"Không để một người dân nào thiếu đói"

Thứ Tư, 19/11/2008, 07:45
Ngày 18/11, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã tiến hành phiên họp giữa tháng 11/2008 bàn về một số nội dung quan trọng như: xem xét nội dung Chiến lược phòng chống tham nhũng đến năm 2020; định hướng về cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao; sửa đổi điều 10 Pháp lệnh Dân số; Điều 6 Pháp lệnh Thuế tài nguyên;…

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, công tác xóa đói giảm nghèo thời gian qua của nước ta đã đạt hiệu quả cao, nỗ lực đó đã được quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, cả nước vẫn còn nhiều huyện, xã có tỉ lệ hộ nghèo rất cao (hộ nghèo chiếm trên 50%), nên lĩnh vực này cần cơ chế tốt hơn.

Về giải pháp cụ thể, Thủ tướng cho rằng việc xóa đói giảm nghèo của đồng bào ta phải gắn với sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp; chính sách định hướng cũng phải thiết thực, xây dựng kế hoạch theo nhu cầu từ cơ sở lên. Thủ tướng cũng yêu cầu 11 nhóm chính sách hiện có phải được tiếp tục thực hiện, có bổ sung một số chính sách mới, đặc thù như phải thay đổi việc giao khoán rừng, nâng mức hỗ trợ bảo vệ rừng;… "Đảm bảo không để dân thiếu đói, nhất là các vùng chưa có đất làm nông nghiệp. Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ cụ thể cho các vùng này" - Thủ tướng khẳng định, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng xây dựng các chính sách đồng bộ về nguồn lực, đào tạo cán bộ, cử tuyển,… để 61 huyện nghèo nhất nước sớm thoát nghèo.

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều cùng ngày 18/11, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Hồng cho biết, cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo tới đây sẽ có thay đổi như việc xây dựng kế hoạch sẽ làm từ dưới lên, từ xã lên huyện, lên tỉnh và tổ công tác liên bộ sẽ chỉ thẩm định, không làm trực tiếp vào mà chỉ đề ra cơ chế, chính sách. Người dân sẽ được tham gia từ khâu lên kế hoạch, sau đó cũng được trực tiếp làm các công trình, tự kiểm tra, cơ quan chức năng ở TW, ở tỉnh chỉ về nghiệm thu. "Vừa qua làm từ trên xuống dưới cũng có hiệu quả, nhưng có những công trình lãng phí, chồng chéo. Những cái gì phân cấp cho xã, huyện thì phân cấp hết, huyện, tỉnh, TW chỉ đi thẩm tra thôi" - Thứ trưởng Lê Văn Hồng khẳng định.

Hiện nay cả nước có 61 huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao trên 50%, ở 20 tỉnh, nằm chủ yếu ở khu vực miền núi, tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao. Bàn về cơ chế, chính sách, giải pháp giảm nghèo, Chính phủ thống nhất đến năm 2010 phải giảm tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn hiện hành xuống dưới 40%, cơ bản không còn hộ dân ở nhà tạm, tăng tỉ lệ che phủ rừng và tỉ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch và đến năm 2020 không còn khoảng cách về mức sống giữa các huyện nghèo nhất hiện nay với các huyện khác trong vùng. Sẽ thực hiện luân chuyển cán bộ chuyên môn từ tỉnh về công tác tại các huyện nghèo trong thời hạn từ 3-5 năm; đẩy mạnh đầu tư xây dựng các trường học, gồm cả nhà ở cho học sinh; các công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu;…

Tại phiên họp, Chính phủ cũng bàn về Chiến lược phòng chống tham nhũng đến năm 2020. Mục tiêu được đặt ra là từng bước ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ tham nhũng, quan liêu, lãng phí và tiêu cực khác làm lành mạnh xã hội. Năm nhóm giải pháp về phòng chống tham nhũng được đề ra. Đáng chú ý là sẽ ban hành quy định theo hướng tăng hình thức phạt tiền, miễn trách nhiệm hình sự hoặc giảm hình phạt đối với những đối tượng chủ động khai báo, khắc phục hậu quả.

Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền cũng cho rằng tình trạng tham nhũng hiện nay vẫn còn nghiêm trọng, và có thể còn diễn biến phức tạp hơn, có cả những yếu tố quan hệ tới nước ngoài. Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền cũng cho biết, để tránh phát sinh các điều kiện xảy ra tiêu cực, tới đây cần hạn chế bớt những việc phải giữ bí mật, chỉ trừ những việc có hại cho an ninh quốc gia, đồng thời tổ chức thông tin để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân

B.Tuấn
.
.
.