Không thể bỏ giám định pháp y Công an tỉnh

Thứ Tư, 11/01/2012, 09:01
Đa số ý kiến thành viên UBTV Quốc hội tại cuộc họp chiều 10/1 đều nhất trí không thể bỏ giám định pháp y Công an tỉnh, vì thế quan điểm của Ủy ban Tư pháp, Ban soạn thảo trở nên “lạc điệu” khi cho rằng cần gộp vào trung tâm giám định pháp y của Sở Y tế!

Đoàn thư ký công bố bản tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội (thảo luận tại tổ và hội trường tại kỳ họp thứ 2) cho thấy: 63 ý kiến không nhất trí quy định của dự thảo luật về bỏ mô hình giám định pháp y thuộc Công an tỉnh. 63 ý kiến này đề nghị giữ quy định giám định viên pháp y thuộc Công an tỉnh như quy định Pháp lệnh Giám định tư pháp hiện hành. Trong khi đó, chỉ có 31 ý kiến nhất trí quy định dự thảo luật là bỏ mô hình giám định pháp y thuộc Công an tỉnh, tập trung vào trung tâm giám định pháp y thuộc ngành Y tế.

UBTV Quốc hội không nhất trí phương án bỏ giám định pháp y Công an tỉnh như đề nghị của ban soạn thảo dự án luật.

Ý kiến của đại biểu Quốc hội được đoàn thư ký kỳ họp gửi đến phiên họp UBTV Quốc hội rõ ràng như vậy, thế nhưng Ủy ban Tư pháp vẫn bảo lưu quan điểm như tờ trình gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ hai (11/2011).

Ủy ban này giải thích: Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, đây là vấn đề quan trọng đã được Chính phủ thảo luận kỹ và biểu quyết trước khi trình Quốc hội, “do đó, đề nghị UBTV Quốc hội cho xin ý kiến của đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua dự án luật”. Theo đó, Ủy ban Tư pháp tiếp tục thể hiện quan điểm như cơ quan soạn thảo (bỏ pháp y Công an tỉnh) khi đưa ra khá nhiều lập luận trong báo cáo của mình.

Chính vì sự khập khiễng ngay trong số liệu thống kê ý kiến đại biểu Quốc hội với bản tập hợp, báo cáo của Ủy ban Tư pháp đã vấp sự phản bác của các thành viên UBTV Quốc hội.

Ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa… với các lập luận cụ thể, khẳng định phương án mà Ủy ban Tư pháp và ban soạn thảo đưa ra là không thuyết phục. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý khẳng định, việc xóa bỏ mô hình giám định ở Công an tỉnh là vội vàng, không phù hợp.

Tán thành quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lý giải: Những vụ án nghiêm trọng đòi hỏi người tham gia giám định vừa giỏi nghiệp vụ, vừa có ý thức tổ chức kỷ luật cao, tác phong chiến đấu, điều đó chỉ giám định pháp y trong Công an, Quân đội làm được. Còn nếu đợi Y tế cử người đi, lại không có kiến thức điều tra, sẽ rất khó khăn, để mất dấu vết nóng, làm chậm quá trình điều tra. Cho nên, nếu nói vĩ mô sắp xếp thì phù hợp nhưng thực tế sẽ cản trở, gây khó khăn quá trình điều tra, là điều đáng lo ngại.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa bổ sung: Giải thích thu hẹp đầu mối như báo cáo là chưa thuyết phục. Mục tiêu phải đáp ứng hiệu quả, phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ điều tra theo tố tụng hình sự. Theo ông, giám định viên của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh có chuyên môn, nghiệp vụ sẽ hơn giám định viên của Sở Y tế: “Ta đang thực hiện tốt, tại sao lại bỏ đi, thay bằng cái khác mà thấy rõ không ổn”. Đại diện Bộ Quốc phòng tham dự phiên họp cũng cho rằng, việc giám định này mang đặc thù lực lượng vũ trang, đòi hỏi cần giữ như mô hình hiện tại, tránh xáo trộn.

Xem lại bản tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thừa nhận, Phòng Giám định pháp y Công an các tỉnh phát huy hiệu quả, 63 ý kiến đại biểu đề nghị giữ lại, chỉ có 31 ý kiến đề nghị bỏ đi. “Như vậy, ý kiến đề nghị giữ lại chiếm đa số. Theo tôi, không có việc gì phải bỏ cả” – Phó Chủ tịch nhất quán.

Các ý kiến UBTV Quốc hội đều “lắc đầu” với quan điểm của Ủy ban Tư pháp. Vì thế, phát biểu của đại diện Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến tỏ ra khá lạc điệu khi tiếp tục đề nghị bỏ mô hình giám định Công an tỉnh để “gộp” vào Sở Y tế. Dường như lường trước khó khăn, Bộ Y tế cử thêm một PGS, chuyên gia giám định đầu ngành Y tế đến để “trợ giúp”. Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường - Trưởng Ban soạn thảo dự án luật, trước tình thế ý kiến ủng hộ quan điểm của Bộ khá đơn lẻ, Bộ trưởng đành lấy dẫn chứng mô hình giám định tư pháp ở nước Nga thay cho lập luận khó thuyết phục.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đưa ra phương án mở: Nêu cả hai cách để xin ý kiến đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội thảo luận, thông qua vào kỳ họp giữa năm 2012.

Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ: Tôi nói vì yêu cầu khách quan chứ “không có lợi ích, nguồn thu nào ở đây cả”!

Là thành viên tham gia đoàn công tác theo sự phân công của Ban soạn thảo dự án Luật Giám định tư pháp, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cho biết, đoàn đã đi kiểm tra cụ thể công tác giám định tư pháp tại 5 tỉnh.

Các lý lẽ về việc giữ mô hình pháp y Công an tỉnh vốn đã được trình bày tại phiên họp UBTV Quốc hội trước đây, nên lần này Trung tướng chỉ khẳng định quan điểm sau khi tham gia cùng đoàn công tác: “Tôi đi kiểm tra thấy rằng, nếu nói dân sự mà đi làm được về pháp y là rất khó khăn, đánh xe đến đón họ còn không đi, nhiều người còn tắt điện thoại để tránh phải đi, đó là pháp y y tế”.

Thứ trưởng viện dẫn: Việc này có dễ dàng gì, ngay như hơn 10 nghìn người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm, pháp y y tế đâu có làm được. Đây là nói về trách nhiệm, về yêu cầu khách quan chứ không phải lợi ích, nguồn thu nào ở đây cả. Nếu để ngành Y tế khó mà hoàn thành. Bỏ đi là hết sức phi lý, rất nguy hiểm.

Đ.Trường
.
.
.