Dự án ‘thành phố bên sông Hồng’: Liệu có ‘chết yểu’?

Chủ Nhật, 26/07/2015, 08:20
Sau gần 7 năm, một lần nữa, Quy hoạch đô thị ven sông Hồng lại được TP Hà Nội đề cập đến bằng một quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chiến lược phát triển quy hoạch đô thị hai bên bờ sông Hồng tại Hà Nội: Đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Long Biên” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. 

Khởi động lại Khu đô thị ven sông

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại về tính khả thi của dự án này bởi trước đó, một đại dự án xây dựng thành phố ven sông Hồng với số vốn lên tới 7 tỷ USD cũng đã “rôm rả” suốt nhiều năm nhưng đến nay vẫn “im hơi lặng tiếng”.

Có một thực tế cần thừa nhận là dải ven đê hai bên bờ sông Hồng của Hà Nội mấy chục năm nay vẫn luôn tồn tại dưới dáng vẻ nhếch nhác, úi xùi trong khi nhìn ra thế giới, ở nhiều nước phát triển, con sông thường nằm giữa hai bên đô thị phát triển trù phú, như một điểm nhấn đẹp của TP và là lợi thế phát triển kinh tế.

Chính vì thế, sông Hồng, đoạn qua Hà Nội cũng đang mong chờ một cuộc “lột xác” để trỗi dậy. Nhưng, để làm được điều này không hề đơn giản. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chiến lược phát triển quy hoạch đô thị hai bên bờ sông Hồng tại Hà Nội: Đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Long Biên” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Theo quyết định, quy mô nghiên cứu dự án khoảng 3.000ha (trong phạm vi hai tuyến đê tả và đê hữu sông Hồng hiện có) với chiều dài khoảng 11km dọc sông.

Các nội dung nghiên cứu chính gồm: Xem xét trên lý thuyết và thực tiễn sự phát triển đô thị hai bên sông của Hàn Quốc; Xem xét các quy hoạch phát triển đô thị của Hà Nội và điều tra hiện trạng; Đề xuất chính sách cho sự phát triển đô thị khu vực hai bên sông tại khu vực nghiên cứu; Hướng dẫn quy hoạch đô thị; Định hướng quy hoạch cảnh quan; Đề xuất dự án ưu tiên; đánh giá các vấn đề thể chế.

Những phối cảnh đẹp liệu có trở thành hiện thực?

Theo ông Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch kiến trúc 4, thuộc Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, TP Hà Nội đã chậm trễ về quy hoạch trong khi ở nhiều TP khác như TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã đi trước tạo ra nhiều khu đô thị ven sông đẹp và tạo đà cho sự phát triển kinh tế. Ông Long nhận định, từ sự chậm trễ về quy hoạch đã làm phát sinh nhiều rào cản, từ các quy định pháp luật về hành lang thoát lũ đến việc phải chi một “núi” tiền để giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, hướng đến sự phát triển là điều cần thiết, vì thế, dù muộn Hà Nội cũng cần khởi động lại dự án quy hoạch này. Theo dự án, tại nhiều điểm trên tuyến 11km sẽ hình thành các khu bảo tồn thiên nhiên, đường cây xanh dành cho người đi bộ, đường chạy ven sông, không gian thể thao tổng hợp, kè bậc thang để người dân hóng mát. Một mặt nghiêng ven sông sẽ hình thành theo hình thái tự nhiên được coi là “vùng đệm” để chuyển tiếp sinh thái. Các loài sinh vật được tạo nơi cư trú, thực vật được bảo tồn.

Khu đầm lầy sinh thái được hình thành gồm: công viên, không gian trải nghiệm sinh thái, danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, dự án tính đến việc bảo tồn di tích văn hóa, lịch sử sông Hồng và quy hoạch lộ trình khám phá lịch sử ven sông bằng du thuyền; trục văn hóa truyền thống Hồ Tây - Cổ Loa được chú trọng giữ gìn, phát triển. Sẽ có một khu phức hợp quốc tế kỹ thuật cao dự tính hình thành với quảng trường đi bộ trung tâm (bờ sông Hồng phía hồ Tây), khu nghỉ dưỡng Ngọc Thụy với đồi hóng gió (bờ sông Hồng phía Long Biên, Gia Lâm).

