Liệt kê 16 hành vi nghiêm cấm, dự luật Đầu tư công vẫn bị nhắc chưa khả thi

Thứ Ba, 22/04/2014, 23:14

Với quan điểm nhà đầu tư được làm những gì luật không cấm, dự luật Đầu tư công liệt kê tới 16 danh mục hành vi bị cấm. Dù vậy, nhiều ý kiến Thường vụ Quốc hội cho là dàn trải, nhiều chỗ vừa thừa vừa thiếu...

Cho ý kiến về dự thảo Luật Đầu tư công tại phiên họp, nhiều ý kiến Thường vụ Quốc hội bày tỏ quan tâm đến quy định về các lĩnh vực cấm đầu tư. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, quy định tại dự thảo Luật chưa rõ ràng, dễ gây khó khăn cho các nhà đầu tư khi thực hiện Luật. Do vậy, để thực hiện mục tiêu nhà đầu tư có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm và để tạo sự minh bạch trong thực thi, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định chi tiết các lĩnh vực cấm đầu tư ngay trong dự thảo Luật.

Để tránh bỏ lọt, dự luật ghi tới 16 danh mục hành vi bị cấm. Chẳng hạn, cấm quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công trái với các mục tiêu, chiến lược, kế hoạch, quy hoạch được duyệt, không cân đối được nguồn vốn đầu tư. Cấm quyết định chủ trương đầu tư không đúng thẩm quyền; không đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Cấm lập, thẩm định, quyết định đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư; không đúng chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không xác định rõ nguồn vốn và cân đối vốn đầu tư... Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại việc liệt kê nhiều mang tính dàn trải khiến nhà đầu tư gặp khó bởi đụng đâu cũng thấy cấm, trong khi nhiều chỗ đã được thể hiện trong các quy định luật khác. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, cũng như dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, xem dự luật này, nhà đầu tư cũng không biết cái gì mình không được phép làm, những lĩnh vực có điều kiện thì ai quy định những điều kiện ấy. “Nếu Luật Đầu tư vẫn “bắt” nhà đầu tư phải đi tìm đủ các luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư… mới biết họ không được làm gì, có đáp ứng đủ các điều kiện đối với các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện hay không thì đã là minh bạch chưa, thực sự tạo điều kiện cho nhà đầu tư chưa” - Chủ tịch lo ngại.

Diễn giải điều này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, ông đã có danh mục vài chục ngành nghề cấm đầu tư và khoảng 330 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng mới là tập hợp từ các văn bản quy phạm pháp luật trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chưa phân tích đầy đủ về tính hợp lý của các quy định này. Bộ sẽ rà soát tiếp, đối chiếu để đảm bảo thực hiện đúng tinh thần Hiến pháp, đồng thời làm việc với các cơ quan đã ban hành ra các văn bản cấm và có điều kiện đó.

So với Luật Đầu tư hiện hành, dự thảo bãi bỏ toàn bộ Chương VII về đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước, đồng thời sửa đổi căn bản các nội dung về thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam và hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Dự luật quy định, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các chương trình quan trọng quốc gia và dự án quan trọng quốc gia. Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư: Các dự án đầu tư nhóm A; các chương trình đầu tư công khác sử dụng vốn ngân sách Trung ương, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước; đầu tư từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng không đưa vào cân đối Ngân sách Nhà nước; các chương trình, dự án đầu tư sử dụng nguồn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; các chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại do Chính phủ quy định; các dự án đầu tư khẩn cấp sử dụng vốn ngân sách Trung ương; các chương trình, dự án khác theo quy định của Chính phủ...

Thảo luận trong phiên buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Có ý kiến cho rằng, việc tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực với địa bàn rộng sẽ gây khó khăn trong việc đi lại cho người dân. Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình cho biết, việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng tòa án, nếu quá nhiều vụ việc cần giải quyết thì mới thành lập thêm Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực. Điều 8, Dự thảo Luật quy định, việc Tòa án nhân dân Tối cao quản lý các tòa án nhân dân về tổ chức, có sự phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân. Như vậy, Tòa án nhân dân Tối cao “ôm” thêm khâu tổ chức cán bộ của tòa địa phương. Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói, nếu Tòa án nhân dân Tối cao thực hiện quá nhiều nhiệm vụ thì ảnh hưởng đến hoạt động và chất lượng xét xử. Dự luật quy định, Tòa án nhân dân Tối cao quản lý tòa án nhân dân các cấp về mọi mặt. Trong khi đó, Hiến pháp quy định, Tòa án nhân dân Tối cao chỉ có 3 nhiệm vụ, thứ nhất là xét xử, thứ hai là giám đốc thẩm, thứ ba là tổng kết hoạt động xét xử và bảo đảm thống nhất hoạt động trong xét xử. Nếu quy định như dự luật là trái Hiến pháp và ảnh hưởng đến hoạt động chung.

Xu hướng đề xuất nâng tuổi làm việc một lần nữa được đưa vào luật. Khác với những đề xuất muốn nâng quá cao (lên tới 70 tuổi với nam, 65 tuổi với nữ), lần này, dự luật đề nghị tuổi làm việc của thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao với nam là 65 tuổi và nữ làm việc không quá 60 tuổi. Các thẩm phán khác không có thay đổi (60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ)

P.V
.
.
.