Dấu ấn Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020:

Duy trì sức sống ASEAN trong đại dịch (kỳ 1)

Chủ Nhật, 22/11/2020, 08:40
Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN trong một năm thật đặc biệt - đại dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát với những tác động chưa từng có, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng bộc lộ rõ nét và đẩy lên cao, các thể chế đa phương và diễn đàn quốc tế đối diện nhiều rạn nứt...

Bức tranh toàn cảnh đầy sắc xám đặt ASEAN dưới sự dẫn dắt của Việt Nam vào thách thức đa chiều, với câu hỏi về “sức chịu đựng" trong sóng gió. Nhưng sau một năm vững vàng đi tìm đáp số, vào thời khắc trao chiếc búa Chủ tịch cho Brunei, Việt Nam đã tự tin gửi câu trả lời đến thế giới, với những minh chứng hùng hồn và đầy sức thuyết phục về tinh thần cùng sức sống bền bỉ của ASEAN.

Hội nghị trực tuyến đặc biệt các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN - Hoa Kỳ về COVID, sáng 23/4/2020.

"Gắn kết và chủ động thích ứng"

Khi đón nhận chiếc búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan vào ngày 4/11/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố: “Chúng tôi lựa chọn “Gắn kết và chủ động thích ứng” là chủ đề của Năm ASEAN 2020”. 5 ưu tiên trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 tập trung vào việc đóng góp tích cực cho môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; thúc đẩy phát triển thịnh vượng trên cơ sở liên kết và kết nối khu vực; nâng cao khả năng thích ứng, tận dụng cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hoà bình và phát triển bền vững; phát huy vai trò, đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của ASEAN.

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Vân, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, “Chủ động thích ứng” là một trong những nội hàm của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, lần đầu tiên được đưa vào chủ đề năm ASEAN nhằm phản ánh nhu cầu nâng cao tính chủ động, sáng tạo, sự chuyển biến và khả năng vươn lên mạnh mẽ, hướng về phía trước của ASEAN. Bài phát biểu tại Bangkok, Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ấy là thông điệp đầu tiên gửi đến thế giới về sự chuẩn bị sẵn sàng và nỗ lực đặt ưu tiên cao nhất của Việt Nam đối với Năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Nhưng, đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát ở quy mô toàn thế giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, buộc nhiều nước phải phong tỏa, làm gia tăng khủng hoảng trong nhiều lĩnh vực. Các quốc gia bị đặt vào trạng thái đóng băng chưa từng có, các khu vực biên giới đồng loạt đóng cửa, các hoạt động đi lại, du lịch, thậm chí là giao thương phải tạm dừng để phục vụ mục tiêu duy nhất: Phòng, chống dịch thành công.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận định, chưa bao giờ ASEAN gặp thách thức như vậy. Điều này đã khiến Việt Nam đối diện với vô vàn khó khăn để thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN của mình. Làm cách nào để duy trì kết nối nội khối, triển khai các kế hoạch năm khi thế giới đóng cửa? Những thách thức mà COVID-19 đặt ra sẽ là gì và giải pháp chung để đối phó ra sao? Vô vàn câu hỏi được đặt ra, thách thức các ưu tiên và mục tiêu của Chủ tịch ASEAN 2020 cũng như các quốc gia thành viên.

Hơn lúc nào hết, chủ đề của Năm ASEAN 2020 càng cần được phát huy tác dụng, trở thành ngọn hải đăng soi chiếu trong đêm giông, giúp cho con thuyền ASEAN vững vàng tiến lên phía trước. Alison Mann, quan chức cấp cao của New Zealand về Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Cấp cao Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN và ASEAN cũng nhấn mạnh, ưu tiên của Việt Nam trong việc thúc đẩy một ASEAN “Gắn kết và chủ động thích ứng” là phù hợp nhất trong bối cảnh này.

Tinh thần thép vượt không gian và thời gian

Thực tế, Việt Nam, ngay từ những ngày đầu của Năm Chủ tịch ASEAN 2020, đã biến thách thức thành cơ hội để phát huy tốt nhất vai trò của mình. Bằng cách mở và phát triển “công nghệ số”, Việt Nam đã ngăn chặn được nguy cơ đứt gãy trong quan hệ nội khối và hợp tác đa phương do đóng cửa biên giới, gián tiếp hiện thực hóa 5 ưu tiên được đề ra. Lần đầu tiên, các hội nghị của ASEAN được tổ chức trực tuyến.

