Không chống được lãng phí, không thể giảm bội chi
Nhiều nơi nói chống lãng phí nhưng chi vẫn... đậm!
Thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và những giải pháp nhằm phát triển kinh tế -xã hội trong thời gian tới, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nêu ý kiến: “Tôi nghĩ, năm 2015, Chính phủ cho rằng tăng trưởng 6,2% là hợp lý, con số lạm phát 5-6% là hỗ trợ tốt cho chặng đường tăng trưởng”. Đại biểu Ngân đề nghị, cần phải tập trung 5 giải pháp, trong đó về thể chế, hiện đã ban hành nhiều luật định quan trọng; cải cách hành chính (đã có thành công nhất định, nhưng vẫn cần tập trung cho doanh nghiệp chi phí rất cao)... Thành phần kinh tế tư nhân hiện dư địa rất lớn, nó quyết định vốn đầu tư tăng hay không tăng, mấy năm nay thấp, khu vực hấp thụ vốn nhiều là nông nghiệp, du lịch, công nghiệp hỗ trợ cần hỗ trợ vốn nhiều hơn vì sẽ phát triển trong thời gian tới.
Về phía doanh nghiệp, các đại biểu cho rằng, các doanh nghiệp năm 2014 phát triển rất khó khăn, nhưng đó lại là nguồn chính cho GDP, lạm phát thấp là do tiêu dùng của người dân yếu. Cần có chính sách tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là thị trường chứng khoán, nó như nhiệt độ của nền kinh tế nhưng có thời gian cứ như bong bóng…
Vẫn là những lo lắng, đại biểu Đỗ Văn Đương phân tích: Nhiều chuyên gia nhận định năm nay có thể tăng trưởng kinh tế 6,2%. Trong khi, nợ xấu tăng trở lại, bội chi tăng, đó là do thu chưa sâu sát, nợ đọng thuế, trốn thuế… xảy ra ở nhiều nơi nghiêm trọng, có công ty khai thác khoáng sản ở Bồng Miêu (Quảng Nam) nợ 300 tỉ đồng tiền thuế. Rồi tham nhũng, chi hành chính lớn cồng kềnh, biên chế không giảm được, đoàn đi nước ngoài nhiều… chi phí thì lắm, thu thì ít… Ông Đương đề nghị cần phải có biện pháp quyết liệt chống lãng phí, tham nhũng, bởi nếu nói chống chung chung mà các nơi vẫn “chi đậm” thì chỉ là khẩu hiệu. Những lãng phí về quy hoạch cũng đã được các đại biểu nêu ý kiến. Cần có giải pháp quyết liệt, phải giảm nợ công, bớt đầu tư công trình, có đến đâu làm đến đó còn, nhiều nơi xây dựng nhà văn hóa, làng văn hóa rất lãng phí, nghèo nhưng chơi sang.
Bàn về các giải pháp để kinh tế phát triển, đại biểu Trần Du Lịch lo ngại, năm 2015, tổng cầu không tăng, khối tượng tiền tệ, tiêu dùng, cơ cấu nền kinh tế gia công, khai thác tài nguyên thô, thì làm sao phát triển cao hơn được? Trong khi đó, các công trình lớn là công trình chờ vốn…
Liên quan nợ xấu, ông Lịch cho rằng, bản thân nó không có gì xấu, là hoạt động bình thường của ngân hàng. Nhưng nó trở nên “xấu” khi vượt ngưỡng của ngân hàng. Chính phủ phải tập trung giải quyết, nếu không càng kéo dài càng khó khăn, khốn khổ, nhất là doanh nghiệp vướng nợ. Theo ông, năm 2015, đưa nợ xấu xuống 3% thì cần phải có những biện pháp nào? Công ty mua nợ thì dồn đó thôi chứ có bán được đâu, nợ xấu là sản phẩm của thị trường, phải tác động từ thị trường…
Đại biểu Lê Thanh Hải (Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh) quan tâm việc sử dụng ngân sách. Ông nói, lo hơn là xu hướng cơ cấu sử dụng ngân sách ngày càng cho thấy chi thường xuyên tăng nhanh, trong khi chi đầu tư giảm, là đáng lo ngại. Trước đây chi cho đầu tư khoảng 30% nhưng xu hướng ngày càng giảm. Lo thứ hai: nợ công cao lo là đúng, đáng lo hơn là sử dụng vốn vay hiệu quả như thế nào, liên quan đến trả nợ.
Ghi nhận vai trò lực lượng Công an, Quân đội đảm bảo môi trường bình yên
Nhiều ý kiến khẳng định, trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt vai trò của lực lượng Công an, Quân đội góp phần quan trọng giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia, đảm bảo ổn định để phát triển kinh tế, đó là một yếu tố hết sức quan trọng. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, các lực lượng Công an, Quân đội đã không ngừng nỗ lực giữ gìn quốc phòng, an ninh, đảm bảo môi trường bình yên, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Theo ông, thực tế đời sống người dân thấp, doanh nghiệp phá sản nhiều, người thất nghiệp tăng nên làm gia tăng phức tạp của xã hội, tội phạm. Từ đó, gây áp lực lớn cho lực lượng Công an, áp lực thường xuyên trong công tác phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự.
Trao đổi thêm về vấn đề an ninh, trật tự, đại biểu Chu Sơn Hà cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng bảo đảm môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội đó là việc giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến hết sức phức tạp, các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống tiếp tục gia tăng, bất ổn chính trị, hoạt động khủng bố và các vấn đề an ninh mạng đang đặt ra nhiều thách thức đối với lợi ích và an ninh của đất nước chúng ta, lực lượng Công an đã chủ động nắm chắc tình hình, phân tích, đánh giá dự báo sát, đúng tình hình, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, giải pháp cơ bản, có ý nghĩa chiến lược về việc bảo đảm an ninh, trật tự. Tại nhiều kỳ họp, đại biểu đánh giá, lực lượng Công an đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; giữ vững thế chủ động chiến lược. Chất lượng công tác điều tra, xử lý các loại tội phạm ngày được nâng cao. Nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng được phát hiện điều tra, xử lý kịp thời, công tác phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, tội phạm về môi trường được quan tâm chỉ đạo đạt kết quả tích cực...
