Một người làm quan, cả họ “nhà nghèo”
Đã hai tháng, kể từ Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, song ở xã Dũng Tiến, Vĩnh Bảo, Hải Phòng những ngày này, dư âm về những sai phạm của một số cán bộ xã trong xét duyệt và cấp tiền hỗ trợ Tết cho người nghèo tại địa phương này dường như vẫn còn rất… "nóng".
Hộ nghèo “chờ xét”
Bận cấy vụ lúa chiêm, nhưng khi được tin nhóm PV chúng tôi về làm việc, bà con cụm 3 An Bồ tập trung rất đông để trình bày những bức xúc. Trong căn nhà tuềnh toàng của mình, chị Phạm Thị Vi bày tỏ: Nhà chị chỉ có hai mẹ con. Mọi năm, gia đình vẫn có tên trong danh sách hộ nghèo của xã, nhưng năm nay không thấy có tiền trợ cấp của Chính phủ và thành phố.
Với 2 nhân khẩu, lẽ ra gia đình chị phải được 200.000 đồng/nhân khẩu cộng với 100.000 đồng của UBND thành phố, song họ chỉ được cấp phát 200.000 đồng. Chị Vi giải thích thêm, biết nhà nước có chủ trương hỗ trợ cho người nghèo đón Tết, chị có hỏi anh Bùi Văn Hoạt (cụm trưởng cụm 3 An Bồ).
Về trường hợp của chị thì được anh Hoạt trả lời ráo hoảnh: "Còn chờ xét". Thậm chí còn thách thức: "Bà có giỏi thì đi mà kiện". Nhưng rồi, chẳng biết nghĩ thế nào, 28 Tết anh ta bảo chị Vi đến lĩnh 200.000 đồng.
Người dân nghèo quanh năm chỉ lo làm ăn, cũng chẳng biết nơi đâu mà kiến nghị nên một số cán bộ xã liên quan tới việc này càng hống hách, cửa quyền. Gia đình chị Trần Thị Thìn có 5 nhân khẩu, chồng bị bệnh động kinh, đứa con đầu lòng bị tật nguyền cho biết: Hằng năm, nhà chị vẫn nằm trong danh sách hộ nghèo, nhưng sợ Tết này bị đưa ra khỏi danh sách nên có đề nghị trước với anh Hoạt nhưng anh này đốp thẳng: "Tôi thích cắt là tôi cắt, nay tôi làm, mai tôi nghỉ cũng được".
Trước sự phản ứng mạnh mẽ, cuối cùng anh Hoạt cũng đưa cho gia đình chị Thìn 300 ngàn đồng. Ngoài những hộ trên, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, còn rất nhiều hộ như hộ ông Lã Viết Khâm, bà Phạm Thị Nguyệt… ở cụm 3, thôn An Bồ cũng có những bức xúc tương tự.
Rời cụm 3, theo sự chỉ dẫn, nhóm PV chúng tôi tìm đến nhà chị Phạm Thị Quyến, hộ nghèo cụm 1, thôn Đồng Quan cùng xã. Chị Quyến than vãn: Tới tận 30 Tết, chị mới biết nhà nước và thành phố có chủ trương hỗ trợ tiền cho người nghèo.
Cùng một số người tìm đến nhà ông Trịnh Đức Đình (Bí thư chi bộ thôn) để trình bày. Trước bức xúc của những người này, ông Đình nói: "Tôi chắp tay lạy các bác, các bác để qua Tết rồi xử lý". Nhưng khi chị Quyến đề nghị ông Đình ký vào giấy hẹn ngày lĩnh tiền thì ông không ký.
"Một người làm quan"…
Một nghịch lý: Do có tiền hỗ trợ của Chính phủ, nên danh sách các hộ nghèo trong xã Dũng Tiến đã có sự thay đổi. Ông Phạm Văn Chính và đại diện một số hộ ở cụm 1 có cùng ý kiến: Đáng lý, việc bình bầu, xét hộ nghèo, chính quyền cơ sở phải báo cho bà con tham gia. Đằng này, các cán bộ thôn xã tự làm với nhau. Bây giờ, chúng tôi chẳng rõ ai nằm trong hộ nghèo, ai không nữa.
Các chị Vi, Thìn, ở cụm 3 An Bồ còn cho biết thêm: Người nhà của ông cụm trưởng có điều kiện kinh tế hơn họ, song vẫn nằm trong danh sách "hộ nghèo" như bà Lã Thị Nhanh, mẹ đẻ anh Hoạt; bà Phạm Thị Tính, mẹ vợ; anh Bùi Văn Thám, anh vợ; anh Bùi Văn Trường, em trai…
Ngoài ra, còn có trường hợp ông Phạm Trung Tỏa cũng ở cụm 3 là một trong số hộ được nhận quà Tết dành cho người nghèo. Nhưng tự xét thấy nhà mình thuộc diện còn có chút của ăn, của để nên khi được phát quà ông từ chối không nhận để dành cho những hộ khó khăn. Cũng chẳng phải chỉ ở cụm 1 Đồng Quan; cụm 3 An Bồ, mà theo một số người dân xã Dũng Tiến (không thuộc diện nghèo) thì tình trạng này đã mang tính chất "dây chuyền".
Theo địa chỉ trên, PV đã tìm đến những hộ là người thân của các cán bộ xã Dũng Tiến được xếp vào loại hộ nghèo. Thật đáng tiếc, hầu hết những hộ nằm trong diện nghèo khống này, đều có thu nhập một tháng hơn 1 triệu đồng. Cá biệt, có hộ xây nhà cao tầng.
Vậy nhưng khi trả lời chúng tôi vẫn ông Phạm Trung Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Dũng Tiến khẳng định đã làm đúng chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, khi buộc phải giải thích về việc cắt bớt tiền trợ cấp của Chính phủ và thành phố, ông cho rằng: Hộ nghèo vẫn được nhận tiền, nhưng với tinh thần "lá lành đùm lá rách", bà con cũng đồng ý trích số tiền 100.000 đồng của thành phố hỗ trợ các hộ… cận nghèo nên mới làm như thế. Rõ ràng, đây là một câu trả lời hết sức ngụy biện.
Riêng Trưởng phòng Lao động - Thương binh huyện Vĩnh Bảo, ông Nguyễn Đình Duy thì khẳng định: "Xã Dũng Tiến có 2.300 hộ, trong đó có 207 hộ nghèo. Nếu chính quyền địa phương làm sai, các cán bộ phải trả lại sự công bằng cho người nghèo".
Chủ trương Chính phủ về hỗ trợ cho các hộ nghèo trong dịp Tết Nguyên đán có ý nghĩa rất quan trọng, liên quan đến an sinh xã hội, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, nhà nước ta đối với mỗi người dân. Những việc làm sai trái xà xẻo tiền hỗ trợ Tết cho người nghèo ở xã Dũng Tiến, Vĩnh Bảo cũng như ở một số địa phương khác cần phải được xử lý nghiêm minh và giải quyết dứt điểm