Không còn những cuộc gặp gỡ trực tiếp, không còn nghi thức bắt tay chéo mang đậm bản sắc ASEAN, hình thức họp trực tuyến đã phản ánh thực tế về nhiều phương thức vận hành công việc của ASEAN. Vượt qua những rào cản cả về không gian và thời gian, sự biến đổi linh hoạt các hoạt động ASEAN trên nền tảng số không chỉ giúp ASEAN duy trì thông tin, tăng cường phối hợp, mà còn đưa ra nhiều quyết sách quan trọng với khu vực, cả về hợp tác chung và phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng.

Đó còn là Tuyên bố Chủ tịch ASEAN mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra ngày 14/2, khẳng định quyết tâm và cam kết chính trị ở mức cao của ASEAN để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh. Các phiên họp của Hội đồng Điều phối ASEAN, cuộc họp của những nhóm công tác liên ngành cấp quan chức cao cấp, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh COVID-19 cũng được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, nhấn mạnh cam kết của các quốc gia trong điều trị bệnh nhân, sản xuất vaccine, cũng như các biện pháp đối phó với COVID-19, trên tinh thần đặt lợi ích người dân lên hàng đầu, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Đại sứ Phạm Quang Vinh đánh giá, Việt Nam “đã phát huy được vai trò chủ động, trách nhiệm và làm sao duy trì được tham vấn của ASEAN, tham vấn trong ASEAN, tham vấn ASEAN với các nước... đó là điều cực kỳ quan trọng. Việc chúng ta chuyển ngay sang họp trực tuyến và phát huy hết tất cả tham vấn bằng trực tuyến là câu chuyện rất lớn”.

Chưa hết, xuyên suốt trong năm 2020, các cuộc họp trên cả 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN đều được diễn ra thường xuyên, thực chất và hiệu quả. Những sáng kiến về Khung phục hồi tổng thể, Quỹ ứng phó COVID-19, Kho vật tư y tế... lần lượt ra đời, như minh chứng cho khả năng thích ứng, tăng cường kết nối của ASEAN trên nền tảng công nghệ số. Rồi việc lần đầu tiên tổ chức phiên thảo luận về tăng quyền năng cho phụ nữ trong kỷ nguyên số và Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo nữ ASEAN – sáng kiến do Việt Nam đề xuất, cho thấy Việt Nam vừa xử lý vấn đề cấp bách, vừa có thể duy trì được các chương trình, hoạt động đã đề ra cho năm 2020.

Chuyên gia về thương mại và quan hệ quốc tế từ Viện Nghiên cứu tài chính Sùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, GS Liu Ying đánh giá, Việt Nam đã nỗ lực để đảm bảo các cuộc họp ASEAN diễn ra an toàn và đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức, điều phối và dẫn dắt các hoạt động của khối trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020. Còn Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại ASEAN Igor Driesmans thì nhận xét rằng, các khía cạnh kỹ thuật và hậu cần của Chủ tịch ASEAN cho các sự kiện năm 2020 là hết sức ấn tượng.

Hình thức họp trực tuyến lần đầu tiên được tổ chức với sự tham gia cao độ của các nước thành viên đã khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong việc chèo lái con thuyền chung, cũng là cơ hội để ASEAN thể hiện những nỗ lực vượt ra ngoài COVID-19. Và cái cách mà ASEAN vượt qua những sóng gió bất ngờ, không có tiền lệ mà đại dịch gây ra minh chứng cho một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, kiên định và không khuất phục trước nghịch cảnh.

Chính sức sống bền bỉ ấy, vốn từng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định “các nỗ lực đơn lẻ cần được gắn kết lại, vượt tầm quốc gia, trở thành hành động chung của cả Cộng đồng ASEAN”, đã giúp ASEAN vượt qua giông bão, định vị thương hiệu trong một thế giới đang biến đổi, với những trái ngọt gặt hái trong năm qua.

(Còn nữa)

H.Chi – A.Nhiên
.
.
.