Không giao quyền điều tra án tham nhũng cho cơ quan điều tra VKSND Tối cao

Thứ Tư, 24/09/2014, 13:57
Trước kiến nghị về việc giao thẩm quyền điều tra các tội phạm về tham nhũng cho cơ quan điều tra thuộc Viện KSND Tối cao, thảo luận ngày 23/9, các thành viên UBTV Quốc hội đã bác bỏ và cho rằng, đề xuất này là thiếu thực tế, vượt quá chức năng, quyền hạn của cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao.

Cơ quan điều tra VKSND Tối cao: Nới quyền nhưng phải khoanh vùng

Dự án Luật Tổ chức Viện KSND quy định, VKSND là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Thực hành quyền công tố gồm các hoạt động làm rõ sự thật của vụ án, xác định tội phạm, người phạm tội, quyết định việc truy tố, buộc tội người phạm tội theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Thực hành quyền công tố được thực hiện từ khi có thông tin về tội phạm và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhằm bảo đảm mọi tội phạm được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Kiểm sát hoạt động tư pháp là kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiến hành hoặc tham gia các hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự, thi hành án, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp và các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật. Kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm bảo đảm hoạt động tư pháp được thực hiện đúng pháp luật, mọi vi phạm pháp luật được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Điều 20 dự thảo Luật đã mở rộng thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra của VKSND tối cao so với quy định hiện hành. Theo Ủy ban Tư pháp, nếu cơ quan điều tra này chỉ có thẩm quyền “điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp” thì qua thực tiễn cho thấy việc làm rõ hành vi phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp sẽ gặp khó khăn do cơ quan điều tra này không đồng thời được điều tra hành vi phạm tội khác mà hành vi đó là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh hành vi phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp (như nhận hối lộ để làm sai lệch hồ sơ vụ án, ra bản án, quyết định trái pháp luật dẫn đến oan, sai). Đồng thời, kết quả giám sát còn cho thấy ngoài cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp thì người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp (như giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tiến hành một số hoạt động điều tra) cũng có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp (như nhục hình, làm sai lệch thông tin tội phạm, bắt giữ người trái pháp luât…).

Vì vậy, để bảo đảm chống tội phạm trong hoạt động tư pháp có hiệu quả, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, phù hợp với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND, Điều 20 được chỉnh lý như sau: “Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát quân sự Trung ương điều tra một số loại tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, Tòa án, Viện Kiểm sát, cơ quan thi hành án hoặc người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp”.

Đáng chú ý, một số ý kiến đề xuất giao chức năng điều tra tất cả các loại án tham nhũng cho cơ quan điều tra VKSND Tối cao. Lý lẽ được cho là loại án này phức tạp, cơ quan điều tra của VKSND Tối cao đã có đủ nhân, vật lực để thụ lý. Tuy nhiên, nhiều thành viên UBTV Quốc hội bác bỏ đề xuất này và khẳng định, việc giao thêm quyền chỉ làm chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với cơ quan điều tra của CAND, trong khi không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành một số hoạt động xác minh, điều tra như lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và áp dụng một số biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân như: bắt, tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang; gia hạn tạm giữ, thu giữ, tạm giữ các đồ vật, tài liệu... Kết quả giám sát thời gian qua cho thấy trong giai đoạn này đã xảy ra những trường hợp không đảm bảo yêu cầu. Những hoạt động này được tiến hành trước khi khởi tố vụ án, vì vậy nếu chỉ quy định VKSND thực hành quyền công tố từ khi khởi tố vụ án hoặc từ khi khởi tố bị can thì không ràng buộc được trách nhiệm của Viện Kiểm sát, không đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm. Do đó sửa đổi Điều 3 để quy định thời điểm thực hành quyền công tố ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Xử sai, chủ tọa phải chịu trách nhiệm chính

Đặt câu hỏi về dự án Luật Tòa án nhân dân sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, khi tòa xử rồi mà xử sai thì tòa phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm chính ở đây phải là thẩm phán – chủ tọa của phiên tòa. Đồng thời, khi để xảy ra án oan sai, Viện Kiểm sát phải vào xem lại toàn bộ trình tự pháp lý của phiên tòa này, cơ quan điều tra cũng phải xem lại cụ thể...

Về vấn đề này, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình giải thích, theo quy định tố tụng hiện nay, nếu tòa nhận hồ sơ của Viện Kiểm sát gửi sang nếu thấy chưa đầy đủ thì có quyền trả lại yêu cầu điều tra bổ sung. Tuy nhiên, trong thực tế việc điều tra bổ sung có khi vẫn chưa đảm bảo. Trước khi đưa ra xét xử, tòa phải đảm bảo các điều kiện tranh tụng, nếu chứng cứ cảm thấy chưa chặt chẽ để không thể tranh tụng thì tòa phải làm cho rõ. Ông nói, thực hiện quyền tranh tụng, quyền bào chữa, quyền tự bào chữa sẽ được quy định trong luật tố tụng trên tinh thần nguyên tắc tranh tụng được đảm bảo. Khi đưa ra xét xử, theo tinh thần của Hiến pháp mới, nếu chứng cứ buộc tội không chắc chắn, các cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được phạm tội thì phải tuyên vô tội. Vì vậy, đòi hỏi quá trình thụ lý, điều tra, truy tố, xét xử phải hết sức chặt chẽ và phải làm đúng chức năng của từng cơ quan

M.Đăng
.
.
.