cho phù hợp với tình hình khó khăn hiện nay...  

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh)  quan ngại, suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008 đến nay còn nặng nề hơn cuộc đại khủng hoảng trước đây. Nhưng ông cũng nhìn thấy điểm sáng bởi kinh tế thế giới khủng hoảng thì tổng cầu suy giảm, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng 15-16%/năm – đó là những biểu hiện rất đáng mừng. Chúng ta tăng trưởng thấp nhưng lạm phát được kiềm chế. Rồi tỷ giá trong 2 năm 2012-2013 rất ổn định, giữ được niềm tin vào đồng nội tệ, dự trữ ngoại hối cũng tăng lên... Điều lo lắng là bội chi tăng cao, nợ công đã tới mức phải cảnh báo khi năm 2013 lên mức 2,074 triệu tỷ đồng.

Nói về việc tái cơ cấu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề nghị trong năm 2014 phải có một Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế, Ủy ban này có sự tham gia của Quốc hội, của các định chế tư vấn, chuyên gia độc lập. Ông phân tích, như việc tái cơ cấu về điện lực thì nếu chỉ giao một mình Tập đoàn điện lực tự tái cơ cấu, tức đóng cửa mà làm thì không thể tự tái cơ cấu được khi động chạm lợi ích. Tái cơ cấu phải có bàn tay bên ngoài. “Nếu không có cơ quan độc lập mà cứ ngồi với nhau thế này thì câu chuyện tái cơ cấu sẽ còn phải nhắc đi nhắc lại trong nhiều năm nữa”. 

Trong khi đó, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, nên đặt chỉ tiêu mức tăng trưởng bình quân trong 2 năm khoảng 6%, không nên nóng vội thúc đẩy tổng cầu thị trường bằng mọi cách. Bởi lẽ, nếu tái lạm phát cao lại thì tình hình sẽ nghiêm trọng hơn. Hai năm tới, lạm phát cần khống chế ở mức khoảng 7%.

Rõ ràng, việc phục hồi kinh tế trong năm tới là vấn đề nan giải, việc tăng lương không thể đặt ra. Không những vậy, vừa rồi Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ năm tới không những không tăng mà còn giảm lương về mốc 2012 để bù lỗ hổng ngân sách. Tất nhiên, kiến nghị này không được Chính phủ chấp thuận.

Ngân sách eo hẹp, nguồn thu năm 2013 giảm tới hơn 63 nghìn tỷ đồng.

Trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày trước Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội năm 2013, khẳng định: “Nhìn lại việc thực hiện kế hoạch năm 2013, trong 15 chỉ tiêu được Quốc hội thông qua, có 11 chỉ tiêu ước đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt và 2 chỉ tiêu không đạt. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và phải tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng an ninh, đạt được kết quả nêu trên là cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân”

Đăng Minh
.
.
.