Ngăn chặn các hành vi lợi dụng việc nhận con nuôi

Thứ Ba, 03/11/2009, 00:30
"Nuôi con nuôi là hiện tượng xã hội xảy ra ở các quốc gia và đều được pháp luật các nước điều chỉnh. Ở nước ta, nuôi con nuôi là một vấn đề mang tính nhân đạo, được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc" - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường giải thích về dự án Luật Nuôi con nuôi, trình Quốc hội sáng 2/11.

Nuôi con nuôi mang ý nghĩa nhân đạo

Bộ Tư pháp viện dẫn, trong hoàn cảnh đất nước còn phải chịu những di chứng nặng nề của chiến tranh, điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, mức thu nhập của nhân dân còn thấp, nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần có mái ấm gia đình thì vấn đề nuôi con nuôi càng trở nên cấp thiết trong đời sống xã hội. Bên cạnh ý nghĩa tạo mái ấm gia đình cho trẻ em, việc nuôi con nuôi còn góp phần đáp ứng nhu cầu chính đáng của vợ chồng nhận con nuôi, nhất là những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm con, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, sống đơn thân.

Đại biểu thảo luận tại hội trường.

Nhiều vấn đề liên quan đến quyền nuôi con nuôi, quyền được nhận làm con nuôi của cá nhân được khẳng định trong Bộ luật Dân sự chưa được quy định đầy đủ.

Hoạt động quản lý nhà nước đối với lĩnh vực nuôi con nuôi trong thời gian qua cũng còn nhiều hạn chế: Hiện còn có xu hướng chạy theo lợi ích vật chất trong việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài, hiện tượng lợi dụng việc làm con nuôi để hưởng quyền lợi, chế độ, chính sách của Nhà nước cũng đã xảy ra.

Còn 200 nghìn trẻ em mồ côi không nơi nương tựa

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước vẫn còn nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó trên 200 nghìn trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật, hàng vạn trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, nhiễm HIV/AIDS, mắc bệnh hiểm nghèo cần được chăm sóc, chữa trị. Nhà nước chưa có đủ điều kiện để bảo đảm cho trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng, chữa trị thì việc cho trẻ em làm con nuôi được coi là biện pháp thay thế có ý nghĩa hết sức quan trọng. Số lượng trẻ em được nhận làm con nuôi còn rất ít so với số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần mái ấm gia đình. Trong những năm qua (2003 - 2009) chỉ có khoảng 20 nghìn trẻ em được nhận làm con nuôi (trên 13 nghìn trong nước và trên 6 nghìn trẻ em ở nước ngoài).

Đáng chú ý, về hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi, dự thảo luật cơ bản vẫn bảo đảm kế thừa các quy định hiện hành về hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi. "Con nuôi có quyền được biết về nguồn gốc của mình khi đến tuổi trưởng thành. Trường hợp làm con nuôi ở nước ngoài thì con nuôi vẫn được cha mẹ nuôi tạo điều kiện để trở về thăm quê hương đất nước và tìm lại cội nguồn nơi đã sinh ra" - Bộ trưởng Hà Hùng Cường lý giải.

Cơ sở nuôi dưỡng không trực tiếp tham gia giới thiệu trẻ em làm con nuôi

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đề nghị bỏ những quy định về trách nhiệm của Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan giới thiệu trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài.

Theo đó, một Hội đồng tư vấn do Giám đốc Sở Tư pháp làm Chủ tịch, các thành viên gồm đại diện Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế… để tư vấn cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định việc cho trẻ em làm con nuôi.

Bộ Tư pháp tập trung làm tốt chức năng quản lý nhà nước thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra việc thực hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật. "Cơ sở nuôi dưỡng không trực tiếp tham gia vào việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi mà chỉ tham gia hỗ trợ, hoàn tất các thủ tục cần thiết cho việc giới thiệu trẻ và được tiếp nhận viện trợ từ thiện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để phục vụ việc nuôi dưỡng trẻ em tại cơ sở" - Chủ nhiệm  Nguyễn Văn Thuận đề nghị.

Ông Nguyễn Văn Bình, quyền Cục trưởng Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) cho rằng, nên thành lập Hội đồng Trung ương xem xét việc ghép trẻ để đưa ra các ý kiến tư vấn khách quan, tiêu chí để tách việc ghép và quyết định cho trẻ làm con nuôi. Người phụ trách trung tâm nuôi dưỡng là các đầu mối khác nhau trực tiếp ghép trẻ, còn các cơ quan chức năng chỉ hoàn tất thủ tục

Trường - Tuấn
.
.
.