Kỷ niệm 60 năm trường học sinh miền Nam trên đất Bắc:

Mô hình giáo dục thành công của nền giáo dục đào tạo cách mạng

Thứ Hai, 15/12/2014, 01:55
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là một trong những mô hình giáo dục thành công nhất của nền giáo dục đào tạo cách mạng của nước ta.

Sáng 14/12, tại Hà Nội, Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương phối hợp với TP Hà Nội và Bộ GD&ĐT tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm trường học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954-2014).

Đến dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư TW Đảng, Chánh án TAND tối cao; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cùng các tướng lĩnh, đại diện các bộ, ban, ngành, các địa phương có trường học sinh miền Nam. Tới dự lễ kỷ niệm còn có hơn 600 thầy cô nguyên là giáo viên các trường nuôi dạy học sinh miền Nam trên đất Bắc và gần 3.000 học sinh miền Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Cách đây vừa tròn 60 năm, sau Hiệp định Geneve, thực hiện chủ trương của Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ, hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đã được thành lập. Chỉ trong 21 năm (1954-1975) đã có hơn 32.000 con em cán bộ cách mạng ở miền Nam đã được đưa ra miền Bắc để nuôi dạy, đào tạo phục vụ cho sự nghiệp giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước. Đây là một chủ trương lớn, rất sáng tạo được Bác Hồ đặc biệt quan tâm. Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục đã chọn cả "một thế hệ vàng" những thầy giáo, cô giáo, cán bộ, nhân viên đầy tâm huyết, với trình độ chuyên môn cao phục vụ việc nuôi - dạy - đào tạo con em miền Nam với quyết tâm "Tất cả vì học sinh thân yêu".

Hơn 32.000 học sinh đã được học tập, rèn luyện và trưởng thành từ các trường học sinh miền Nam, có những đóng góp hết sức xứng đáng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc với tinh thần xả thân vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì Đảng và lý tưởng cách mạng cao đẹp.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là một trang sử vẻ vang trong lịch sử giáo dục của nước nhà; là một trong những mô hình giáo dục thành công nhất của nền giáo dục đào tạo cách mạng của nước ta. Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng vẫn có chất lượng giáo dục đặc biệt, đã cung cấp cho đất nước đội ngũ cán bộ đông đảo với chất lượng cao. Nhiều người được nuôi dạy ở các trường học sinh miền Nam đã tham gia trực tiếp vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Nhiều người đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Khi đất nước thống nhất, phần lớn học sinh miền Nam trở về quê hương, có những đóng góp tích cực xây dựng quê hương, xây dựng Tổ quốc. Rất nhiều người trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể ở Trung ương và lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh, thành phố trong cả nước; các tướng lĩnh Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; những nhà khoa học, giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ, kỹ sư; các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sỹ, nghệ sỹ có tên tuổi, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn… Các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là biểu tượng đẹp đẽ của tình Bắc - Nam ruột thịt, “con một cha, nhà một nóc”.

“Dù giữ cương vị nào, những cán bộ được nuôi, dạy, đào tạo trong hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đều trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, sống có lý tưởng, xả thân vì nghĩa lớn, kính trọng mang ơn người thầy và nặng nghĩa tình với nhân dân miền Bắc” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước đề nghị, Bộ GD & ĐT cần nghiên cứu kỹ những thành công của các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, để tiếp tục phát triển sự nghiệp giáo dục của đất nước. Chủ tịch mong muốn, các thầy giáo, cô giáo, các cựu học sinh miền Nam với tâm huyết và kinh nghiệm của mình tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước…

Đã 39 năm, kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước non sông liền một dải, nhiều cựu học sinh miền Nam mới có dịp trở lại đất Bắc, ai cũng bùi ngùi, xúc động. Bác Đỗ Văn Nghinh, 70 tuổi, hiện nghỉ hưu và sinh sống ở TP Hồ Chí Minh nhớ mãi năm 1955, ngày đầu cậu bé xứ Huế được tập kết ra Bắc, học lớp ở Hà Đông, rồi đến năm lớp 2, lớp 3 được cử sang khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc); rồi lớp 4, lớp 5 lại quay về nước học ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Sau ông tốt nghiệp ĐH Bách Khoa rồi công tác ở Viện thiết kế của Bộ Cơ khí luyện kim. 

“Hôm nay được ở Thủ đô Hà Nội, vào thăm lăng Bác Hồ, được gặp lại những người thầy, cô; những đồng bào miền Bắc đã cưu mang mình của mấy chục năm trước, nước mắt tôi cứ trào ra vì xúc động”, ông Nghinh nói trong xúc động. Những kỷ niệm xưa lại ùa về. Nhớ  những mùa đông rét cắt da, cắt thịt, thấy học sinh miền Nam chưa có áo ấm, nhiều đồng bào đã nhường manh áo ấm của mình cho học sinh miền Nam. “Đồng bào miền Bắc đã chăm lo và coi chúng tôi như con em ruột thịt trong gia đình”, ông Nghinh nói.

Các thầy cô giáo và đại biểu dự lễ kỷ niệm.

Còn cô Nguyễn Thu Nga năm nay 63 tuổi. Năm 1968 ra Hà Nội học lớp 1. Gần bốn mươi năm nay, giờ mới lại được trở lại Thủ đô, cô vô cùng hạnh phúc và xúc động. “Làm sao kể hết những tình cảm mà bà con miền Bắc dành cho chúng tôi những năm tháng gian khó ấy. Nhất là những ngày Tết, thương lũ học trò sớm phải xa gia đình, dù rất nghèo và khó khăn nhưng đồng bào vẫn ưu ái sẽ chia cho chúng tôi từng cái bánh chưng, bát chè, đĩa xôi để có cái Tết đầm ấm, no đủ”-bà Nga nói. Hơn 30 năm mới được trở lại thăm Thủ đô, cô Lê Thị Ánh Nguyệt, năm nay 57 tuổi, là giáo viên ở tỉnh Tây Ninh đã nghỉ hưu, vô cùng hạnh phúc chia sẻ: “Hôm trước tôi về thăm trường, dù cảnh cũ, người xưa đã nhiều thay đổi nhưng tôi vẫn không thể kìm được nước mắt vì xúc động. Ngay sau lễ kỷ niệm này, tôi và vài người bạn sẽ trở lại Vĩnh Phúc để thăm lại các cô, các chú đã cưu mang mình năm xưa”.

Trao đổi với phóng viên báo chí, ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, Trưởng Ban liên lạc Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc luôn tự hào vì được đào tạo trong mô hình giáo dục toàn diện: Đức-Trí-Thể-Mỹ, đề cao nhân cách con người đã tôi luyện ra một thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc luôn sống trung thực, nghĩa tình và tận trung với Đảng.

Còn GS.TS Lê Du Phong, nguyên quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trưởng Ban tổ chức Lễ kỷ niệm thì khẳng định những thế hệ cựu học sinh miền Nam không bao giờ có thể quên những công ơn to lớn của đồng bào miền Bắc đối với miền Nam cũng như đối với sự nuôi dạy các thế hệ học sinh miền Nam.

PV
.
.
.