Không sốt nhà đất khi mở rộng đối tượng Việt kiều được mua nhà

Thứ Tư, 03/06/2009, 09:31
Thảo luận ngày 2/6 về dự án Luật sửa đổi Điều 126 Luật Nhà ở và Điều 121 Luật Đất đai về việc mở rộng tiêu chuẩn, điều kiện cho người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ tác động của chính sách này đối với thị trường nhà đất. Cơ quan soạn thảo nhận định: Sẽ không có nhiều tác động, không thể gây ra những cơn sốt nhà đất.
>> Nhà đất VN chưa hút khách Việt kiều

Việt kiều chỉ được mua nhà để ở

"Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam, nếu được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì nên cho phép họ có quyền sở hữu nhà để ở" - Bộ Xây dựng đề nghị.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phát biểu ý kiến.

Bộ Xây dựng cũng cho rằng, đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của Luật Quốc tịch năm 2008, nếu được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên và thuộc các diện: Về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam; người có công với đất nước; nhà văn hoá, nhà khoa học, người có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam ở trong nước mà có nhà ở thuộc tài sản chung của vợ chồng thì cũng được sở hữu nhà để ở tại Việt Nam.

Đối với người gốc Việt Nam không thuộc đối tượng thứ hai nêu trên, nếu được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư.

Như vậy, so với Điều 126 hiện hành, dự án Luật sửa đổi đã tách đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài nói chung thành hai nhóm: Người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam nhằm mở rộng đối tượng so với luật hiện hành và để phù hợp với quy định Hiến pháp và Luật quốc tịch.

Ngoài ra, dự thảo luật cũng mở rộng thêm 2 đối tượng là người có kỹ năng đặc biệt và người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước để có sự thống nhất với Nghị Quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội. Việt kiều chỉ được sử dụng nhà vào mục đích để ở cho bản thân, loại trừ mục đích mua nhà để kinh doanh.

Có thể kiểm soát chống đầu cơ?

Thảo luận tại hội trường ngày 2/6, đa số ý kiến đại biểu thừa nhận việc mở rộng phạm vi, tiêu chuẩn, điều kiện cho Việt kiều được sở hữu nhà ở tại Việt Nam là cần thiết, phù hợp xu hướng phát triển mới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc cho phép người có quốc tịch Việt Nam được sở hữu nhà ở mà không cần phải có điều kiện gì là hơi rộng. Nên chăng chỉ cho phép các đối tượng này được sở hữu một nhà ở tại Việt Nam để tránh hiện tượng đầu cơ, mua nhiều nhà ở?

Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) lo ngại: Quy định dự thảo ràng buộc người Việt Nam ở nước ngoài chỉ được mua nhà vào mục đích để ở, không được sử dụng vào mục đích khác nhưng làm thế nào để quản lý khi họ đã mua được nhà? Trong đăng ký, họ nói rõ mục đích để ở nhưng sau khi mua xong lại chuyển nhượng hoặc sử dụng để kinh doanh thì Nhà nước liệu có thu hồi?

Trong khi đó, thời hạn quy định để được mua nhà là có xác nhận của cơ quan chức năng cư trú đủ 3 tháng cũng khó khả thi. Điều này dễ tạo tiêu cực bởi khi họ cần mua nhà, họ có thể nhờ xác nhận 3 tháng, 6 tháng trong khi bản thân vẫn cư trú tại nước ngoài.

Không có cơ sở tạo cơn sốt nhà đất

Cùng sự quan ngại, đại biểu Trần Ngọc Minh (Hải Phòng) cho rằng, việc mở rộng tới 3 nhóm đối tượng được mua nhà ở tại Việt Nam có thể dẫn tới tình trạng lợi dụng để đầu cơ, mua đi bán lại.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) viện dẫn con số hơn 3 triệu Việt kiều, trong đó có 70% còn quốc tịch Việt Nam. Khi mở rộng tiêu chuẩn, đối tượng, sẽ có bao nhiêu phần trăm trong đó thực sự mua nhà tại Việt Nam? Ban soạn thảo đánh giá tác động như thế nào tới thị trường bất động sản, liệu có tạo nên những cơn sốt?

Cũng với cách đặt vấn đề tương tự, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) đề nghị ban soạn thảo cần đưa ra dự báo cụ thể hơn về khả năng, số lượng người Việt Nam ở nước ngoài có thể mua nhà khi luật có hiệu lực và tác động xã hội của nó.

Tuy nhiên, khảo sát của Bộ Xây dựng cho rằng, tác động của chính sách này đối với thị trường bất động sản khó thể gây những biến động lớn. Bằng chứng là những năm qua, chỉ những người thực sự có nhu cầu mua nhà ở tại Việt Nam họ mới làm thủ tục mua nhà ở và con số này không nhiều.

Bộ Xây dựng dự báo chính sách mới không có nhiều tác động thị trường nhà đất.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền giải thích, để hạn chế việc sử dụng nhà ở sai mục đích hoặc đầu cơ, mua đi bán lại gây tác động xấu đến thị trường bất động sản thì tại khoản 1 và khoản 2 Điều 126 đã có quy định: Việc sở hữu nhà "để bản thân và thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam".

Ngoài ra, có thể áp dụng quy định của các luật có liên quan như: Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật kinh doanh bất động sản, Luật xây dựng,… để điều chỉnh các hành vi mua, bán và tạo lập nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở của chủ sở hữu.

Không phải cứ Việt kiều là dồi dào tiền bạc mua nhà

Đại biểu Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng: Chính sách nhà ở với người Việt Nam định cư ở nước ngoài không tác động nhiều đến thị trường nhà đất trong nước và cũng không có nhiều kẽ hở để đầu cơ, trục lợi.

- Thưa ông, từng tiếp xúc, làm việc với người Việt Nam định cư tại nước ngoài, ông thấy đối tượng được mua nhà như dự thảo có rộng quá? Liệu có quá nhiều người về nước mua nhà?

- Tôi nghĩ không rộng đâu. Nếu nhìn lại trong 3 năm thực hiện chính sách cho người Việt Nam ở nước ngoài mua nhà cũng chỉ có 140 trường hợp mua nhà ở tại Việt Nam. Bởi lẽ, để mua một ngôi nhà, không chỉ công dân trong nước mà Việt kiều họ cũng phải tính toán kỹ, từ điều kiện đến nhu cầu thực tế. Không phải cứ Việt kiều là dồi dào tiền bạc, có năng lực mua nhà ở. Với quy định của dự thảo, theo tôi là rộng hơn trước khá nhiều nhưng cũng có giới hạn cần thiết.

- Vậy tác động của chính sách này đối với thị trường bất động sản sẽ ra sao, thưa ông?

- Tôi cho rằng, việc mở rộng như thế này chỉ có ảnh hưởng phần nào chứ không tác động sâu sắc đến thị trường bất động sản trong nước. Như tôi đã nói, 3 năm chỉ có 140 người mua, vậy thì những năm tới người ta mua đến bao nhiêu để có thể tác động mạnh tới thị trường này. Tôi cho rằng số lượng người mua tăng lên nhưng cũng mức vừa phải.

- Theo ông, người Việt Nam ở nước ngoài có công với đất nước thể hiện qua chính sách này ra sao?

- Ta có Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài, ở các nước có đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao đều quan tâm vấn đề này. Những người có công được quan tâm và tạo điều kiện để họ đóng góp với đất nước nhiều hơn. Việc mở rộng chính sách nhà ở cho họ cũng nằm trong xu hướng như vậy.

Nhóm PV
.
.
.