Luật sư Nguyễn Hữu Thọ với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ Bảy, 09/07/2016, 08:24
Khi còn là sinh viên luật ở Pháp, thấm đẫm truyền thống yêu nước của cha ông, của quê hương Long An, ông Nguyễn Hữu Thọ đã sớm có ý thức tìm ngọn cờ cách mạng với niềm tin: Nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc sẽ là người dẫn dắt nhân dân ta đứng lên giành lại nền độc lập, tự do cho đất nước. 

Khi còn là sinh viên luật ở Pháp, thấm đẫm truyền thống yêu nước của cha ông, của quê hương Long An, ông Nguyễn Hữu Thọ đã sớm có ý thức tìm ngọn cờ cách mạng với niềm tin: Nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc sẽ là người dẫn dắt nhân dân ta  đứng lên  giành lại nền độc lập, tự do cho đất nước. Thoát khỏi sự phân vân trước ngã ba đường trong đêm đen nô lệ của dân tộc, ông xem là niềm hạnh phúc khi chọn đi theo ánh sáng soi đường của Hồ Chí Minh.

Là một luật sư nổi tiếng, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã trở thành học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông không chỉ nghiêm túc học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mà ở nhiều trọng trách được giao phó, ông còn ra sức xây dựng Nhà nước  pháp quyền theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và gia đình năm 1952.

Trong thời kỳ chống 2 đế quốc to là Pháp và Mỹ, ngay tại sào huyệt của chúng ở Sài Gòn, với tư cách là Trưởng đoàn đại biểu các giới Sài Gòn – Chợ Lớn, là người đứng đầu Phong trào bảo vệ hòa bình Sài Gòn – Chợ Lớn, ông đã từng đấu tranh bằng pháp lý đòi dân sinh dân chủ cho các tầng lớp nhân dân ở Sài Gòn; biện hộ cho những cán bộ cách mạng lỡ sa vào tay giặc và những người nghèo thân cô thế cô bị đối xử bất công, trái công lý trước Tòa án của chúng, bất chấp 4000 ngày bị kẻ thù cầm tù và lưu đày biệt xứ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh và xây dựng Nhà nước ta đồng thời hình thành và phát triển pháp luật Việt Nam, xây dựng Nhà nước pháp quyền vì dân, do dân, của dân.  Phong cách sống mẫu mực tuân theo pháp luật của Người là những  bài học lớn đối với mọi cán bộ và nhân dân. 

Tư tưởng về luật pháp của Hồ Chủ Tịch nêu lên từ nhiều thập kỷ qua đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự nóng bỏng. Nền pháp luật mà Hồ Chủ Tịch đặt nền móng, xây dựng mang tính giai cấp công nhân sâu sắc, tính nhân bản và tính dân tộc, biểu hiện rực rỡ truyền thống dân tộc.

Khi đất nước được thống nhất, nhân dân cả nước vui mừng. Nhưng đối với Luật sư Nguyễn Hữu Thọ thì tinh thần phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân vẫn còn phải tiếp tục được nâng cao. 

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và các chiến sĩ Quân giải phóng. Ảnh chụp năm 1964.

Vì ông luôn ghi nhớ trong lòng lời căn dặn của Bác Hồ trước khi ra đi: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Bác Hồ đã từng nói: “Độc lập, thống nhất nhân dân chưa được hạnh phúc thì độc lập thống nhất không có ý nghĩa gì:, “Nước độc lập mà không có Hiến pháp thì dân chưa làm chủ”. Theo Hồ Chủ Tịch, toàn bộ quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân thể hiện rõ nhất tính dân chủ triệt để của Nhà nước ta trở thành nguyên tắc cơ bản trong tổ chức bộ máy quyền lực Nhà nước và phải được thể hiện rõ trong các văn bản pháp lý mà đạo luật cao nhất là Hiến pháp.

Thực hiện ý nguyện của Bác Hồ, dù ở cương vị, như: Phó chủ tịch nước, Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội hay Chủ tịch UBTƯ MTTQVN, luật sư Nguyễn Hữu Thọ vẫn ra sức xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, phục vụ nhân dân. Tuy con đường đi đến hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng nền dân chủ XHCN còn lắm chông gai, nhưng ông nỗ lực không mệt mỏi. 

Sau ngày thống nhất đất nước, ông sẵn sàng chấp nhận đương đầu gay cắn với tư duy lạc hậu lỗi thời và làm hết sức mình để “nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc” - điều mà Bác Hồ hằng mong ước. Quan điểm của ông rất rõ ràng: “Dân ta sẵn sàng chịu đựng đói nghèo, nhưng không thể chấp nhận áp bức bất công”. 

Ông nhận xét: “Luật pháp nước ta còn thiếu, thực hiện chưa nghiêm, nên vẫn còn tình trạng vi phạm tự do, dân chủ, xâm phạm tài sản, tính mạng của người dân”. Ước muốn lớn của ông là góp phần bảo đảm dân chủ hóa đất nước.

