Lúng túng trong quy định, nhiều loại phí chồng lên nhau

Thứ Năm, 18/06/2015, 21:30
Ngày 18/6, thảo luận tại hội trường về Luật phí, lệ phí, các đại biểu tiếp tục đề cập đến những vấn đề cử tri quan tâm như danh mục phí, lệ phí; tình trạng “phí chồng phí”; những bất cập trong chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí…

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nêu quan điểm, Luật cần loại bỏ các khoản phí, lệ phí không cần thiết để giảm bớt gánh nặng, góp phần nâng cao mức sống cho người dân, vì hiện nay đang tồn tại nhiều loại phí rất bất hợp lý và gây trở ngại cho sự phát triển của xã hội.

Ông nhắc lại ví dụ về câu chuyện con gà từ lúc nuôi đến lúc giết thịt phải chịu 14 loại phí đã được Chủ tịch Quốc hội và 2 Bộ trưởng ghi nhận tại phiên chất vấn ngày 11/6.

Đại biểu thảo luận tại hội trường sáng 18/6.

Đại biểu Tuấn đề nghị Luật phí và lệ phí cần phải có nguyên tắc phân cấp để quy định cụ thể danh mục phí và lệ phí, loại nào là do Chính phủ quy định, loại nào là do Chính phủ phân cấp cho các bộ, ngành, loại nào do chính quyền địa phương quy định bởi nếu phân cấp không rõ ràng, thiếu minh bạch, sẽ bất cập trong quản lý và sử dụng các nguồn thu.

“Tất cả các khoản phí và lệ phí thu được phải nộp vào Ngân sách Nhà nước (NSNN), sau đó NSNN sẽ điều tiết và phân bổ lại cho các địa phương hay các bộ, ngành. Làm như vậy sẽ công bằng hơn đối với các cơ quan thu phí trong cùng một địa phương, cũng đảm bảo công bằng đối với tất cả các địa phương trên toàn quốc”- đại biểu Trần Quốc Tuấn lưu ý thêm.

Đề nghị ban soạn thảo trong quá trình xây dựng luật không chỉ quan tâm đến vấn đề công khai, minh bạch mà còn phải đặc biệt quan tâm đến tính công bằng trong chính sách phí và lệ phí, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm lý giải: “Quyền lợi và nghĩa vụ của người dân cần phải được tính đến một cách hợp lý, sẽ là phản cảm nếu chúng ta mỗi khi cung cấp một dịch vụ nào cũng chỉ tính đến việc thu phí và lệ phí. Khi có chính sách hợp lý thì chúng ta sẽ khắc phục được xu hướng lạm thu, tận thu, phí chồng phí…”.

Bà đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát hoàn thiện danh mục phí, để Quốc hội ban hành kèm theo Luật này, đồng thời cần lắng nghe ý kiến người dân, chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở, để tiếp thu bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí không hợp lý. “Tôi lấy ví dụ, việc thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện xe mô tô đề nghị cần bãi bỏ, vì khoản phí này hiện nay không được người dân đồng tình và khoản phí đó đã hội đủ những yếu tố hạn chế như nó vừa không hợp lý, vừa thiếu tính công bằng, vừa khó công khai minh bạch, khó hiểu và khó thực hiện trong thực tiễn, cần phải được bãi bỏ” – đại biểu Tâm nhấn mạnh.

Dẫn chứng về việc “phí chồng phí”, đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế) cho biết: Có người dân mua một chiếc xe ô tô, theo quy định của lệ phí trước bạ họ đến cơ quan thuế nộp thuế trước bạ, từ 10-20% đối với loại xe ô tô chở dưới 10 người; đồng thời họ phải sang Công an nộp lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số, theo Nghị định 127 nếu ở khu vực Hà Nội họ phải nộp từ 2 đến 20 triệu đồng. Hai loại này lý lẽ chỗ nào? Phải nộp từ 10-20% lệ phí không giải thích được, lại nộp cả lệ phí đăng ký và biển số cũng không rõ. “Rõ ràng ở đây chúng ta còn lúng túng trong việc định nghĩa khái niệm về lệ phí, dẫn đến trong thực tế quy định nhiều loại chồng lên nhau. Nếu trong luật không nói rõ sẽ dẫn đến phí chồng phí”- ông nói.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên – Huế) đồng tình với quan điểm này: “Hiện nay làm một ngôi nhà rất phiền hà, rất nhiều khoản lệ phí xây dựng. Tôi đề nghị gộp lại. Ví dụ, đóng lệ phí về xây dựng thì nên chăng lệ phí cấp phép số nhà vào trong đó, chứ ai lại bắt người dân sau khi xây dựng xong lại đi xin cấp phép”. Đại biểu đề nghị quy định thế nào để đảm bảo thuận lợi cho người dân…

 Sẽ giám sát chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2016

Báo cáo tiếp thu, giải trình về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016 cho biết, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều tán thành với Tờ trình về 3 nhóm nội dung chính dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016 là xem xét báo cáo của các cơ quan hữu quan, chất vấn và trả lời chất vấn và giám sát chuyên đề. Về giám sát chuyên đề, sau khi xin ý kiến các vị ĐBQH, Quốc hội quyết định đưa chuyên đề “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 – 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” vào chương trình giám sát năm 2016.

Tiến hành biểu quyết tại hội trường, đã có 87,47% đại biểu tán thành, thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016. Theo đó, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII, Quốc hội sẽ thảo luật báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2015; tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2016.

Xem xét thảo luận báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước. Xem xét thảo luận báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ hợp thứ 10 Quốc hội khoá XIII.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV, Quốc hội xem xét thảo luận về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, NSNN 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016. Xem xét báo cáo kết quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khoá XIV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV sẽ xem xét, thảo luận báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2016. Xem xét thảo luận báo cáo công tác của Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán nhà nước và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật.

Xem xét, thảo luận báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII và kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV. Tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH; Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 – 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. 

Quỳnh Vinh – Vũ Hân
.
.
.