Tại buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son:

Nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức người làm báo

Thứ Tư, 13/06/2012, 08:11
Ngày 12/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã có buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Nội dung mà buổi đối thoại đề cập đến chủ yếu tập trung vào các vấn đề nổi cộm của hoạt động báo chí hiện nay như vai trò của báo chí đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí và làm thế nào để có thể quản lý tốt loại hình báo chí điện tử.

Trả lời câu hỏi của độc giả liên quan đến vị trí, vai trò cũng như những đóng góp của báo chí đối với đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định: Trong những năm qua, báo chí luôn bám sát mục tiêu, tôn chỉ, đường lối chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các giải pháp định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ. Trong quá trình đó, báo chí đặc biệt đi sâu phản ánh tình hình phát triển kinh tế xã hội, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, cùng cả nước vượt qua những khó khăn, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, vào những lúc tình hình biên giới biển đảo diễn biến phức tạp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, báo chí cũng đã vào cuộc nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn môi trường hòa bình trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và công ước LHQ, DOC…

Báo chí cũng đã dành nhiều tin bài về gương người tốt, việc tốt, đẩy mạnh học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Báo chí đấu tranh với luận điệu của những thế lực thù địch, bảo vệ thành quả cách mạng, chống những hiện tượng thoái hóa, biến chất, tự diễn biến trong cán bộ đảng viên và nhân dân, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh. Ngoài ra, báo chí cũng đã kịp thời đưa những thông tin mới về phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của các nước đến Việt Nam, đồng thời giúp cho kiều bào và bạn bè quốc tế hiểu hơn về quan điểm, thành tựu phát triển, nền văn hóa Việt Nam, vun đắp tình hữu nghị với các nước.

Bên cạnh việc khẳng định vai trò của báo chí đối với đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là việc vẫn còn một số báo, đặc biệt là phụ trương có tin bài không đúng tôn chỉ mục đích báo chí. Hoặc có hiện tượng viết sai sự thật, ảnh hưởng tới uy tín cá nhân, doanh nghiệp, địa phương. Cũng có một số ít tờ báo đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật, vi phạm đạo đức người làm báo. Trong hoạt động báo chí cũng đã xảy ra hiện tượng không mong muốn. Đó là có những nhà báo vì lợi ích trước mắt, lợi ích cục bộ dẫn tới hành vi sai phạm và đã bị xử lý. Cụ thể, trong năm 2008, Bộ TT&TT đã thu thẻ 15 nhà báo, trong đó có Tổng Biên tập, Phó Tổng biên tập. Năm 2010 đã xử phạt 51 trường hợp, phạt tiền 254,5 triệu đồng, thu hồi 4 thẻ nhà báo… Mặc dù đây là số vi phạm rất ít trong 17.000 nhà báo được cấp thẻ nhưng con số đó cũng là đáng buồn.

Trả lời câu hỏi của độc giả về việc trong vấn đề quản lý Nhà nước về báo chí hiện nay thì loại hình nào khiến các nhà quản lý đau đầu nhất, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết: Hiện nay, báo chí có đầy đủ loại hình: báo in, báo hình, báo nói là những báo truyền thống đã có từ lâu. Cho nên, công tác quản lý nhà nước, chế tài về báo in, báo nói, báo hình chúng ta đã có và tương đối thuần thục trong công tác quản lý nhà nước các cấp từ Bộ TT&TT đến Sở TT&TT các địa phương. Riêng báo điện tử phát triển rầm rộ từ cuối thập kỷ 90 đến nay khi Internet phát triển ở Việt Nam. Hiện chúng ta có tới 61 báo điện tử, 191 trang mạng xã hội và trên 1.000 trang thông tin điện tử. Việc quản lý báo điện tử khó khăn hơn cả vì đây là loại hình mới phát sinh, chế tài quản lý báo điện tử còn đang hoàn thiện. Báo điện tử cũng có những sai sótvà những sai sót này diễn ra hàng giờ, hàng phút, hàng giây. Muốn quản lý tốt thì phải bổ sung chế tài để quản lý báo in, báo hình, báo nói và đặc biệt là báo điện tử.

Bên cạnh đó, làm sao để tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức người làm báo, nâng cao trách nhiệm cơ quan quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, báo điện tử. Nâng cao trách nhiệm, ý thức, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo để tạo sức đề kháng cho người làm báo, nhất là phóng viên báo điện tử nhằm tránh sai sót, khuyết điểm. Và cuối cùng là phải thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm minh nếu để xảy ra sai phạm

Huyền Thanh
.
.
.