“Hiến pháp 2013 đi vào cuộc sống”:

Một số vấn đề về quyền bảo đảm an sinh xã hội của công dân trong Hiến pháp 2013

Chủ Nhật, 20/07/2014, 09:43
Theo định nghĩa của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), an sinh xã hội là sự cung cấp phúc lợi cho các hộ gia đình và cá nhân thông qua cơ chế của Nhà nước hoặc tập thể nhằm ngăn chặn sự suy giảm mức sống hoặc cải thiện mức sống thấp. Tại Hội nghị trù bị về an sinh xã hội ASEAN năm 2001 đã đưa ra một khái niệm theo nghĩa rộng hơn, theo đó, chính sách an sinh xã hội bao gồm chính sách thị trường lao động và việc làm, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chính sách trợ giúp xã hội và chương trình lưới an toàn xã hội.

Là một văn kiện đặc biệt quan trọng, phản ánh ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, tạo cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc cho công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới, Hiến pháp 2013 đã quy định về hệ thống quyền an sinh xã hội của công dân như một mạng lưới, có các tầng nấc để bảo đảm mọi thành viên trong xã hội đều nằm trong diện bao phủ của mạng lưới này.

Theo đó, hệ thống chính sách pháp luật về an sinh xã hội ở nước ta được thực hiện theo ba nhóm chính sách cụ thể, đó là: nhóm chính sách phòng ngừa rủi ro, tập trung vào việc làm bền vững, với 3 yếu tố chủ yếu là có tay nghề, thu nhập hợp lý (mức làm phải đúng với mức hưởng) và an toàn (có nhiều yếu tố để bảo đảm an toàn, như người lao động thất nghiệp có bảo hiểm thất nghiệp, người lao động ốm đau có bảo hiểm y tế...); nhóm chính sách giảm thiểu rủi ro, gồm hai trụ cột là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế; và cuối cùng là nhóm chính sách khắc phục rủi ro, bao gồm chính sách trợ cấp xã hội.

Việc ghi nhận quyền được bảo đảm an sinh xã hội của công dân trong Hiến pháp (Điều 34) đã thêm một lần nữa khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Quy định này thể hiện một bước phát triển mới trong việc bảo đảm thực hiện các quyền công dân của Nhà nước và là cơ sở hiến định để Nhà nước xây dựng một hệ thống duy trì thu nhập do Nhà nước quản lý nhằm bảo đảm cho công dân được hưởng quyền về an sinh xã hội, bảo đảm cho công dân có được thu nhập tối thiểu nhằm thoát khỏi tình trạng nghèo đói khi không có việc làm hoặc không có thu nhập.

Trong lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội, Hiến pháp 2013 đã ghi nhận nhiều nội dung mới có tính nguyên tắc như: mọi người đều có quyền bình đẳng trước pháp luật; không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội (Điều 16)….. Cùng với đó, tại Điều 35, Hiến pháp quy định về quyền lao động, quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc, quyền của công dân và trách nhiệm của Nhà nước trong việc khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định (Điều 57)… 

Một nội dung nữa cần lưu ý là, Hiến pháp năm 2013 còn quy định rõ và cụ thể về trách nhiệm của các bên liên quan (như Nhà nước, người sử dụng lao động) trong việc bảo đảm cho công dân có điều kiện thực hiện được đầy đủ quyền của mình và vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, thị trường đối với vấn đề lao động, việc làm, tiền lương và an toàn vệ sinh lao động. Nhà nước có chính sách khuyến khích và phát huy vai trò của các chủ thể kinh tế trong kinh tế thị trường, đột phá vào phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp, tạo động lực mới cho tăng trưởng với chất lượng cao hơn, nhằm giải phóng triệt để sức lao động, đột phá vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Có thể nói, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân, là sự kết tinh của tinh thần dân chủ, đổi mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền trong thời kỳ mới. Việc hiến định, hiện thực hóa quyền con người, quyền công dân và quyền được bảo đảm an sinh xã hội của công dân trong Hiến pháp 2013 là sự tiếp nối, kế thừa các bản Hiến pháp trước đây, đồng thời, chuyển hóa sâu sắc nhiều nội dung, tinh thần các Công ước quốc tế về quyền chính trị, dân sự, quyền kinh tế, văn hóa, nhân quyền…; tạo nền tảng pháp lý cao nhất bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân được thực hiện, đáp ứng mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"

Ths. Hoàng Trung Thông
.
.
.