Mở rộng Hà Nội, thêm cơ hội bảo tồn, phát triển kinh tế và văn hóa

Thứ Tư, 28/05/2008, 15:01
"Khi Hà Tây, Mê Linh về Thủ đô, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước vẫn tiếp tục được thực hiện, điều kiện đầu tư của Hà Nội sẽ thuận lợi hơn, chắn chắn Thủ đô sẽ phát huy cao các giá trị văn hóa trên toàn lãnh thổ phong phú, đa dạng, đủ sắc màu, làm cho văn hóa mỗi vùng quê dân tộc được phát huy, thống nhất trong văn hóa đa dạng và đa sắc màu của Thủ đô..." - Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhận định.

Theo dự kiến, ngày 29/5 Quốc hội sẽ xem xét biểu quyết về việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội theo tờ trình của Chính phủ, sau khi nghe Thủ tướng giải trình thêm về một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội còn băn khoăn.

Một trong những băn khoăn của đại biểu Quốc hội là nền văn hóa, văn hiến nghìn năm của Thăng Long- Hà Nội có bị phai nhạt khi địa giới hành chính mở rộng tới 3,6 lần? Liệu Văn hóa Tràng An của Hà Nội xưa và Văn hóa xứ Đoài của Hà Tây có bị pha trộn, ảnh hưởng? Những di tích có bị quên lãng?...

Dưới đây, chúng tôi xin dẫn những phân tích, bình luận của các nhà quản lý, nhà chuyên môn về vấn đề này nhằm cung cấp cho bạn đọc thêm thông tin, góc nhìn khách quan về sự việc.

Trước một quyết định mang tính lịch sử như việc sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây vào Hà Nội, những băn khoăn đặt ra về việc liệu rằng văn hóa quê lụa, thôn Đoài, các di tích lịch sử sẽ bị mai một xuống cấp?… là những nỗi niềm có thể hiểu được và đó chính là tâm tư của những người tâm huyết với văn hóa, văn hiến của dân tộc.

Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo đầu ngành Thông tin - Truyền thông - Bộ trưởng Lê Doãn Hợp thì không nên quá lo ngại về vấn đề này. Bởi, văn hóa truyền thống luôn luôn gắn liền với con người và vùng đất nơi sản sinh ra nó và sẽ tiếp tục được giữ gìn, nâng cấp, tôn vinh bắt đầu từ mỗi gia đình, dòng họ, làng quê, thôn xóm, văn hóa mà không lệ thuộc nhiều vào không gian và đơn vị hành chính.

Nếu có lệ thuộc thì chỉ có sự lệ thuộc chung nhất vào nguồn lực tài chính và chủ trương đầu tư, mà chủ trương giữ gìn, tôn tạo, nâng cấp các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Đảng và Nhà nước ta thì đã quá rõ ràng; trên thực tế đã được tổ chức thực hiện, đem lại nhiều kết quả thiết thực.

"Vì vậy khi Hà Tây, Mê Linh về Thủ đô, ngoài chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước vẫn tiếp tục được thực hiện, điều kiện đầu tư của Hà Nội sẽ thuận lợi hơn, chắn chắn Thủ đô sẽ phát huy cao các giá trị văn hóa trên toàn lãnh thổ phong phú, đa dạng, đủ sắc màu, làm cho văn hóa mỗi vùng quê dân tộc được phát huy, thống nhất trong văn hóa đa dạng và đa sắc màu của Thủ đô. Trên thực tế, đơn vị hành chính bao hàm được nhiều giá trị văn hóa truyền thống, thì đơn vị hành chính đó sẽ có cơ sở và nền tảng để phát huy nền văn hóa đa dạng, phong phú và hấp dẫn hơn nhiều" - Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhận định.

Về ý kiến cho rằng, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội bao hàm thêm nhiều dân tộc thiểu số, sẽ làm cho dân trí Thủ đô "tụt hạng", theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, băn khoăn này chỉ có lý khi đặt nó trong giới hạn tĩnh và tức thời, nhưng lại thiếu thuyết phục về mặt khách quan khi xã hội vận động tích cực, với sự quản lý của Nhà nước.

"Thủ đô là của cả nước, của 54 dân tộc anh em. Dân tộc nào được làm công dân của Thủ đô cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm và vinh dự". Theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, vấn đề đặt ra cho Thủ đô của mọi quốc gia là phải dày công kiên nhẫn xây dựng nếp sống văn hóa mới, nâng cao dân trí, thay đổi nếp nghĩ, lối sống cách làm cho phù hợp với văn minh đô thị. Qua vận động của lịch sử cho thấy, Thủ đô Hà Nội dần thêm đa dạng phong phú, không chỉ ở trong văn hóa mà cả ở trong dân tộc và tôn giáo; trở thành Thủ đô biểu tượng của hòa bình, tình hữu nghị, đoàn kết của đồng bào, đồng chí cả nước, được cả thế giới ghi nhận.

Cùng chung suy nghĩ này, TS. Hoàng Hữu Phê, một chuyên gia ngành đô thị nước ta cũng cho rằng: Điều tưởng như nghịch lý là các giá trị văn hóa đặc thù, càng được đưa ra thể nghiệm thưởng thức rộng rãi thì càng có cơ hội bảo tồn và phát triển lâu dài và bền vững hơn, chứ không phải mai một đi. Các làng nghề và màu mây trắng xứ Đoài nổi tiếng sẽ không thể biến mất trong tâm trí người dân Hà Nội mở rộng trong tương lai.