Ở cương vị Quyền chủ tịch nước, luật sư Nguyễn Hữu Thọ dành nhiều trí lực cho việc soạn thảo Hiến pháp năm 1980 – Hiến pháp đầu tiên sau khi thống nhất nước nhà được ông chính thức ký công bố. Ông chỉ thị dự thảo thành lập ủy ban giám sát trực thuộc Ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm việc thực hiện các quyền tự do, dân chủ của người dân. 

Nhưng trước tiên, điều ông quan tâm là hoạt động của Ủy ban thường trực của Quốc hội, trước hết là Ủy ban pháp luật vì ủy ban này phải khẩn trương soạn thảo luật với lý do: “tự do, dân chủ chỉ có được thực sự khi hệ thống pháp luật đúng, đủ và được thực hiện nghiêm minh. 

Người dân phải được bảo vệ các quyền cơ bản của mình. Người dân phải được bảo vệ các quyền cơ bản của mình. Luật mà thi hành không nghiêm thì sẽ đẻ ra luật rừng, luật rừng đẻ ra xã hội rừng”.

Về mặt Nhà nước có 2 bộ luật cơ bản mà ông rất quan tâm xây dựng đó là bộ Hình sự (được bổ sung) và bộ luật Dân sự. Riêng đối với bộ luật dân sự ông đề xuất từ năm 1986 và cuối cùng ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI mới công bố vào ngày 28/10/1995.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

Trong xây dựng nhà nước pháp quyền, Hồ Chủ tịch luôn có một quan niệm hết sức đặc sắc: bản chất nhà nước mang bản chất công nhân. Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ nhân dân, dựa trên nền tảng liên minh công-nông do giai cấp công nhân lãnh đạo. Khái niệm “dân” của Hồ Chủ Tịch mang nội dung xã hội, giai cấp với “cái lõi” của nó là công nhân, nông dân và tầng lớp lao động trí óc. 

Đối với Hồ Chủ Tịch nhà nước pháp quyền là nhà nước mà mọi người được tôn trọng, dân chủ được mở rộng, người dân sống và làm việc theo pháp luật. Nhà nước pháp quyền là nhà nước phải thể hiện được việc điều hành và quản lý xã hội bằng pháp luật.

Với tinh thần nói trên của Hồ Chủ Tịch, luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm rõ thêm tính giai cấp của Nhà nước ta, xác định nền dân chủ XHCN phục vụ cho ai? Ông nói: “Nền dân chủ XHCN phân biệt với các nền dân chủ khác ở tính giai cấp, vì lợi ích của ai, đồng thời ở đặc trưng quần chúng lao động tự mình quyết định các vấn đề lớn nhỏ của đất nước. Quyền quyết định ấy được bảo đảm thành văn trong Hiến pháp “Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân”.

Có thực tế là mặt trái của kinh tế thị trường làm cho cán bộ tha hóa, sinh ra nạn nhũng nhiễu, vòi vĩnh người dân. Còn nhớ, lúc sinh thời, Hồ Chủ tịch từng phải nhắc nhở: “Nhà nước pháp quyền là nhà nước do dân làm chủ, người làm Chủ tịch nước cũng là do dân trao quyền, ủy thác; cán bộ công chức nhà nước là “công bộc” của dân. Nhà nước phải thật sự liêm khiết, trong sạch, tránh quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi.

Từ năm 1980, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã nhất trí với Thủ tướng Phạm Văn Đồng rằng: “Những yếu kém và thiếu sót trong việc quản lý nền kinh tế quốc dân làm cho đời sống nhân dân gặp khó khăn, có nguyên nhân rất quan trọng ở “tình trạng tham ô, móc ngoặc, cửa quyền”. Theo ông, giải pháp tốt nhất là thực hiện cơ chế dân chủ “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ thông qua Mặt trận”. Nhưng chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức phải rạch ròi, không thể để chồng chéo, dẫm chân bao biện làm thay. Cơ chế này được đưa vào Nghị quyết Đại hội IV và V của Đảng.

Bước vào thời kỳ đất nước đổi mới, nhiều điều khiến ông lo lắng, nhất là trước mặt trái của kinh tế thị trường thời hội nhập quốc tế, khoảng cách giữa giàu và nghèo ngày càng tăng kéo theo sự bất công, tệ nạn xã hội phát triển v.v.. làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Về thực hiện dân chủ, ông phân tích: “Dân chủ XHCN cần được tiếp nhận sự triển khai đồng bộ của một loạt động tác – tất cả quan trọng cơ bản: dân chủ nội bộ đảng cầm quyền, dân chủ trong tổ chức xã hội, dân chủ về chính trị và kinh tế, dân chủ ở bên trên và bên dưới, giữa bên trên và bên dưới. Trong hoàn cảnh hiện nay, phát huy dân chủ cốt lõi là xóa bỏ cơ chế quan liêu bên trong các lĩnh vực điều khiển công việc của đất nước. Cuộc vận động dân chủ chính là cuộc vận động chống chủ nghĩa quan liêu ở tất cả các dạng và các mức của nó. 