Khu phục hồi sinh thái ven sông sẽ nằm ở khu vực Võng La và Từ Liêm, công viên thể thao ở Đông Anh, công viên văn hóa lịch sử ở Hoàn Kiếm, công viên mở dành cho cư dân đô thị ở Tây Hồ, đầm lầy lọc nước ven sông ở Hoàng Mai.

Những băn khoăn về “thành phố ven sông”

Từ dự án có thể hình dung trong tương lai, hai bên bờ sông Hồng sẽ là những hình ảnh hiện đại, thể hiện sự phát triển của Thủ đô và cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, là nơi sống lý tưởng của cư dân đô thị. Nhưng không ít người hoài nghi về tính khả thi của dự án này khi trước đó, vào năm 2007, đã có một đại dự án TP bên sông Hồng cũng do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ nghiên cứu với tổng chi phí lên tới 7 tỷ USD.

Dự án này đề ra mục tiêu, khu vực ven sông Hồng, đoạn qua Hà Nội trong tương lai sẽ là nơi ở của 97.000 hộ dân, chiếm 50% diện tích. Diện tích còn lại sẽ dành cho các công trình công cộng và khu thương mại dịch vụ, dự định triển khai từ năm 2008 đến 2020 nhưng đến nay dự án im lìm như chưa từng xuất hiện.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội gặp trở ngại rất lớn từ vấn đề giải phóng mặt bằng. Di chuyển cả một khu vực dân cư khổng lồ sẽ gây sự xáo trộn không hề nhỏ cả về kinh tế lẫn xã hội. Khó khăn thứ 2 là về cơ chế, chính sách vì Hà Nội hiện đang có nhiều quy hoạch chồng chéo nhau.

Trao đổi với chúng tôi, TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, việc gia tăng dân số ở khu vực dự án, cũng như việc qui hoạch “đô thị nén” là rất không ổn, ngày càng gây nhiều khó khăn cho chỉnh trang phát triển Hà Nội. Qua khảo sát thực địa tại khu vực dự án và nghiên cứu các tài liệu liên quan đến phân khu sông Hồng, báo cáo dự án chia khu vực dự án thành bốn khu để phân tích tiềm năng và vấn đề cần giải quyết gồm: Yên Phụ, Bắc Cầu, Tàm Xá, Hải Bối.

Trong đó, việc khai thác khu vực Tàm Xá là dự án được phía Hàn Quốc đánh giá có tính khả thi cao nhất trong các dự án đã được đề xuất. Về vấn đề này,  TS Đào Ngọc Nghiêm cũng đánh giá cao việc chọn lựa khu vực để triển khai nghiên cứu của dự án và cho rằng, cần đặc biệt quan tâm đến khu vực Tàm Xá.

Còn ông Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch kiến trúc 4 lại khá lạc quan khi nhận định, dự án nghiên cứu ở khu vực dân cư đông nhất là khu vực Tây Hồ, rất quan trọng trong nghiên cứu quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. “Hà Nội cũng đã có những nghiên cứu đến việc thoát lũ, các khu vực khai thác được đều nằm trong khu vực hành lang thoát lũ. Tuy nhiên, trên cơ sở hiện trạng, có rất nhiều dân cư đang sống tại khu vực hành lang thoát lũ. Vấn đề có thể nghiên cứu từ kinh nghiệm của Hàn Quốc để áp dụng, đó là việc tái thiết các khu vực cũ. Khu vực này cũng dày đặc các di tích lịch sử, vì vậy việc phát triển mới phải đi đôi với bảo tồn, được coi là vấn đề rất quan trọng”, ông Long khẳng định.

Ngọc Yến
.
.
.