Vì sao lại có thể lạc quan như vậy? Theo TS. Hoàng Hữu Phê, bản sắc văn hóa cần được bảo tồn bao gồm các yếu tố vật thể và phi vật thể. Đối với các yếu tố phi vật thể, trách nhiệm chính của việc bảo tồn và phát huy đặt lên vai ngành Văn hóa, những người thực hiện vai trò Mạnh Thường Quân, và các nghệ sĩ/nghệ nhân.

Tuy nhiên, phương thức phát triển của một đô thị cũng sẽ có ảnh hưởng vô cùng quan trọng: Các không gian giao tiếp, các cơ sở dành cho biểu diễn/thưởng thức sẽ phải là một phần hữu cơ của hạ tầng xã hội. Lấy ví dụ ngay gần đây, không có một khu Trung tâm hội nghị rộng rãi như ở Mỹ Đình thì các hoạt động văn hóa - tín ngưỡng như lễ hội Vesak khó có thể thành công như ta thấy.

"Trong việc bảo tồn từ các cảnh quan lịch sử cho đến các sản phẩm văn hóa đặc thù, vai trò và trách nhiệm của nhà quy hoạch và phát triển đô thị không bao giờ được xem nhẹ. Ai hay đi làm qua khu vực Chùa Bộc chắc cũng phải bâng khuâng như tôi về sự biến mất không rõ nguyên nhân của một đầm hoa súng đẹp như trong tiên cảnh. Và câu chuyện về đào Nhật Tân vẫn còn đó như ví dụ về sự đánh đổi khó khăn giữa văn hóa và phát triển. Đến quê của cốm Vòng chỉ thấy đường trải nhựa và húng Láng đến một ngày nào đó chỉ có thể còn thấy trồng trong các bồn hoa trên ban công hay sân thượng" - TS. Hoàng Hữu Phê dẫn chứng về những thiệt hại không thể đo đếm từ sự đánh đổi giành giật giữa văn hóa và phát triển.

Sức ép đô thị ở Hà Nội hiện đang quá lớn

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Phó trưởng Đoàn Đại biểu QH TP Hà Nội (nguyên Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội), thì vấn đề cơ cấu đô thị đã bộc lộ bất hợp lý.

Nhiều khu, cụm công nghiệp đã sản xuất từ thời bao cấp vẫn còn tồn tại, đan xen trong nội thành rất cần được di dời, sắp xếp lại. Hiện có khoảng 96.633 doanh nghiệp đóng trên địa bàn và giải quyết việc làm cho gần 1 triệu lao động; các khu công nghiệp, đô thị mới của các tỉnh giáp ranh với Hà Nội cũng phát triển rất nhanh, nhưng thiếu quy hoạch, liên kết chung dẫn đến các cửa ngõ ra vào thủ đô ngày càng bị khép chặt và gây ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.

Ở Hà Nội hiện có 188 trường đại học, cao đẳng, trung cấp dạy nghề với gần 56 vạn học sinh, sinh viên chưa tính đến học sinh phổ thông. Nhưng hầu hết các trường đại học và cơ sở giáo dục đào tạo với những hạ tầng yếu kém và diện tích chật hẹp không đáp ứng yêu cầu của giáo dục đào tạo, vai trò trung tâm giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn.

Về y tế, trên địa bàn Hà Nội có 67 bệnh viện với 10.900 giường bệnh. Hàng ngày số bệnh nhân đến khám chữa bệnh phải lưu trú bình quân khoảng 30.000 trường hợp, chưa kể số người nhà bệnh nhân đi theo thăm nuôi và mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu sức ép khám chữa bệnh ngày càng lớn.

Còn các khu đô thị cũ từ thời bao cấp đã 40-50 năm với hạ tầng yếu kém, mật độ dân cư dày đặc đang đòi hỏi phải tái thiết, mở rộng và kéo dãn ra bên ngoài. Tính đến năm 2006, mật độ dân số của Hà Nội là 3618 người/1km2, thuộc loại cao nhất và gấp 13,5 lần trung bình cả nước.

Theo bà Hồng Hà, Thủ đô Hà Nội đang phải chịu sức ép lớn về hạ tầng kỹ thuật đô thị và xã hội. Dân nhập cư tự do ở Hà Nội hiện nay khoảng hơn 50 vạn người, gấp 10 lần so với tăng tự nhiên, chưa kể số lao động nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đang sống ở Hà Nội.

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy mô dân số của Thủ đô dự kiến đến năm 2010 mới là 3,3 triệu người, nhưng đến tháng 12 năm 2007 thì dân số Thủ đô đã là 3.457.424 người.

Đất nước thống nhất đã trên 30 năm nhưng các trụ sở, cơ quan Trung ương và thành phố phần lớn được xây dựng từ thời Pháp để lại tuy nay đã được cải tạo và xây mới một phần, nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu của trung tâm chính trị, hành chính quốc gia.

"Nhu cầu phải quy hoạch, xây dựng và từng bước di dời các cơ quan hành chính của Trung ương và Hà Nội ra ngoài nội thành là rất cần thiết và phải làm sớm. Trong khi đó, quỹ đất hiện nay của thành phố không đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển, nhằm khắc phục những bất cập và triển khai thực hiện những định hướng theo quy hoạch vùng Thủ đô mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt" - bà Nguyễn Thị Hồng Hà khẳng định. 
                                                                                           
PV

Nhóm PV
.
.
.