Lấy phiếu tín nhiệm là một hình thức giám sát rất có tác dụng

Thứ Sáu, 14/11/2014, 07:00
Theo lịch trình, ngày hôm nay (14/11), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sẽ báo cáo một số vấn đề về việc lấy phiếu tín nhiệm những người thuộc đối tượng Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, sau đó Quốc hội biểu quyết danh sách những người được Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm và thảo luận ở đoàn. Ngày 15/11, việc lấy phiếu sẽ được tiến hành. Liên quan vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm trong lần đầu tiên đã có tác dụng rõ rệt, tạo sự chuyển biến ở nhiều vị trí.
>> Tuần này, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm

* Thảo luận tổ về Luật dân sự (sửa đổi): Xác lập quyền sở hữu làm "khung" cho các luật chuyên ngành.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) đánh giá, việc lấy phiếu tín nhiệm là hình thức giám sát rất tốt của Quốc hội đối với các bộ trưởng, trưởng ngành. Trước nhiều ý kiến lo ngại về tính chính xác của kết quả lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Bùi Thị An cho rằng cá nhân bà cũng như các đại biểu khi bỏ phiếu đều xuất phát từ lợi ích của cử tri, của nhân dân để có sự đánh giá chính xác, khách quan nhất. Bộ trưởng nào làm được gì cho dân, giúp gì cho sự phát triển đất nước, lá phiếu sẽ nói rõ tất cả.

Bà nói, lấy phiếu tín nhiệm là một hình thức giám sát rất có tác dụng, quan sát trong thực tiễn thì có thể thấy những người được lấy phiếu tín nhiệm, đặc biệt là ở các cơ quan hành pháp đều đã rất nỗ lực. Tuy là ở mức độ khác nhau nhưng các bộ trưởng, các trưởng ngành đều đã có nỗ lực rất lớn để khắc phục những khiếm khuyết của mình. Một số vị trí lần trước mà có phiếu tín nhiệm thấp thì các đồng chí đã cố gắng hết sức để sửa chữa trong lĩnh vực của mình, và đã tạo ra sự chuyển biến rõ rệt, đó là một cái tốt. “Như vậy rõ ràng mục tiêu đã đạt được rồi. Các đại biểu chúng tôi giám sát, đã nhận thấy điều đó, nhiều lãnh đạo bộ, ngành đã cố gắng lên rồi. Chúng tôi chỉ mong như vậy” – bà An nói. 

Các đại biểu thảo luận tại tổ.

Đại biểu Bùi Thị An cũng đề nghị, thời gian tới nên tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm, còn phương thức làm thế nào để hiệu quả hơn thì ta phải bàn thêm. Sau lần lấy phiếu đầu tiên, hiện đã có sự chuyển biến ở một số ngành như giao thông vận tải, ngân hàng hay y tế, công thương…

Đại biểu Bùi Thị An khẳng định: “Không phải riêng tôi mà nhiều người đều nhận thấy các tư lệnh ngành này đều có những hành động rất quyết liệt, rất mạnh mẽ. Có ngành còn cho thấy có sự đột phá, tạo sự chuyển biến rõ rệt. Đó là kết quả của việc bỏ phiếu tín nhiệm mà Quốc hội đang làm… Phải nhìn nhận mọi việc một cách công bằng. Mọi đòi hỏi, mong muốn đối với các bộ trưởng, trưởng ngành nên xuất phát từ thực tiễn. Ngành nào cũng có những tồn tại, có cái tồn tại từ lâu, đến thời bộ trưởng đương nhiệm giải quyết, thì phải có thời gian để xử lý dần dần mới được. Có những việc có thể xử lý ngay được, chấm dứt ngay được như kiểu nếu ngã thì bảo đứng dậy ngay được, tức đòi hỏi kết quả ngay. Nhưng bây giờ chẳng hạn như bệnh đau xương, đau khớp thì phải chữa dần dần, chứ không thể nói khỏi ngay là khỏi ngay được. Tôi lấy ví dụ thế”. 

Cũng bàn vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đánh giá, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là việc làm thường xuyên như cơm phải ăn, nước phải uống để nuôi sống một cơ thể, không thể thiếu được. Mục đích là nhắc nhở mỗi chức danh được giao, được bầu cần phải được kiểm tra đánh giá, việc đó đã làm chưa, làm đến đâu, cũng như con người ta có ăn đúng bữa, đúng giờ và đúng tiêu chuẩn không? Đại biểu cho rằng, muốn làm tốt việc lấy phiếu tín nhiệm thì điều quan trọng phải thực sự công khai minh bạch với mỗi vị đại biểu Quốc hội để họ có quyết định sáng suốt khi đưa ra lá phiếu đánh giá của mình. Bà Khá thừa nhận, sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần trước thì công tác chỉ đạo, điều hành của các vị lãnh đạo ngành trên các mặt trận như giao thông, ngân hàng, y tế, giáo dục, công thương đã có chuyển biến rõ nét.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, các vị tư lệnh bộ, ngành được phiếu tín nhiệm cao hay thấp đều nên lấy đó làm động lực để tiếp tục hoàn thiện. Những vị được tín nhiệm cao thì lấy làm tự hào và cần phải cố gắng với những gì mà cử tri tin tưởng, còn những vị bị phiếu tín nhiệm thấp cũng lấy đó rút ra bài học kinh nghiệm để vươn lên. Tuy nhiên, cử tri cũng thể hiện sự băn khoăn đối với những vị trưởng ngành trong lần bỏ phiếu sắp tới lại tiếp tục nhận số phiếu tín nhiệm thấp sẽ thế nào?

