Không tính bồi thường ngang bằng giá trị thiệt hại

Thứ Năm, 12/03/2009, 12:03
UBTV Quốc hội cho rằng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cả vật chất lẫn tinh thần nhưng mức bồi thường cụ thể phải tính đến nhiều yếu tố, bảo đảm có lý, có tình và tính khả thi…

Mức bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực hành chính, dân sự, tố tụng hình sự bao nhiêu là vấn đề phức tạp khiến nhiều vụ kiện, đòi bồi thường dây dưa, kéo dài. Bản chỉnh lý mới nhất dự án Luật Bồi thường Nhà nước thảo luận tại UBTV Quốc hội ngày 11/3 xác định: Theo nguyên tắc bồi thường của pháp luật dân sự thì thiệt hại đến đâu phải bồi thường đến đó. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách và trình độ của cán bộ, công chức còn hạn chế như hiện nay thì việc tính đúng, tính đủ để bồi thường ngang bằng giá trị bị thiệt hại là rất khó khả thi.

Vì vậy, UBTV Quốc hội cho rằng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cả vật chất lẫn tinh thần nhưng mức bồi thường cụ thể phải tính đến nhiều yếu tố, bảo đảm có lý, có tình và tính khả thi, đồng thời xác định mức bồi thường dựa trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm giải quyết và người bị thiệt hại.

Trong trường hợp người bị thiệt hại không thương lượng được thì cơ quan giải quyết bồi thường vẫn phải giải quyết mức bồi thường một cách phù hợp, nếu người bị thiệt hại không đồng ý mức đó thì có quyền khởi kiện ra tòa.

Thực tế, nhiều vụ giải quyết oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo Nghị quyết 388, người bị oan đề nghị mức bồi thường theo cách tính tổng cộng thiệt hại, có vụ mức đề nghị lên hàng trăm tỷ đồng.

Quá trình thương lượng, giải quyết, do chênh lệch giữa mức đề nghị và mức đền bù thực tế khác xa nhau dẫn tới dây dưa, kéo dài. Mức đề nghị này rõ ràng không phù hợp thực tế, không khả thi

Phan Đăng
.
.
.