Khúc ruột trên, khúc ruột dưới

Thứ Bảy, 01/08/2015, 08:27
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dùng cụm từ “khúc ruột trên, khúc ruột dưới” để nói về khối đại đoàn kết lương giáo trong phát biểu ngày 30/7, nhân kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Ban Tôn giáo Chính phủ.

Phó Thủ tướng nhắc lại những chặng đường lịch sử của dân tộc với vai trò kháng chiến, kiến quốc của đồng bào tôn giáo và nhấn mạnh: “Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam là của mọi người Việt Nam, dù ở trong nước hay đang sinh sống, học tập ở nước ngoài. Người Việt Nam ta dù theo tôn giáo nào hay không theo tôn giáo nào cũng đều là khúc ruột trên, khúc ruột dưới, đều là đồng bào; đều có lòng yêu nước nồng nàn và ý nguyện phấn đấu cho độc lập dân tộc, cho tự do và hạnh phúc của nhân dân”.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta chứng minh rằng, trong những thời khắc cam go, bằng sức mạnh của chính nghĩa, của lòng yêu nước, của tinh thần tự hào dân tộc, của nghĩa đồng bào, người Việt Nam ta - không kể thành phần dân tộc, tôn giáo, hoàn cảnh - muôn người như một, không quản hy sinh, gian khổ đã vượt qua muôn vàn thử thách, thiên tai, địch họa... để bảo vệ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc. 

Những thành quả trong lịch sử chứng minh sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc, về truyền thống “khúc ruột mềm” như anh em một nhà, giữa những người theo hoặc không theo tôn giáo, để cùng hướng đến những mục đích chung của đất nước, xã hội. 

Nhắc lại lịch sử để thấy được trọng trách trong ngày hôm nay và tương lai, như đánh giá của Phó Thủ tướng: “Mặc dù hòa bình, hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo nhưng thế giới luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, trong đó có những nguy cơ xung đột sắc tộc, tôn giáo. Trong nước, đó đây vẫn còn những hành vi lợi dụng tôn giáo hòng gây mất ổn định, chia rẽ khối đại đoàn kết nhân dân”.

Nhìn rộng ra thế giới, xung đột sắc tôn giáo vẫn là hiện trạng rất đáng lo ngại ở nhiều khu vực, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có không ít cuộc chiến tranh đẫm máu triền miên có lý do sâu xa từ vấn đề này. 

Cũng bởi yếu tố tôn giáo và niềm tin duy tâm tồn tại song hành trong cuộc sống nên những kẻ lợi dụng chống phá nền hòa bình, ổn định luôn coi đây như một chiêu sách lợi hại để lấy cớ gây nhiễu, lấy cớ can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia, vùng, lãnh thổ. 

Trong bối cảnh đó, việc lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam cũng là vấn đề lớn đặt ra trong công tác an ninh ở các thời kỳ lịch sử, cả trong công cuộc giải phóng dân tộc, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trước đây đến sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước hôm nay. 

Trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch coi tôn giáo như “hạt nhân” để tìm cách lợi dụng chống phá. Hằng năm, ở các cấp độ khác nhau, các chiêu thức khác nhau, các thế lực thù địch vẫn tố cáo, gây sức ép đến sự phát triển của đất nước ta, tố cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, tín ngưỡng để lấy cớ can thiệp vào công việc nội bộ của Đảng, Nhà nước, lấy cớ gây sức ép đến các nước trong quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những vấn đề khác biệt có liên quan đến nhận thức về nhân quyền, tôn giáo cũng đã được đặt ra. Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ xác định rõ: “Hai nước hứa hẹn tiếp tục ủng hộ việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và ủng hộ việc duy trì đối thoại tích cực, thẳng thắn và xây dựng về quyền con người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thu hẹp khác biệt. Hai nước khuyến khích sự hợp tác hơn nữa nhằm bảo đảm rằng mọi người, bao gồm cả những thành viên của các nhóm dễ bị tổn thương, không phân biệt giới, chủng tộc, tôn giáo hoặc khuynh hướng giới tính, và bao gồm cả người tàn tật, được hưởng đầy đủ các quyền con người”. 

Chúng ta biết, hằng năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có các báo cáo thường niên về nhân quyền thế giới và bên cạnh những đánh giá xác thực thì còn đó những điểm chưa đúng, sai lệch về nhân quyền ở Việt Nam, trong khi một số cá nhân, tổ chức ở Hoa Kỳ cũng có đánh giá sai lệch, thậm chí ngược hẳn bản chất. 

Đây là vấn đề mà hai bên đang tiến hành đối thoại thường niên để thu hẹp khác biệt, không để điều này gây cản trở đến quan hệ hai nước, đồng thời không để những kẻ chống phá Việt Nam lợi dụng xuyên tạc, gây nhũng nhiễu, phức tạp tình hình.

Giáo lý của các tôn giáo đều hướng con người tới những giá trị tốt đẹp, nhân văn. Các tôn giáo không chỉ mang ý nghĩa chính trị, xã hội mà còn hàm chứa sâu sắc những yếu tố văn hóa, đạo đức. Không có giáo lý, giáo luật nào khuyên con người làm những điều xấu, tiêu cực, xâm phạm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức, rộng hơn là vùng, lãnh thổ hay quốc gia. 

Giá trị ấy đang được đại bộ phận cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam gìn giữ, phát huy, thể hiện đúng tôn chỉ, giáo lý, giáo luật, đồng thời thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc “máu chảy ruột mềm”, “khúc ruột trên, khúc ruột dưới”, đều chung ý nghĩa đồng bào. 

Những hành động chống phá cực đoan, lợi dụng nhận thức và các lý do khác nhau để kích động người theo tôn giáo vi phạm pháp luật là hành vi mà ở bất cứ đâu cũng bị lên án và bị xử lý theo pháp luật sở tại. Suy ngẫm sâu xa thì chính hành vi kích động làm điều hại dân, hại nước thì chính những kẻ đó đã lừa mị người theo tôn giáo, trái cả đạo nghĩa lẫn pháp lý.

Đăng Minh
.
.
.