Không chi trả tiền gửi vượt hạn mức cho người gửi tiền cá nhân

Thứ Hai, 18/09/2017, 13:33
Sáng 18-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự án Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) – dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp trước. Vấn đề được quan tâm hiện nay vẫn liên quan đến việc phá sản ngân hàng, xử lý các TCTD bị kiểm soát đặc biệt và miễn trừ trách nhiệm cho những người tham gia thực hiện nhiệm vụ này.

Về lý do giữ nguyên phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của dự thảo Luật và không sửa đổi một cách toàn diện, Ủy ban Kinh tế cho rằng: Mục đích của việc sửa đổi lần này là nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý TCTD yếu kém; hạn chế, ngăn ngừa TCTD yếu kém mới phát sinh; xử lý các vướng mắc, bất cập trong quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD. 

Việc sửa đổi toàn diện các quy định tại Luật Các TCTD cần tiến hành đồng thời với việc sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tổng kết, đánh giá việc thực hiện Đề án cơ cấu lại TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, tức là đòi hỏi có thời gian nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi. Do vậy, xin được giữ phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều mà chưa sửa đổi toàn diện Luật Các TCTD.

Về nguồn lực thực hiện phương án cơ cấu lại, một số ý kiến đề nghị tuân thủ nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt. Ủy ban Kinh tế cũng ủng hộ phương án “không sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình cơ cấu lại các TCTD, không chi trả tiền gửi vượt hạn mức cho người gửi tiền cá nhân” thay vì phương án “quy định hai trường hợp dự phòng có thể sử dụng nguồn lực từ ngân sách nhà nước khi hỗ trợ phương án phá sản TCTD, gồm chi trả tiền gửi vượt hạn mức cho người gửi tiền cá nhân và cơ chế xử lý đối với số tiền cho vay đặc biệt không thu hồi được”.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng giải trình về dự án luật trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt (Điều 147), một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này, vì không đảm bảo tính thống nhất với Luật Cán bộ, công chức. Tuy nhiên, thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng: Cán bộ tham mưu của Ngân hàng Nhà nước, cán bộ tham gia Ban kiểm soát đặc biệt, cán bộ được điều động tham gia vào quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém phải tham gia xử lý một công việc rất khó, phức tạp, không có tiền lệ, quy định của pháp luật lại chưa được đầy đủ và một số trường hợp gặp rủi ro pháp lý. Từ thực tế đó, không ít cán bộ tìm cách từ chối khi được giao nhiệm vụ, thiếu hụt nguồn nhân lực tham gia xử lý TCTD yếu kém là vấn đề đang vướng mắc hiện nay.

Ủy ban cũng dẫn “Nguyên tắc số 2 của 25 nguyên tắc cốt lõi về thanh tra, giám sát theo Basel II (phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của ủy ban Basel về giám sát ngân hàng)”, có quy định về việc các cán bộ của cơ quan quản lý phải được bảo vệ khỏi các trách nhiệm dân sự và hình sự đối với các hành động, thiếu sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao trên tinh thần công tâm, trung thực; các quốc gia thuộc liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Singapore, Hồng Kong cũng có quy định tương tự. Để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém được kiểm soát đặc biệt, việc có quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt là rất cần thiết.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp với Cơ quan soạn thảo rà soát quy định những nguyên tắc, trường hợp cụ thể tránh lợi dụng quy định miễn trừ này.

Về phương án chuyển giao bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ cơ chế, điều kiện, tiêu chí chuyển giao cũng như chỉ định TCTD nhận chuyển giao, bảo đảm khách quan, bảo đảm quyền lợi của các bên, phù hợp với tinh thần Hiến pháp.

Về quy định “Kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định chuyển giao bắt buộc, toàn bộ quyền và lợi ích của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc chấm dứt”, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, việc hạn chế quyền cổ đông theo định hướng của Luật là hoàn toàn phù hợp và bảo đảm tính hợp hiến, do về bản chất, tình trạng tài chính của ngân hàng đã quá yếu kém, không thể phục hồi và các cổ đông của ngân hàng không thể có giải pháp phục hồi ngân hàng, giá trị thực của vốn điều lệ của ngân hàng này đã âm (tài sản nợ nhiều hơn tài sản có). Quy định này cũng phù hợp với thông lệ nhiều nước đã áp dụng. Tuy nhiên, điều khoản này còn rất nhiều ý kiến khác nhau trong Thường vụ.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về phương án phá sản các TCTD trên cơ sở đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, thận trọng, chặt chẽ khi triển khai phương án này trong thực tiễn. Ủy ban Kinh tế cho rằng: Việc phá sản TCTD có thể dẫn đến đổ vỡ dây chuyền, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền và an toàn của hệ thống ngân hàng. (Do đó), Việc phá sản chỉ áp dụng sau khi đã thực hiện các biện pháp khác nhưng không thành công. Đồng thời đây cũng là một hình thức răn đe, động lực để các TCTD nâng cao chất lượng quản trị điều hành và trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn tiền huy động, đồng thời góp phần nâng cao ý thức người gửi tiền và khách hàng trong việc lựa chọn TCTD có uy tín, chất lượng dịch vụ tốt. 


Vũ Hân
.
.
.