Đại biểu Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội:

"Đội ngũ công chức lớn thế này thì không thể cải cách tiền lương được"

Thứ Hai, 14/11/2016, 16:09
Đội ngũ cán bộ, công chức của chúng ta quá nhiều, nếu không giảm nhẹ biên chế và không làm đúng việc sắp xếp cán bộ theo vị trí việc làm thì đội ngũ công chức lớn thế này không cải cách được. Còn nữa, phải chuyển 2,3 triệu người làm ở khu vực sự nghiệp công sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và khoán theo tiêu chí hiệu quả đầu ra, chứ không thể để như thế này được... ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định.




Trao đổi với PV bên lề Quốc hội về phiên chất vấn sẽ bắt đầu từ ngày mai (15-11), ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cho biết ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề tiền lương, bởi chúng ta đã 3 lần “lỡ hẹn” tăng lương và việc cải cách tiền lương hiện nay chưa đi vào bản chất.

PV: Vậy vấn đề cải cách tiền lương, ông thấy lộ trình cải cách của chúng ta đã đáp ứng được so với yêu cầu chưa?

ĐB Bùi Sỹ Lợi: Tôi cũng sẽ hỏi chuyện cứ mỗi năm tăng 7-8% lương cơ sở thì có đúng với bản chất cải cách chính sách tiền lương hay không? Không phải. Đó chỉ là giải pháp tình thế và chỉ để bù đắp trượt giá, trong khi đội ngũ cán bộ, công chức của chúng ta quá nhiều, nếu không giảm nhẹ biên chế và không làm đúng việc sắp xếp cán bộ theo vị trí việc làm thì đội ngũ công chức lớn thế này không cải cách được. Còn nữa, phải chuyển 2,3 triệu người làm ở khu vực sự nghiệp công sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và khoán theo tiêu chí hiệu quả đầu ra, chứ không thể để như thế này được.

Chúng ta đã 3 lần lỡ hẹn với cán bộ công chức không nâng lương rồi. Kết luận 63 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 5, Nghị quyết Trung ương 7 Khóa 11 và Nghị quyết Đại hội Đảng khóa 12 đều nói đến cải cách chính sách tiền lương, nhưng chúng ta chưa làm được. Bộ Nội vụ phải tham mưu cho Chính phủ để làm sao cải cách chính sách tiền lương toàn diện, tức là cả tiền lương cơ sở để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu, và thang lương, bảng lương, bội số tiền lương, để lương đúng với tinh thần phân phối theo lao động. 

Nguyên tắc của tiền lương là phải được chi trả theo số lượng và chất lượng lao động. Tiền lương phải là đòn bẩy để tăng năng suất lao động. Phải coi đầu tư cho tiền lương cũng là đầu tư cho phát triển. Có vậy mới có một bộ máy công chức toàn tâm toàn ý, tức là công bộc của dân. Không làm được sẽ có câu chuyên “đói ăn vụng, túng làm càn”, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Đấy là những vấn đề rất đáng lưu ý. 

PV: Ông có đánh giá thế nào về 4 Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn kỳ này?

ĐB Bùi Sỹ Lợi: Chất vấn là chuyện bình thường ở Quốc hội để trả lời trước cử tri và nhân dân cả nước về những vấn đề còn bức xúc, vấn đề mà người dân thấy phải được các cơ quan có chức năng trả lời và xử lý thực tiễn ở cơ sở. Mục tiêu để tạo cơ hội phát triển cho đất nước thôi.

Kết quả lựa chọn 4 vị Bộ trưởng lần này có được từ ý kiến tổng hợp của Mặt trận Tổ Quốc – với 15, 16 nội dung mà cử tri thấy cần phải được Quốc hội chất vấn và các bộ, các ngành giải trình; tổng hợp ý kiến của các ĐBQH thì có 11 nhóm được quan tâm. Trên cơ sở đó, Tổng Thư ký Quốc hội đã lấy ý kiến tất cả các ĐB, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến lấy 5 nhóm vấn đề bức xúc nhất. Cuối cùng, các ĐB đã bỏ phiếu chọn 4 nhóm vấn đề: Công thương, Tài nguyên & Môi trường, Nội vụ và Giáo dục & Đào tạo. 

Tôi cho 4 lĩnh vực này là đúng đắn, dựa trên sự lựa chọn hết sức khách quan của ĐB. Rõ ràng, so với thực tiễn cuộc sống, sự quan tâm của cử tri, đây là những vấn đề cần phải đề cập đến. Tôi cho rằng lựa chọn lần này rất khách quan, việc lấy phiếu của các ĐB là rất dân chủ và đảm bảo được nguyện vọng của cử tri cả nước.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi

PV: Cá nhân ông quan tâm đến vấn đề nào nhất trong kỳ chất vấn này?

ĐB Bùi Sỹ Lợi: Đối với ngành công thương là vấn đề hiệu quả đầu tư trong các công trình trọng điểm của nhà nước. Đầu tư rất nhiều, hậu quả rất thấp. Đây chính là nguyên nhân cho việc hệ số ICOR giai đoạn 2011 – 2016 của chúng ta lên tới 6,92%. Phải tìm ra nguyên nhân để xử lý, với tinh thần làm sao hệ thống DN tốt lên, quá trình đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm và phải có hiệu quả.

Đối với vấn đề tài nguyên môi trường thì phải quay lại ý kiến của Thủ tướng là ta không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Đối với một đất nước, môi trường chiếm vị trí hết sức quan trọng, nó tác động đến sức khỏe con người. Môi trường không lành mạnh thì phát triển kinh tế để giải quyết cái gì?

Giáo dục thì bao nhiêu năm cải cách, học sinh, sinh viên vẫn cứ kêu. Tôi rất quan tâm việc quy mô đào tạo thì rất lớn, nhưng cơ cấu và chất lượng đào tạo thì không đáp ứng với thị trường lao động. Nếu tôi được chất vấn, tôi sẽ phải hỏi về giải pháp cân đối giữa quy mô với cơ cấu và chất lượng đào tạo. Hiện đất nước ta tỷ lệ 1 đại học/1,3 trung cấp/nhưng công nhân kỹ thuật chỉ có 0,9. Đây là một cơ cấu cực kỳ bất hợp lý. 

Các nước tiên tiến người ta là 1 đại học/4 trung cấp/9 công nhân kỹ thuật, tức là thợ phải nhiều hơn thầy. Chúng ta thì thầy nhiều hơn thợ. Đây là một vấn đề rất quan trọng ảnh hưởng tới thị trường lao động. Hiện chúng ta càng đào tạo cao thì tỷ lệ thất nghiệp thiếu việc làm càng lớn.

Về Bộ Nội vụ, tôi sẽ hỏi tại sao Chính phủ lại ban hành Nghị định 53/2015 chỉ hướng dẫn cho 2 nhóm đối tượng là nữ, hàm Thứ trưởng trở lên và Phó Chủ tịch UBND/HĐND Hà Nội, TP HCM được làm đến 60 tuổi và vẫn giữ vị trí quản lý; Thẩm phán cao cấp, Kiểm sát viên cao cấp được làm đến 65 với nam và 60 với nữ, không đúng với tinh thần khoản 3 Điều 187 Bộ Luật lao động là “Những người có trình độ chuyên môn quản lý, kỹ thuật cao thì được kéo dài thời gian công tác tối đa không quá 5 năm” – tức là cả nam và nữ.


Vũ Hân
.
.
.