Lòng dân và Quốc hội

Thứ Tư, 06/01/2016, 09:49
Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã minh chứng khi những người lãnh đạo, những người đại diện của nhân dân thực sự thấu hiểu ý chí, nguyện vọng và phục vụ lợi ích của nhân dân, thì cơ đồ tươi sáng, đất nước được thái bình, thịnh trị.


“Sáng mồng 6 tháng Giêng năm 1946. Thành thị, xóm thôn, đâu đâu cũng rực rỡ cờ, đèn và hoa. Nhân dân không phân biệt giàu, nghèo, già, trẻ, gái, trai nô nức đi tới các nơi bỏ phiếu. Chẳng phải một sớm một chiều mà có được lá phiếu hôm nay. Lá phiếu của tự do, giành được từ cuộc đấu tranh lâu dài, bằng biết bao máu và nước mắt…”.

Những dòng hồi ức trên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trong Tổng tập hồi ký) đã phản ánh không khí háo hức của ngày hội 70 năm về trước, khi người dân Việt Nam lần đầu tiên được cầm lá phiếu bầu cử để lựa chọn người đại biểu, người lãnh đạo quốc dân. Những hình ảnh đó cũng là sự tái hiện không khí hào hùng, đoàn kết, muôn người như một của Quốc dân Đại hội Tân Trào, quyết giành cho được độc lập tự do, dù có phải “đốt cháy cả dãy Trường Sơn”. Xa hơn nữa, đó là sự kế thừa tinh thần dân chủ của vua - tôi nhà Trần, từ Hội nghị Bình Than đến Hội nghị Diên Hồng, khi lòng dân nhất quyết “đánh”, nhất định không chịu làm nô lệ, không chịu khuất phục, mất nước.

Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã minh chứng khi những người lãnh đạo, những người đại diện của nhân dân thực sự thấu hiểu ý chí, nguyện vọng và phục vụ lợi ích của nhân dân, thì cơ đồ tươi sáng, đất nước được thái bình, thịnh trị.

Trở lại với Quốc dân Đại hội Tân Trào. Tháng 8-1945, lịch sử dân tộc và nhân loại chuyển biến từng ngày. Với sự sáng suốt của những nhà cách mạng tiền bối, Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng bộ Việt Minh đã quyết định Tổng khởi nghĩa và triệu tập tại Tân Trào một Hội nghị Diên Hồng của thế kỷ XX. Quốc dân Đại hội Tân Trào họp ngày 16 và 17-8-1945, đã thông qua quyết định lịch sử: Tổng khởi nghĩa và bầu Ủy ban Dân tộc giải phóng.

Những mục tiêu cao cả mà Quốc dân Đại hội Tân Trào thông qua, đặc biệt là quyền dân tộc thiêng liêng, quyền con người và khát vọng “Nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”… Tất cả đều được phản ánh, thể hiện trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I ngày 6-1-1946, nhằm thỏa mãn mong muốn cháy bỏng của một dân tộc vừa phải trải qua những năm dài nô lệ và nạn đói kinh hoàng làm chết hàng triệu người.

Trong ngày lịch sử đó, hàng triệu người dân Việt Nam đã nô nức thực hiện quyền làm chủ của mình, lựa chọn người đại diện để lãnh đạo quốc dân giữa lúc tiếng súng chống thực dân Pháp đang rền vang ở Nam Kỳ và nhiều nơi trong cả nước; cùng với đó là sự khiêu khích của các tổ chức phản động được quân Tàu Tưởng hà hơi tiếp sức. Với tinh thần đoàn kết, yêu nước của toàn dân tộc, cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp. Quốc hội đã đại diện cho lợi ích của toàn dân cử ra Chính phủ ở thời điểm “Vận nước ngàn cân treo sợi tóc”.

Có một câu chuyện cảm động được nhiều người nhớ mãi trong một phiên họp của Quốc hội khóa I năm 1946. Khi thảo luận thành phần, nhân sự của tân Chính phủ, nhiều đại biểu đã yêu cầu có một Bộ trưởng Lao động tâm huyết chăm lo đời sống công nhân và người lao động. Trước các vị đại biểu Quốc hội, Hồ Chủ tịch đã hứa sẽ lựa chọn một người xứng đáng với sự mong đợi của đồng bào.

Cũng tại phiên họp này, đại biểu Nguyễn Văn Tạo (một chiến sỹ Cộng sản quốc tế, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp; từng tham gia lãnh đạo Ủy ban Hành chính Nam Bộ lâm thời do Giáo sư Trần Văn Giàu làm Chủ tịch sau Cách mạng Tháng Tám - NV) đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình Nam Bộ kháng chiến. Bác Hồ và nhiều đại biểu đã không cầm được nước mắt trước sự hi sinh to lớn và tinh thần quật khởi của đồng bào Nam Bộ.

Thay mặt Chính phủ và toàn thể Quốc hội, Hồ Chủ tịch đã nói những lời lịch sử: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi. Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Tiếp đó, Người tới ôm hôn vị đại biểu của Nam Bộ thành đồng và giới thiệu Nguyễn Văn Tạo làm Bộ trưởng Bộ Lao động của Chính phủ mới; ngay lập tức, Quốc hội đã bày tỏ sự tán thành với những tràng pháo tay liên tiếp.

Như vậy, Bác Hồ và Quốc hội đã thấu hiểu lòng dân và thuận theo lòng dân. Cũng nhờ đó, với sự chung sức đồng lòng của toàn dân tộc, Quốc hội, Chính phủ đã can trường bước vào cuộc kháng chiến 9 năm và giành thắng lợi vẻ vang. Sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước những năm sau đó, đều có sự đóng góp to lớn của Quốc hội – những người đại biểu của nhân dân… Chặng đường từ Quốc hội khóa I đến Quốc hội khóa XIII, gắn liền với những chuyển biến sâu sắc của đất nước. Hoạt động của Quốc hội ngày càng hiệu quả, thể hiện rõ vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực cao nhất; thể hiện và thực hành theo nguyện vọng, ý chí của toàn dân tộc.

Bước vào giai đoạn phát triển mới của đất nước, với truyền thống 70 năm của mình và truyền thống hàng ngàn năm của dân tộc, Quốc hội sẽ luôn luôn là người đại biểu cho lợi ích của toàn dân, lắng nghe và thấu hiểu, đáp ứng nguyện vọng của toàn dân để góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng đất nước ta giàu đẹp, văn minh. Đó cũng là đòi hỏi và là sự phát triển tất yếu của lịch sử.

Trần Duy Hiển
.
.
.