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Đấu tranh mềm dẻo trên cơ sở giữ vững độc lập chủ quyền Phát biểu tại buổi thảo luận, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đánh giá: Việt Nam có một vị trí địa lý - chính trị rất quan trọng. Chúng ta phải giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ để tăng cường đoàn kết hữu nghị, trước hết là với các nước láng giềng. Nói thêm về vấn đề biển Đông, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ cho rằng, đây là vấn đề lâu dài chứ không phải là vấn đề ngày một ngày hai. Phải hết sức bình tĩnh. Kiên trì, mềm dẻo, chủ động... Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng cho rằng, vấn đề đối ngoại rất quan trọng vì nhiều khi chiến tranh hay hòa bình xuất phát từ công tác này. Việt Nam có thế mạnh trong công tác đối ngoại vì có quan hệ với nhiều nước. Tuy nhiên, chúng ta phải đấu tranh mềm dẻo trên cơ sở giữ vững độc lập chủ quyền, không đi với bên nào, nước thứ ba nào để chống lại nước khác. Chúng ta là bạn với tất cả các nước, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, chế độ chính trị, nội bộ của nhau. |
Ông Đinh Văn Nhã – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: Không nên dùng ngân sách để xử lý nợ xấu Về nguyên tắc và trên thực tế, để xử lý ngay tình hình không để ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống các ngân hàng, đồng thời cứu vãn ngay khó khăn cho nền kinh tế thì các nước có tiềm lực chính sách mạnh sẽ dùng ngân sách để xử lý. Nhưng ngân sách của chúng ta khó khăn, tạm thời cơ chế xử lý nợ bằng Công ty VAMC cũng là một cứu cánh, một giải pháp tình thế. Hiện nay nó xử lý có hiệu quả, các ngân hàng có khả năng tiếp cận được các nguồn vốn cho vay, mặc dù các khoản nợ đó còn đang treo. Cái quan trọng là chúng ta phải xây dựng được hành lang pháp lý để có thể giải tỏa được tài sản bảo đảm của các khoản vay. Cần phải có 1 hệ thống pháp luật có hiệu lực hiệu quả để có thể phát mại các tài sản này nhanh chóng và cũng cần phải khẩn trương có thị trường mua bán các khoản nợ này. Nếu chúng ta xử lý được nó là cái rất tốt, ngân sách Nhà nước không phải dùng đồng nào. Đây cũng là cách nhiều nước áp dụng thành công. VAMC không phải là sáng kiến của Việt Nam mà là cái mà quốc tế đã áp dụng. Hiện nay ngân sách Nhà nước đang rất khó khăn thì đề nghị của Chính phủ là hợp lý. Tôi nghĩ chẳng đến 10%. Nợ xấu hiện khoảng 5, 6%, chỉ cần 3, 4% GDP có thể giải quyết được cơ bản. Nhưng đó là điều vô cùng khó. Thu ngân sách của chúng ta đang có xu hướng giảm, bởi để kích thích kinh tế, chúng ta có những chính sách ưu đãi về thuế. Cho nên để cân đối ngân sách để đáp ứng nhu cầu chi và trả nợ hằng năm đã khó rồi, chưa nói đến xử lý nợ xấu. Nợ đọng xây dựng cơ bản so với cuối năm ngoái đã giảm được 25 – 30%, từ gần 60 nghìn tỷ đồng, nay còn ngót nghét 40 nghìn tỷ đồng. Nếu theo Luật Đầu tư công vừa được Quốc hội kỳ trước thông qua, thì sang năm 2015 phải xử lý dứt điểm số nợ này để chuyển sang một giai đoạn mới là xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn, chắc là không thực hiện được. Nếu chúng ta xử lý dứt điểm ít nhất cũng phải mất 3 năm nữa, bởi nếu xử lý ngay thì sang năm nhiều bộ ngành, nhiều địa phương sẽ không có gì mà làm, vì vốn đổ vào trả nợ rồi. Ta phải chấp nhận thực tế, nếu ta xử lý quyết liệt ngay sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của 2015. Với những giải pháp để thực hiện những mục tiêu quan trọng của 2015, tôi cho rằng Chính phủ nên mạnh dạn phát hành trái phiếu Chính phủ tăng lên chí ít ở mức 90 – 95 nghìn tỷ đồng, thay vì 85 nghìn tỷ như đề xuất. Hiện nay con số theo các địa phương và bộ, ngành đề xuất là 120 nghìn tỷ mới đủ đáp ứng yêu cầu, nếu Chính phủ phát hành thấp, sẽ chỉ đủ ứng vốn 70 – 75% cho dự án. Sẽ có nhiều dự án đáng lẽ có thể nhanh chóng hoàn thành phải bỏ dở. Nếu bộ, ngành, địa phương họ tập trung họ triển khai nhanh dự án, giải ngân được tôi cho rằng là tốt. Không có lý do gì 2014 làm được 100 nghìn tỷ mà 2015 không làm được. Phải chăng Chính phủ sợ giới hạn Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu cho 2015 – 2016 chỉ còn 145 nghìn tỷ, nên phát hành nhiều sẽ không còn vốn cho 2016. Tôi cho rằng 2016 ta sẽ tiếp tục tính vào giai đoạn 2016 – 2020. Vũ Hân |