Không nên xây trung tâm hành chính xa dân

Thứ Năm, 10/12/2009, 16:10
Đại biểu HĐND TP Hà Nội - kiến trúc sư Trần Trọng Hanh (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội) đã bày tỏ quan điểm với báo chí về những quan ngại trước việc Hà Nội định đặt vị trí Trung tâm hành chính quốc gia ở Hòa Lạc.

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 19, HĐND TP Hà Nội khóa XIII, ông Hanh cho rằng, ngay cả khu vực được dự kiến đặt sân bay dự phòng là Ứng Hòa cũng có nhiều ý kiến chưa đồng thuận…

Phóng viên: Thưa ông, Đề án quy hoạch Thủ đô hiện đã thể hiện khá rõ nét bức tranh toàn cảnh của quy hoạch Hà Nội trong vài chục năm tới. Dưới góc độ chuyên môn, ông đánh giá thế nào về vị trí, mô hình của Trung tâm hành chính quốc gia như trong quy hoạch?

Ông Trần Trọng Hanh: Theo tôi, về Trung tâm hành chính quốc gia, bên tư vấn đưa ra 5 phương án, TP cũng đưa ra vài ba phương án. Tôi thấy là phương án đưa ra thì nhiều nhưng thiếu một chủ thuyết. Hiện nay, một số nước cũng đã thực hiện phương án Trung tâm hành chính nhưng mô hình này chưa được đánh giá cao. Ví dụ như Kuala Lumpur (Malaysia) thực hiện đưa trung tâm hành chính ra ngoài nội đô nhưng Thủ tướng mới thì phê bình, thủ tướng cũ cũng không đồng ý vì cho rằng dân sẽ không đến. Chính quyền xa rời dân chúng thì không ổn. Mô hình trung tâm hành chính ở Seoul (Hàn Quốc) cũng không phải là điển hình. Trong khi đó, việc xây dựng Trung tâm hành chính của chúng ta hiện nay chúng ta đã giải quyết hầu hết và đã cấp kinh phí đầu tư vào xây dựng ở các bộ, ngành, chỉ còn thiếu hai bộ là NN&PTNN và Bộ Giao thông vận tải. Vậy thì dành làm gì 100 - 200ha để xây dựng và sau đó chúng ta lại phải di chuyển hàng ngày đưa đón cán bộ đi cán bộ về và lại ở xa dân.

Chưa kể đến địa điểm, Trung tâm hành chính là đầu não để chỉ huy toàn bộ mọi hoạt động, để gắn kết quá trình dân chủ hóa với dân nhưng hiện nay định bố trí độc lập ở bên ngoài, thứ 2 lại ở những nơi phải san lấp, những nơi úng lụt, những nơi thiếu sự quy tụ và đặc biệt, nếu chọn trung tâm hành chính phải chọn những chỗ rất đặc biệt. Chọn Trung tâm hành chính Thủ đô không chỉ là vấn đề khoa học kỹ thuật mà còn là vấn đề an dân. Điều này chúng ta nên học Lý Công Uẩn.

Quan điểm của tôi là vị trí trung tâm Ba Đình vẫn là quan trọng nhất. Nơi đó đứng trên cái cốt 14m. Đây người ta gọi là phủ đầu rồng (nghĩa là đứng trên đỉnh của đầu rồng). Nơi đó vừa mang tính ổn định, vừa mang tính truyền thống. Một địa điểm nữa là tây Hồ Tây tôi cho là rất đẹp. Địa điểm này xem ra là địa điểm đắc địa hơn cả.

Phóng viên: Thế còn với hướng quy hoạch, đô thị hóa để phát triển các đô thị Hoài Đức, Chương Mỹ, hiện nay có nhiều ý kiến chuyên môn không đồng tình… Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Ông Trần Trọng Hanh: Vấn đề phát triển thêm những vùng đất mới ra xung quanh, một loạt các huyện như Hoài Đức, Chương Mỹ sắp tới là đô thị hóa mà không cần thiết phải đầu tư bởi những vùng này rất trũng. Hiện có 1,7 triệu dân ở đó, như vậy, những hộ dân này bị "treo" trong vài năm tới. Đất ở những vùng này khai thác cũng rất khó khăn vì nằm ở giữa sông Nhuệ và sông Đáy. Và chúng ta còn phải tính đến chuyện thoát lũ. Dự kiến, chỉ tiêu là tần suất ngập lũ 500 năm. Không phân lũ và không xả lũ vùng này. Đây là một chỉ tiêu quá cao và chưa có cơ sở khoa học, cần tính lại.

Hà Nội cần một quy hoạch không to nhưng chất lượng cao.

Tôi cho rằng chúng ta nên hướng tới một Thủ đô chất lượng cao, với quy mô vừa phải nhưng hàm lượng chất xám cao, không nên quá to, hãy cùng xuất phát từ củng cố cái gì ta đang có. Hãy củng cố những gì chúng ta đang có từ nghìn năm lịch sử, đó là những di sản, những đô thị bao nhiêu thế hệ đã xây dựng nên. Chúng ta đầu tư, nâng cấp, chỉnh trang trước khi đi đến cái mới. Đó là điều tôi muốn phát biểu.

Phóng viên: Vậy còn vị trí đặt sân bay dự phòng ở huyện Ứng Hòa?

Ông Trần Trọng Hanh: Tôi không hiểu sao lúc đầu chọn ở Phú Xuyên và hiện nay là Ứng Hòa. Cả hai vùng này đều là những vùng trũng. Có thể thấy, quy hoạch Thủ đô đang bế tắc về 2 vấn đề.

Thứ nhất là về tiến độ không đáp ứng được nhịp sống của dân đô thị. Bế tắc thứ hai là lúng túng trong việc hoạch định một đường lối phát triển Thủ đô, không biết là coi trọng phát triển mới hay nâng cấp, bảo tồn những gì đã có. Cả bảo tồn và phát triển là hai chiến lược của bất kỳ quốc gia nào. Nhưng quan điểm của tôi là, muốn làm tốt việc phát triển cái mới thì phải biết giữ gìn và bảo tồn, cải tạo những gì chúng ta đã có trong 1.000 năm qua.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Ngọc Yến (lược ghi)
.
.
.