Dân chủ là thế mạnh của chúng ta, nhưng khi giành chính quyền trọn vẹn chúng ta lại làm xói mòn thế mạnh này. Và ông nhấn mạnh: Tất cả vấn đề là phải đấu tranh để thực hiện. Cuộc đấu tranh này không giống cuộc đấu tranh đối kháng với địch trước đây, nhưng cũng phải diễn ra quyết liệt, bởi lẽ dân chủ không thể có bằng sự ban ơn mà bằng sự đấu tranh. 

Để có được một xã hội lành mạnh và yên bình, tài năng kiệt xuất của Hồ Chủ Tịch thể hiện ở sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa “pháp trị” và “đức trị trong tổ chức Nhà nước pháp quyền vì dân. Nhà nước sử dụng pháp luật để tổ chức xã hội và dùng quyền lực cưỡng chế đối với hành vi vi phạm pháp luật”. Hồ Chủ Tịch sử dụng “đức” để cảm hóa để ngăn cản những thói hư tật xấu. Bởi vậy, trong xây dựng pháp luật và phát huy dân chủ luật sư Nguyễn Hữu Thọ luôn thể hiện tính nhân đạo của Hồ Chủ Tịch.

Trước ý kiến của một đại biểu nhân dân “Chúng ta phải làm luật để người ta sợ”, luật sư đáp lại tức khắc: “Chúng ta làm luật để bảo vệ người lương thiện, chứ không phải để trừng trị người có tội thôi. Trong 80 triệu dân chỉ có vài chục ngàn người  có tội. Còn lại mấy chục triệu người là người lương thiện”. Liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã phải làm rõ với các đại biểu Quốc hội: Khi một người có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng bị cơ quan công an bắt giữ, nếu xét trong người đương sự có tiền, có tư trang không phải là vật chứng của hành vi vi phạm thì phải hỏi và xử lý theo ý kiến của đương sự, không được làm theo ý kiến chủ quan của mình”. 

Đây là vấn đề lớn của chế độ ta. Dân là chủ, dân làm chủ. Đây là nguyên tắc “suy đoán vô tội” phải tuân thủ. Luật sư nói thêm: Điều mà Hồ Chủ tịch quan tâm hơn hết là: “Để Nhà nước pháp quyền thật sự vì dân, người cầm quyền, cán bộ, công chức nhà nước phải gần dân, sát dân, hiểu dân, thương dân, tin dân, biết dựa và phát huy sức mạnh của dân”.

Từ khi còn trẻ đi theo con đường của Hồ Chủ Tịch đến khi trút hơi thở cuối cùng, luật sư nguyễn Hữu Thọ đã nghiêm túc thực hiện lời dạy của Người “cần, kiệm, liêm chính” trong chăm lo các việc “ăn, mặc, ở, học hành, sức khỏe, việc làm, đi lại” của người dân. 

Trong 4.000 ngày  bị địch lưu đày, chẳng những ông ở gần dân, thương dân, tin dân, nghe lời dân mà còn sống như dân; có cơm muối cũng ăn; ăn cơm không cũng ăn, bịnh không có thuốc tây thì dùng lá rừng , nói tóm lại dân cho ăn gì, ăn nấy, việc ở, mặc thì tùy dân. Và không chỉ được Đảng giao phó trọng trách mà chính người dân đã chọn ông làm Chủ tịch UBTƯ MTDTGPMNVN, Quyền chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch UBTƯ MTTQVN.

Suốt cuộc đời, luật sư Nguyễn Hữu Thọ không hề bị vướng gì về địa vị, quyền lực, danh lợi, hưởng thụ vật chất tầm thường. Đến khi nhắm mắt xuôi tay vào ngày 24/12/1996, luật sư Nguyễn Hữu Thọ vẫn chỉ ở nhà công vụ, không có nhà riêng nào. Sau đó, Đảng và Nhà nước quyết định tặng cho ông căn nhà 167 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3 và căn nhà đã trở thành nhà lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ. 

Đối với ông, chủ nghĩa xã hội là một xã hội công bằng giữa người và người sống với nhau bằng tình, bằng nghĩa “Khoa học không có tổ quốc, nhưng mỗi người có một tổ quốc để yêu, xây dựng và bảo vệ”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói về ông như sau: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là người của công lý, của đạo nghĩa. Khi cần nói lên sự thật để bảo vệ chân lý, bảo vệ chính sách của Đảng và Nhà nước thì anh luôn tỏ ra cương trực, không hề né tránh. Ở anh, không có đặc quyền, đặc lợi cho bất cứ ai”.

Luật gia Nguyễn Hữu Châu
.
.
.