Không nên tư nhân hóa đất đai

Thứ Sáu, 22/03/2013, 11:55
Chiều 21/3, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) đã tổ chức buổi tọa đàm góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 với chủ đề về đất đai và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng Biên tập Báo QĐND chủ trì cuộc tọa đàm. Góp ý kiến trong cuộc tọa đàm có ông Lê Thanh Quyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, GS.TS Đỗ Thế Tùng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện chính trị - hành chính quốc gia và nhiều chuyên gia về lĩnh vực đất đai.

GS.TS Đỗ Thế Tùng cho rằng, Hiến pháp và Luật Đất đai hiện nay chưa có qui định về quyền chiếm hữu ruộng đất, do đó người dân nhầm lẫn giữa quyền chiếm hữu và sở hữu, từ đó nảy sinh nhiều ý kiến đòi đa hình thức sở hữu. Trong Hiến pháp (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) nên làm rõ, Nhà nước nắm quyền sở hữu, trao quyền chiếm hữu, sử dụng cho các tổ chức, tư nhân… với thời hạn lâu dài, ổn định. Việc thừa nhận đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu là phù hợp với nền nông nghiệp hiện đại.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, trên thế giới có 8 quốc gia duy trì sở hữu toàn dân về đất đai, trong đó có Việt Nam. Điều đó xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, sở hữu đất đai chỉ có tính chất tương đối. Ngay cả các nước tư bản chủ nghĩa, khi cần cho mục đích an ninh, quốc phòng, Nhà nước cũng sẽ tiến hành trưng mua đất. Nếu chủ tư nhân không bán, Nhà nước sẽ tiến hành trưng thu có bồi thường.

Theo ông Tuyến, qua các cuộc thăm dò ý kiến nhân dân, người dân không bức xúc về vấn đề sở hữu mà chủ yếu bức xúc về chuyện thu hồi, giá bồi thường, tham nhũng đất đai… Việt Nam thực hiện sở hữu toàn dân về đất đai, song người dân được hưởng đầy đủ quyền như ở các nước thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai

V.Hà - H.Ly
.
.
.