Muốn dự báo chính xác thời tiết nhưng khả năng có hạn

Thứ Tư, 19/11/2008, 10:05
“Chúng tôi rất muốn dự báo chính xác nhưng khả năng dự báo có hạn”, ông Bùi Văn Đức, Tổng Giám đốc Trung tâm dự báo KTTV quốc gia, nhận xét. Ông Đức cho biết, nguyên nhân của dự báo sai cơ bản là do yếu tố con người.
>> Hơn 1 tháng, 5 lần dự báo thời tiết sai

Báo CAND đã từng đề cập đến thực trạng và năng lực dự báo thời tiết còn yếu kém của ngành khí tượng thủy văn hiện nay. Tuy nhiên, cơn bão số 10 đổ bộ vào nước ta ngày 17/11 lại tiếp tục sớm hơn dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (TT DBKTTVTƯ)  1 ngày. Như vậy, chỉ trong 1 tháng rưỡi, đã có liên tiếp 5 lần dự báo sai.

Chiều 18/11, chúng tôi đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Bùi Văn Đức, Tổng Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia xung quanh vấn đề trên.

Phóng viên: Thưa ông, ông có thể nhận xét gì về dự báo của TTDBKTTVTƯ, đơn vị trực thuộc quản lý của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, thời gian vừa qua, sau 5 lần đưa ra các dự báo sai trong 1 tháng rưỡi qua, bắt đầu từ cơn bão số 7 gây nhiều thiệt hại nặng nề như vậy cho người dân, các ông có ý kiến gì "chia sẻ" với người dân?

Ông Bùi Văn Đức: Đúng là trong 1 tháng rưỡi vừa rồi chất lượng dự báo phải nói cũng có cái chưa được đảm bảo. Cái đó rất là đáng tiếc. Bản thân chúng tôi thực sự cũng thấy chưa hoàn thành nhiệm vụ. Nói ra câu này đau lắm nhưng phải nói với nhân dân và bà con là chúng tôi đã làm hết khả năng và trách nhiệm của mình và rất chia sẻ với thiệt hại của bà con, nhân dân. Sắp tới chúng tôi sẽ tăng cường lực lượng cho công tác dự báo, đặc biệt Trung tâm DBKTTVTƯ.

Phóng viên: Theo ông, việc dự báo không chính xác trong thời gian qua là do thiết bị hay do năng lực của người làm công tác dự báo?

Ông Bùi Văn Đức: Chúng tôi cho là nguyên nhân từ con người là cơ bản. Thủ tướng Chính phủ có nói dù kinh tế chúng ta còn khó khăn nhưng sẵn sàng đầu tư cho ngành khí tượng thủy văn nhưng chúng tôi đầu tư thế nào phải có hiệu quả, khai thác được thiết bị. Bây giờ mua về máy móc hiện đại mà không khai thác được hiệu quả gây lãng phí cho đất nước lại có tội, nên cần phải có lộ trình.

Phóng viên: Như vậy, theo ông là do yếu tố trình độ của các dự báo viên chưa đủ để có thể tiếp cận với công nghệ hiện đại hơn. Tuy nhiên, trong một số trận bão trước theo ghi nhận của chúng tôi, Viện Khí tượng Thủy văn đưa ra những bản tin dự báo chuẩn hơn so với Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn. Điều này được lý giải thế nào?

Ông Bùi Văn Đức: Cũng có những trận bão, Viện Khí tượng Thủy văn dự báo đúng, dự báo khá hơn Trung tâm chứ không phải lúc nào chúng tôi cũng dự báo đúng. Có nhiều lần Viện đúng mình sai và điều này chúng tôi không phủ nhận.

Điều này do bản tin dự báo không phải kết quả của một mô hình mà kết quả của nhiều mô hình được dùng để tham khảo cho bản tin dự báo. Hiện nay chúng tôi chạy 3 mô hình dự báo nhập của nước ngoài và tham khảo thêm các mô hình của các đài quốc tế. Độ chính xác của một mô hình chỉ đảm bảo được 60%, mô hình nào chuẩn thì đến 65% là cùng. Còn lại 35-40% là khả năng sai.

Chúng tôi rất muốn dự báo chính xác nhưng khả năng dự báo có hạn. Hiện nay lũ quét, giông tố, lốc chưa dự báo được. Bão thì dự báo tiến bộ hơn. Mưa định lượng thì gần như chưa dự báo được, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới chưa làm được.

Về dự báo mưa thì sắp tới phải thành lập 1 bộ phận chuyên trách để tích lũy kinh nghiệm trong dự báo mưa để phục vụ đầu tiên là cho dự báo thuỷ văn. Đây là bài toán chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu và kêu gọi các nhà khoa học tham gia nghiên cứu

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Ngọc Yến (thực hiện)
.
.
.