Luật Quản lý thuế “quên” trách nhiệm cơ quan thuế

Thứ Bảy, 02/06/2012, 09:33
Đại biểu Võ Kim Cự nhấn mạnh, việc thất thu thuế không chỉ do đối tượng nộp thuế, mà có nguyên nhân quan trọng từ cơ quan quản lý thuế. Không ít cán bộ thuế thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái, có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực khiến đối tượng nộp thuế bất hợp tác. Thế nhưng, những vấn đề này lại bị luật bỏ “quên”!

Dự luật Quản lý thuế (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận tại tổ ngày 1/6. Cũng giống như Luật Xử lý vi phạm hành chính, đạo luật sửa đổi lần này chủ yếu vẫn xoay quanh việc nâng mức xử phạt các hành vi vi phạm về thuế.

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng mức tiền chậm nộp từ 0,05% (luật hiện hành) lên 0,07%; phạt 10% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn đối với trường hợp người nộp thuế tự phát hiện và khai bổ sung quá thời hạn 60 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai nhưng trước khi cơ quan hải quan kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế. Phạt 20% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn đối với trường hợp khai bổ sung sau khi cơ quan hải quan kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Vũ Công Tiến phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN.

Ý kiến của ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, mức xử phạt được quy định trong dự thảo luật chưa có sự phân biệt dựa trên tần suất và mức độ vi phạm, dẫn đến chưa bảo đảm công bằng, tính răn đe chưa cao. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định về chế tài xử phạt theo hướng tăng nặng mức phạt đối với các trường hợp cố tình vi phạm, có hành vi vi phạm tái diễn nhiều lần, mức độ vi phạm lớn.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, mức xử phạt như trong dự thảo không phải là quá thấp, điều quan trọng là công tác thanh tra, kiểm tra, tính về cả quy mô và phạm vi còn nhiều lỗ hổng.

Về vấn đề chuyển giá, diễn ra ở những công ty vốn nước ngoài, đại biểu Nguyễn Văn Phúc cho rằng, hiện tượng này chúng ta phát hiện từ lâu nhưng hành động còn hơi chậm, dẫn đến thất thu ngân sách không ít. Theo ông, việc chuyển giá của các công ty đều có đường đi, công thức, từ công ty mẹ sang công ty con. Vậy chống đoạn nào, chống như thế nào và xử lý ra sao phải thuyết minh cho rõ?

Đại biểu Võ Kim Cự nhấn mạnh, việc xử lý vi phạm phải công bằng, nghiêm túc, bình đẳng trước pháp luật ở cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế. Nhiều ý kiến cũng đề nghị, dự luật phải cụ thể hoá trách nhiệm cơ quan quản lý thuế - đúng như tên gọi của luật. Bởi, việc thất thu thuế không chỉ do đối tượng nộp thuế, mà có nguyên nhân quan trọng từ cơ quan quản lý thuế. Không ít cán bộ thuế thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái, có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực khiến đối tượng nộp thuế bất hợp tác. Thế nhưng, những vấn đề này lại bị luật bỏ “quên”!

Cùng ngày, Quốc hội thảo luận dự án Luật Dự trữ quốc gia. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013. UBTV Quốc hội dự kiến 30 dự án luật, 3 dự án pháp lệnh trong chương trình chính thức và 18 dự án luật trong chương trình chuẩn bị.

Chưa ấn định mức đánh thuế thu nhập cá nhân

Trước một số ý kiến đề nghị nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân lên 9 triệu đồng (hiện áp dụng mức 4 triệu, Tổng cục Thuế đề nghị mức 6  triệu đồng), Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho hay, hiện chưa ấn định con số cụ thể, còn phải trình thường trực Chính phủ trong tháng 6 này. Tất cả mọi thứ đang bàn và Bộ Tài chính vẫn tiếp tục lắng nghe để trình thường trực Chính phủ. “Việc tỷ lệ động viên và khoan sức dân không chỉ ở mức khởi điểm chịu thuế, giảm trừ gia cảnh mà còn tính đến cả giãn biểu thuế. Như vậy một phần bậc thuế đáng lẽ phải nộp ở bậc cao giờ được chuyển xuống nộp ở bậc thấp. Cho nên người dân có thu nhập sẽ được hưởng cả ở hai nơi nên chúng ta sẽ giảm sức dân, giảm động viên ngân sách cả ở giảm trừ gia cảnh, cả ở giãn các khoảng cách của các biểu thuế. Bản thân trong giới chuyên môn cũng chưa hiểu một cách thấu đáo thế nào là giảm trừ gia cảnh. Giảm trừ gia cảnh không phải là mức để đảm bảo đời sống tối thiểu, mà phần còn lại sau khi đánh thuế mới là đảm bảo đời sống” – Bộ trưởng giải thích.

Quý Trường
.
.
.