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương thì bày tỏ, việc lấy phiếu tín nhiệm bước đầu đã giúp tạo ra những chuyển biến mạnh trong công tác điều hành, quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước. Chẳng hạn, đối với ngành giao thông, ngân hàng, Bộ trưởng Đinh La Thăng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã có những chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác điều hành nên tạo ra sự chuyển biến rõ rệt sau một năm lấy phiếu tín nhiệm. Đó là những kết quả rõ rệt có được sau lần lấy phiếu đầu tiên.

Bộ luật Dân sự là luật nền, đóng vai trò pháp lý cho mọi người dân và ổn định lâu dài (chỉ sau Hiến pháp), điều chỉnh mọi quan hệ dân sự ở nước ta mà nhiều bộ luật chuyên ngành căn cứ vào đó để quy định cụ thể. Các đại biểu đã thảo luận ngày 13/11.

Nhiều đại biểu cho rằng, sau hơn 9 năm thi hành (từ 2005), Bộ luật Dân sự cơ bản đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có ý nghĩa thực tiễn cao. Bộ luật điều chỉnh các quan hệ xã hội trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm  trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động v.v... (là quan hệ dân sự), thể hiện tôn trọng, bảo vệ quyền công dân trong lĩnh vực dân sự...  Bộ luật Dân sự đã góp phần thúc đẩy sự hình thành, phát triển của quan hệ thị trường. Nhờ có các quy định có tính chất nền tảng này, các quan hệ thị trường ở nước ta trong thời gian qua đã từng bước hình thành, phát triển. “Bộ luật Dân sự sửa đổi đã ghi nhận có nhiều đổi mới, dự thảo đã khá hoàn chỉnh, có tầm cỡ pháp lý chỉ sau Hiến pháp. Cần lấy ý kiến nhân dân, vì nó liên quan đến tất cả đời sống xã hội từ hôn nhân,tài sản, kinh doanh…”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói về sự cần thiết phải sửa đổi.

Ông Ngân cho rằng, bước sang giai đoạn phát triển mới của đất nước, Bộ luật Dân sự hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực và hiệu quả. Chưa thực sự tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền dân sự của người dân. Do đó, việc xây dựng Bộ luật Dân sự sửa đổi là rất cần thiết.

Nói về sở hữu tài sản, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, khái niệm sở hữu toàn dân là khái niệm chính trị chứ không phải pháp lý. Một số điểm mà luật nào cũng nêu sở hữu toàn dân là Nhà nước giao. Giao là một cái chuyển dịch từ người nọ sang người kia, còn bản chất hành vi không rõ là gì? Đại biểu Lịch đề nghị làm rõ khái niệm “giao” trong chương về sở hữu. Theo ông, từ ngữ của Ban biên soạn còn mang tính chính trị nhiều quá. Các đại biểu đề nghị lần này phải sửa từ ngữ cho thật trong sáng, Nhà nước và tổ chức thì ai là pháp nhân? Vẫn phân tích về quyền sở hữu,  có đại biểu phân tích, khi hình thành tài sản chung không chia, các xã viên đã chuyển tài sản riêng thành tài sản chung. Tài sản không chia trở thành sở hữu riêng của đơn vị đó (trường học, hợp tác xã ...) có tính chất đặc thù. Các cổ đông xã viên không có quyền sở hữu nữa. Khi phát sinh tranh chấp nếu muốn tách ra không thể đòi chia mà phải chờ thanh lý, chuyển giao cho một tổ chức khác... Các đại biểu đồng tình quan điểm, trong luật dân sự, việc xác lập quyền sở hữu là quan trọng nhất, các luật chuyên ngành phải căn cứ vào luật này để giải quyết. 

Về hình thức sở hữu có đại biểu đề nghị, để cụ thể hóa và bảo đảm sự thống nhất với nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về sở hữu toàn dân thì Bộ luật Dân sự cần quy định ba hình thức sở hữu, bao gồm: Sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. Việc quy định hình thức sở hữu riêng, sở hữu chung là để phù hợp với nguyên tắc xác định hình thức sở hữu trong các quan hệ dân sự. Khi xác định hình thức sở hữu thì cần phải căn cứ vào sự khác biệt trong cách thức thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt của chủ sở hữu đối với tài sản chứ không phải căn cứ vào yếu tố ai là chủ thể cụ thể của quyền sở hữu như quy định hiện hành. Theo đại biểu Lê Đông Phong, cần phân biệt sở hữu toàn dân và sở hữu Nhà nước, cần đặt thế nào cho phù hợp. Nó có liên quan đến áp dụng Bộ luật Hình sự, xác định xâm phạm sở hữu nhà nước. Về vấn đề sở hữu, nhiều đại biểu đồng tình cần quy định rõ ràng chặt chẽ hơn. Giao dịch dân sự quy định để thuận lợi cho người dân, chứ không thể máy móc và không gây rắc rối cho người dân.

Liên quan đến bất động sản, một số đại biểu cho rằng hiện có nhiều quy định không đồng bộ với luật khác. Trong trường hợp có điều khoản mâu thuẫn với luật ban hành trước đó thì phải dựa vào Bộ luật Dân sự, vì luật này có địa vị pháp lý cao hơn

Kim Quý- Vũ Hân
.
.
.