Quốc hội thảo luận ở tổ:

Không quy định Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trong luật

Thứ Bảy, 03/11/2012, 10:31
Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng mới nhất không quy định cụ thể mô hình Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trong luật mà vấn đề này đã được điều chỉnh bởi Điều lệ Đảng và các nghị quyết, chỉ thị liên quan... Nhiều vấn đề khác cũng được đại biểu Quốc hội làm rõ tại phiên thảo luận ở tổ chiều 2/11 về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi.

Lý giải vấn đề này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành dự thảo luật sửa đổi lần này đã bỏ các quy định về Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng. Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện phân tích: Ủy ban nhất trí với việc sửa đổi này của Chính phủ và cho rằng hiện nay về tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức Đảng từ Trung ương tới cơ sở cũng như của tất cả các đảng viên được điều chỉnh bởi Điều lệ Đảng, Nghị quyết, Chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn và nghị quyết của các tổ chức cơ sở Đảng.

Trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, ngoài Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 quy định về sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội thì các văn bản quy phạm pháp luật không quy định điều chỉnh về tổ chức, hoạt động đối với các cơ quan, tổ chức của Đảng.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ.

“Việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban theo đúng tinh thần và nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng là để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị của Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng” - ông Hiện nói.

Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp và pháp luật quy định, Quốc hội, UBTV Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan, tổ chức hữu quan theo thẩm quyền đều có quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Tại các cơ quan này đã có các Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy, Đảng bộ, Chi bộ để lãnh đạo, chỉ đạo mọi công tác, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Việc chuyển đổi vị trí công tác đối với các vị trí dễ xảy ra tham nhũng, nhiều ý kiến thừa nhận, việc thực hiện quy định chuyển đổi vị trí công tác ở hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với một số vị trí công tác cụ thể như kế toán, giáo viên, bác sỹ, những người giữ chức danh tư pháp (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên), Công an phụ trách khu vực, các cán bộ làm công tác trinh sát điều tra…

Do đó, việc chuyển đổi đối với một số vị trí công tác nhạy cảm như: hải quan, thuế, kiểm toán, quản lý thị trường là cần thiết, nhưng để khắc phục những vướng mắc hiện nay thì bên cạnh việc mở rộng phạm vi những đối tượng cần chuyển đổi, trên cơ sở xem xét, nghiên cứu những hạn chế, vướng mắc, bất cập đối với một số đối tượng. Cần xác định lại cho phù hợp và quy định rõ, cụ thể hơn về vị trí, điều kiện, thời hạn, cách thức chuyển đổi đối với từng vị trí và việc kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý đối với việc thực hiện các quy định về chuyển đổi...

Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng (Điều 68), ý kiến tại các tổ thừa nhận, việc thực hiện các quy định về xử lý trách nhiệm đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng còn gặp lúng túng và ở một số nơi chưa thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là trong luật chưa quy định rõ căn cứ, cơ sở xác định trách nhiệm.

Quy định chưa rõ về khái niệm người đứng đầu, chẳng hạn khi có hành vi tham nhũng xảy ra ở một bộ, ngành thì người đứng đầu được xác định là trưởng phòng, vụ trưởng, cục trưởng, tổng cục trưởng hay bộ trưởng; tương tự như vậy ở địa phương khi có một hành vi tham nhũng xảy ra thì người đứng đầu là ai và trách nhiệm của các vị trí quản lý có liên quan đến đâu chưa được làm rõ.

Đại biểu Đinh Trịnh Hải (Ninh Bình) đề nghị phải công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đó là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, các điều từ 13 đến 15 của dự thảo luật quy định về công khai, minh bạch chưa rõ ràng. Ông kiến nghị cần phải quy định cụ thể là Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm công khai thông tin liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công, quản lý tài nguyên khoáng sản, các khoản thu từ thuế… Bổ sung các quy định về nội dung hoạt động, thông tin, tài liệu nào phải được công khai, thời gian công khai đối với mỗi loại hoạt động, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện công khai cũng như xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị không công khai hoặc công khai không đúng.

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) thì ái ngại khi nói dự luật quy định hình thức công khai do thủ trưởng cơ quan quyết định là chưa hợp lý, bởi lẽ trong thực tế nhiều nơi thường chọn hình thức công khai dễ nhất là tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, kể cả những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Ông đề nghị, để phòng, chống tham nhũng hữu hiệu, “cần bổ sung quy định cho phép Công an được sử dụng các nghiệp vụ đặc biệt trong công tác điều tra, phát hiện hành vi tham nhũng”.

Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh: Chống tham nhũng hiệu quả thấp có nguyên nhân do nể nang, né tránh

Đề cập đến việc thanh tra nhiều nhưng việc thu hồi tài sản các vụ vi phạm về cho Nhà nước còn thấp, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh giải thích do một số cuộc thanh tra “có tính khả thi không cao nên không thực hiện được kết luận thanh tra; chế tài trong xử lý kết luận thanh tra chưa đủ mạnh”. Bên cạnh đó, ông thừa nhận có tình trạng tránh né, nể nang, sợ vi phạm, thành tích đơn vị nên một số cơ quan xử lý trách nhiệm người đứng đầu, tham nhũng ít. Mặt khác cũng có nguyên nhân là chính người đứng đầu tham nhũng làm bó buộc quy định này.

Chính vì vậy, ông nói, để làm tốt công tác phòng ngừa tốt hơn thời gian tới, Luật Phòng, chống tham nhũng đang được sửa đổi đề cập cụ thể hơn các quy định về việc phòng ngừa và “mong đại biểu Quốc hội ủng hộ”...

Bộ trưởng Tư  pháp Hà Hùng Cường: Xử lý khúc mắc liên quan tử hình bằng tiêm thuốc độc

Xung quanh vấn đề tử hình bằng thuốc độc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, cho biết: cơ bản việc chuẩn bị đã xong về thể chế, tuy nhiên chưa thực hiện được do còn một số vấn đề khúc mắc về thuốc. Hiện hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đang nghiên cứu kỹ và xác định rõ các loại thuốc Việt Nam sản xuất được thay vì phải nhập và quý 4 này sẽ sửa quy định liên quan và rút gọn sau khi xác định được thuốc dùng cho hoạt động này.

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình: Không tái bổ nhiệm những thẩm phán cho hưởng án treo sai quy định

Lý giải tại sao xử tham nhũng án treo còn nhiều, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình nói: Việc áp dụng án treo là theo quy định của pháp luật, những ai có thân nhân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ sẽ được giảm án treo. Vấn đề là áp dụng có đúng hay không? Nếu đúng pháp luật thì nhiều án treo vẫn tốt, và ngược lại.

Ông nói: “Ở nước ta, tội phạm tham nhũng cũng không thể không cho hưởng án treo, điều này cũng phù hợp với quốc tế. Nhưng có thể sửa luật để áp dụng những điều kiện khắt khe hơn trong việc cho hưởng án treo. Chúng tôi đã quy định không tái bổ nhiệm những thẩm phán cho hưởng án treo sai quy định; đình chỉ công tác xét xử đối với thẩm phán có quyết định sai trong cho hưởng án treo 2 vụ liên tiếp” - Chánh án Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

PVTS
.
.
.