Không trưng cầu ý dân bằng bỏ phiếu điện tử

Thứ Tư, 12/08/2015, 03:42
Cho ý kiến dự án Luật Trưng cầu ý dân tại phiên họp UBTV Quốc hội ngày 11/8, liên quan đề nghị ngoài hình thức biểu quyết bằng phiếu trưng cầu ý dân, có ý kiến đề nghị cần bổ sung hình thức khác như xin chữ ký hoặc bỏ phiếu điện tử.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, trong điều kiện nước ta có khoảng 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa thì việc dự thảo Luật quy định cử tri biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu trực tiếp tương tự như đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là phù hợp và bảo đảm tính khả thi.

Còn đối với hình thức trưng cầu ý dân bằng xin chữ ký hoặc bỏ phiếu điện tử chỉ phù hợp với một số đối tượng, địa bàn nhất định, như ở những đô thị có mật độ dân cư và trình độ dân trí cao… Tuy  nhiên, nếu thực hiện cũng sẽ gặp nhiều khó khăn cả về phương tiện, điều kiện kỹ thuật và cũng khó kiểm soát, xác định chữ ký hoặc thư điện tử đó đúng là của cử tri.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng điều hành phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội.

Về phạm vi tổ chức trưng cầu ý dân, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, Hiến pháp 2013 đã quy định thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân là của Quốc hội; chính quyền địa phương không có thẩm quyền này. Đồng thời, theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng của đất nước có ý nghĩa ở tầm quốc gia, cần đưa ra để toàn dân quyết định.

Nếu chỉ thực hiện việc trưng cầu ý dân trong phạm vi một địa phương cụ thể thì có thể dẫn đến kết quả mang tính cục bộ, phiến diện, không phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân cả nước. Đối với những vấn đề chỉ ảnh hưởng đến phạm vi một hoặc một số địa phương thì không thực hiện trưng cầu ý dân mà áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật hiện hành, như việc lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc quyết định về điều chỉnh địa giới hành chính, quyết định dự án kinh tế - kỹ thuật có tác động trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của bộ phận người dân...

Vì vậy, đề nghị UBTV Quốc hội cho giữ quy định trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước, không bổ sung quy định trưng cầu ý dân ở địa phương. Khi có từ 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên kiến nghị Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân thì UBTV Quốc hội có trách nhiệm tổng hợp các kiến nghị này, chuẩn bị tờ trình và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc trưng cầu ý dân để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, có 3 nhóm vấn đề để Quốc hội xem xét quyết định trưng cầu ý dân. Đó là các vấn đề thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh, đối ngoại có quan hệ đến sự tồn vong, phát triển của đất nước; những nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ nhân dân và những vấn đề kinh tế - xã hội có ảnh hưởng sâu rộng đến quốc kế dân sinh. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, theo Hiến pháp thì Quốc hội có thể quyết định mọi vấn đề, nhưng đây là những vấn đề mà Quốc hội thấy cần phải thận trọng, không tự mình quyết định nên cần xin ý kiến nhân dân.

Về dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã sửa đổi, bổ sung quy trình chất vấn và trả lời chất vấn cụ thể hơn để phù hợp với quy định của Hiến pháp. Nếu đại biểu chưa đồng ý với việc trả lời chất vấn thì tiếp tục chất vấn lại về nội dung đã chất vấn, người bị chất vấn phải trực tiếp trả lời chất vấn mà không được ủy quyền cho người khác trả lời thay. Về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, hiện vẫn còn hai loại ý kiến.

Trong đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành quan điểm luật chỉ quy định chung có tính nguyên tắc về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, còn quy trình, thủ tục cụ thể sẽ thực hiện theo Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về vấn đề này. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung thêm vào dự thảo luật một số quy định về nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (như đã thể hiện trong dự thảo Luật). Các vấn đề cụ thể về trình tự, thủ tục được thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn...

Nguyễn Thành
.
.
.